Mẹ - cô giáo của con

TẠ VĨNH YÊN 20/11/2013 08:28

Mẹ! Con thật tự hào vì mẹ của con là một nhà giáo. Là một người lái đò bình dị trên bến chữ nghĩa như bao người thầy khác trên mọi miền đất nước.

Mẹ tôi là giáo viên cấp I trường làng. Mẹ thực sự là người “cho chữ” theo đúng nghĩa người thầy “cho” chữ. Hơn 30 năm nghề giáo, đã biết bao thế hệ học trò, trong đó có cả con, đã được mẹ dìu dắt bước qua cánh cổng làng để trưởng thành.

Hồi đó con cũng oách lắm, đi học không sợ bạn đánh hay bắt nạt vì là “con của cô giáo”, đứa mô bắt nạt “tau méc mẹ”. Cũng bởi là con cô giáo nên khi nào mẹ cũng bắt học và học. Con cô mà lị. Viết chữ xấu, vở bẩn mẹ đánh vào tay cho chừa. Cũng bởi con là con cô giáo nên hiếm khi được ham chơi với tụi bạn hàng xóm. Tụi nó nghịch và quậy tưng bừng lắm, còn con hiếm khi được chơi với tụi nó. Rồi cách ăn nói nữa. Bao nhiêu là quy định từ mẹ con không được làm, được theo tụi bạn. Hồi đó có lúc con giận mẹ lắm, nhất là khi không được theo tụi bạn trong xóm đi chăn bò, tát cá, nướng khoai, bẫy chim… Con còn nhớ như in, có một tối con trốn theo lũ bạn đi câu cá trê và thác lác ở con mương xa nhà, trời đã khuya mà chưa thấy con về, cả nhà nháo nhác đi tìm… Tối đó con bị ba cho một trận roi tím mông. Mẹ thì vừa nạt vừa lấy bao cá con câu được ném ra ngoài sân… Lúc đó con đau quá nên chừ không nhớ mẹ đã nói gì, chỉ biết mẹ rất giận và mẹ đã ôm con khóc.

Nhà mình neo người, ba lại là thương binh, hay đau ốm vì vết thương tái phát. Mỗi lần mẹ đi dạy về, thế nào cũng có mớ rau, một ít nấm và bó củi sau xe đạp, những thứ mà trên đường mẹ nhặt nhạnh được. Con nhớ hồi đó sau giờ tan trường, mẹ và con cùng nhau đi nhặt nấm, mẹ vẫn hay cười và thường kể chuyện con nghe.

Rồi ai cũng phải lớn lên, hai anh em con đi học đại học, mẹ càng vất vả thêm. May sao nhờ cây cao su mà gia đình đỡ vất vả hơn. Anh em con cũng biết hoàn cảnh gia đình mình nên ngoài giờ học còn tranh thủ đi làm thêm kiếm ít tiền tự trang trải trong sinh hoạt.

Lúc con học năm 3, ba bị bệnh nhồi máu cơ tim mất đột ngột. Khi ba nằm ở hành lang bệnh viện, mẹ đã ôm ba khóc đến ngất xỉu. Trong tháng ba mất, mẹ chẳng nói năng gì, hễ ai nhắc chuyện gì liên quan đến ba là nước mắt mẹ lại trào ra. Đêm đêm mẹ cứ lặng lẽ đến thắp hương cho ba, rồi lặng lẽ cầm những chiếc huân huy chương, lục những tấm hình gia đình, sờ lên những tấm hình có mặt ba… rồi ngồi thế thức suốt đêm.

Hai tháng sau ngày ba mất, trong một lần hái tiêu, mẹ bị trượt thang ngã xuống từ độ cao gần 5m. Theo kết quả chẩn đoán của bác sĩ, mẹ bị gãy chân, chấn thương cột sống, nguy cơ bị liệt nửa người. Mẹ được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế. Sau hơn một năm, nhờ sự chăm sóc, động viên của mọi người, mẹ phục hồi và khỏe lại. Ngày ấy con đã khóc khi hơn 50 tuổi mẹ phải khổ sở để tập đi.
Những năm sau này mẹ thường hay buồn. Con biết mẹ buồn khi không còn được đứng trên bục giảng nữa. Hơn 30 năm cống hiến, mẹ đành phải chấp nhận nghỉ hưu dù chưa đến tuổi. Mỗi lần chở mẹ đi đâu đó ghé lại thăm trường, nhìn các thầy, cô giảng bài, nhìn mấy đứa trẻ đọc theo cô... con lại thấy mẹ khóc. Con biết lúc ấy mẹ muốn được đứng lớp… Giọng đọc theo của lũ trẻ ấy đã hơn 30 năm theo mẹ, nó đã ngấm vào tim, trong huyết quản của mẹ.

Mẹ còn giữ những quyển sách, những trang giáo án đã ngả màu vàng ố, những món quà kỷ vật của học trò trao tặng. Và, trong tủ áo của mẹ vẫn còn vài chiếc áo sờn màu, bị vá ở bờ vai… Con biết đó là kỷ vật suốt đời, quý giá hơn tiền bạc, mọi thứ ở trên đời.

Niềm vui của mẹ bây giờ là 2 đứa cháu nội cứ bi bô và quậy suốt ngày. Mẹ thường hay nói thằng cu Út giống tính chú hắn, bình thường lầm lì, ít nói. Rồi mẹ nhìn cu cháu cười. Con mong sao mẹ cười mãi như thế. Mẹ không chỉ là người mẹ thương yêu chăm lo cho chúng con, mẹ còn là người thầy cho con chữ để bước vào đời. Chúc mẹ - cô giáo của con luôn mạnh khỏe!

TẠ VĨNH YÊN

TẠ VĨNH YÊN