Nhớ trăng quê

KHIẾU THỊ HOÀI 18/09/2013 08:07

Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được những ngày ấu thơ sống bên ngoại, trong căn nhà nhỏ ven sông. Ngày ấy, ngoại thường tự hào về tôi, một bé gái xinh xắn đáng yêu và rất đáo để. Mỗi khi ngồi uống nước chè cùng các cụ ông, cụ bà dưới ánh trăng, ngoại thường xoa đầu tôi, bảo: “Cháu gái hôm rằm của tôi đấy. Quý hóa lắm đây”.

Mẹ sinh tôi đúng vào hôm rằm tháng Tám. Có phải bởi vậy mà tôi trở thành người có duyên nợ với ánh trăng quê?

Bây giờ tôi đã lên thành phố học. So với lũ bạn ở lớp, nhà tôi không giàu nhưng tôi có niềm tự hào đó là tuổi thơ của mình được tắm mát bằng ánh trăng quê.

Hồi còn bé, tôi thường có những ý nghĩ rất ngộ. Trong ý tưởng của tôi, trăng là chiếc đèn lồng lớn của làng. Chiếc đèn lồng ấy chỉ xuất hiện và thực sự tỏa sáng khi những đứa trẻ như tôi biết nghe lời và ngoan ngoãn.

Trong tôi, trăng chính là phần thưởng dành cho những đứa trẻ ngoan. Từ khi chưa học chữ, tôi đã thuộc lòng những câu văn vần bà truyền miệng trong những đêm trăng: “Mồng một lưỡi trai/ Mồng hai lá lúa/ Mồng ba câu liêm/ Mồng bốn lưỡi liềm/ Mồng năm liềm giật/ Mùng sáu thật trăng/ Mười rằm trăng náu/ Mười sáu trăng treo...”.

Buổi chiều, tôi cùng lũ trẻ ra cánh đồng thả diều, tâm hồn tôi bay lên, bay lên cùng cánh diều trên cao còn buổi tối, tôi ngồi trong lòng ngoại, tâm trí tôi lơ lửng cùng ánh trăng huyền thoại. Tôi quên sao được mảnh sân nhỏ của hai bà cháu tôi, mảnh sân được lát bằng thứ gạch bát truyền thống của làng. Mỗi đêm trăng, tôi thường trải chiếu ra chính giữa mảnh sân ấy và nằm gọn trong lòng ngoại như một chú mèo con. Trăng dịu dàng buông thả những ánh vàng tươi, trong trẻo và mảnh dẻ xuống sân nhà. Bao giờ ngoại tôi cũng bắt đầu chuỗi chuyện cổ tích của mình bằng “sự tích mặt trăng”. Sự tích này tôi đã nghe nhiều, nghe nhiều đến thuộc lòng. Nhưng không hiểu sao đêm trăng nào bà cũng kể và tôi nằm im trong lòng bà nghe đi nghe lại không biết chán.

Trong trí tưởng tượng của tôi, trăng cũng như một đứa trẻ. Nhìn vầng trăng, nhìn bầu trời đầy sao, ngoại bảo tôi: “Cháu nhìn xem kìa, chỗ có ngôi sao sáng màu xanh là chóp nón của ông Thần Nông. Cháu có trông thấy con trâu hay không? Hai cái sừng cong cong ở chỗ kia kìa, chỗ này là bà đi cấy, cháu có thấy lưng bà ấy còng còng không, xa xa đằng kia là dải sông Ngân Hà, trên đó có hai con vịt đang bơi, cháu có thấy không?”.

Đêm trăng nào cũng thế, tôi nhìn thấy trên trời cao một cuộc sống giống như của ông bà tôi, của bố mẹ tôi, của hàng xóm láng giềng tôi ở trong làng. Theo ngón tay của bà, tôi đã nhìn thấy hết những gì bà chỉ, bà nói. Có lần tôi hỏi: “Sao mà trên trời cũng có người, có sông, có cả những con trâu, con vịt hả bà ngoại?”. Bà tôi cười: “Ừ, khi nào lớn cháu sẽ hiểu, có những điều người ta nhìn thấy vì người ta muốn như thế, nghĩ như thế cháu à. Cháu đã tin bà, đã tưởng tượng và bà thì tin vào đôi mắt của mình, trí tưởng của mình”.

Rồi tôi ngủ thiếp đi trong ánh sáng huyền diệu của trăng. Tôi thấy hồn mình nhẹ nhẹ lâng lâng. Hình như tôi đang bay? Đúng rồi, thoắt chốc tôi đã đang ở trên mây, xung quanh tôi là những vì tinh tú lấp lánh. Tôi đứng cạnh ông Thần Nông, tôi chào ông và theo ông đi cày trên mảnh ruộng đầy sao. Ông Thần Nông lấy ngôi sao sáng nhất, ngôi sao màu xanh trên chóp nón của ông để tặng cho tôi. Đặt ngôi sao xanh vào lòng bàn tay, khép năm ngón tay lại, tôi chào ông Thần Nông và  lại thấy mình nhẹ nhẹ lâng lâng... Tôi lại bay trong ánh sáng huyền diệu của trăng và giữa những vì tinh tú...

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc chõng tre đặt cạnh ô cửa sổ hình chữ điền. Ngoại đang ngồi bên tôi dùng chiếc quạt mo cau xua muỗi. Không biết ngoại đã bế tôi vào nhà từ khi nào? Tôi hỏi: “Ngoại ơi, sao ngoại chưa đi ngủ?”. Ngoại tôi cười, nụ cười móm mém và thật hiền từ làm sao: “Ngoại nhốt muỗi xong sẽ đi ngủ. Mấy con muỗi này hư quá, cứ rình đốt cháu gái ngoại”.

Tôi xòe tay ra, nhưng lạ chưa, trong tay tôi không phải ngôi sao xanh của ông Thần Nông tặng mà là một chiếc lá, qua ánh trăng, tôi nhìn ra đó là một chiếc lá dâu.

Mãi sau này, khi đã lớn tôi mới biết ngoại thường đặt vào tay tôi chiếc lá dâu và buộc vào cổ tay tôi một đoạn vỏ dâu để tránh ma ta, để cho giấc ngủ của tôi được ngon, được sâu và không bị những ác mộng ám ảnh.

Trong giấc ngủ của tôi bao giờ cũng chập chờn ánh trăng mảnh khảnh. Tôi thường mơ thấy trăng đến bên mình, có khi tôi thấy chúng tôi tung tăng đi chơi với nhau trên mảnh ruộng đầy sao của ông Thần Nông. Và cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được một kỷ niệm về trăng và về ngoại. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi mơ thấy trăng nhưng không phải là ánh trăng như mọi khi, đó là một vầng trăng khóc. Trăng từ trên cao, sà vào ô cửa sổ rồi đến bên tôi khóc giàn giụa. Những giọt nước mắt của trăng trong và vàng như không có thực.

Tôi tỉnh dậy. Ồ không, trăng đang ở ngoài kia, trên cao. Bên cạnh tôi là ngoại, ngoại đang khẽ lấy vạt áo lau mắt. Ngoại tôi khóc ư? Chao ôi, tôi chỉ mải mê theo đuổi cùng ánh trăng, tôi đã không hiểu ngoại buồn chuyện gì, tôi còn quá nhỏ hay tôi quá vô tâm?

Mãi sau này tôi mới hiểu những giọt nước mắt lặng lẽ ấy của ngoại mỗi đêm trăng... Khi xưa, cậu tôi đã trốn nhà ra đi cũng vào một đêm trăng sáng như thế. Hôm đó, cậu tôi nói dối bà là đi câu đêm cùng mấy anh bạn trong xóm. Hôm sau ngoại tôi mới biết, người con trai duy nhất của ngoại đã tình nguyện đi bộ đội. Cậu tôi đi và không bao giờ trở về nữa. Ngoại đã ngồi bên giấy báo tử của cậu tôi suốt đêm, dưới ánh trăng giàn giụa....

Bây giờ, ngoại tôi không còn nữa, chỉ còn căn nhà nhỏ đắp đất với khung cửa chữ điền, chiếc chõng tre đặt bên cửa sổ... Tôi cũng không còn ở quê nữa. Tôi đã lên thành phố học và ở với bố mẹ tôi. Hàng ngày, tôi tiếp xúc với đủ loại ánh sáng của đèn điện, ánh sáng vàng của bóng điện tròn, ánh sáng xanh của bóng điện tuýp, ánh sáng nhấp nháy bảy sắc màu ở các nhà hàng giải khát trên phố và ánh sáng hồng từ chùm đèn ngủ trong phòng... Đủ các loại ánh sáng vậy mà tôi luôn cảm thấy mình thiếu một cái gì đó, có phải vì tôi nhớ ánh trăng quê?

Đôi lúc, tôi dành thời gian đi lang thang trên phố trong những đêm rằm. Nhưng quanh tôi không phải ánh sáng của trăng mà là của dãy đèn cao áp hai bên đường. Tôi ngửa mặt nhìn lên cao. Kia, vầng trăng của tôi kia, vẫn là vầng trăng tròn, trăng khuyết nhưng hình như nó mờ nhạt hơn. Tôi thương cho ánh trăng thành phố và thương thân mình bởi giữa chốn thị thành này, tôi không thể ngắm trăng với vẻ đẹp chiếm lĩnh, tròn đầy của nó như thuở ấu thơ.

Thỉnh thoảng, tôi đạp xe về ngoại thành, nơi còn lại căn nhà nhỏ của bà ngoại tôi, còn lại mảnh sân vuông lát bằng thứ gạch bát truyền thống của làng để ngủ lại một đêm trên chiếc chõng tre đặt cạnh cửa sổ hình chữ điền để ngập chìm và vùng vẫy trong ánh trăng quê và bỏ lại tất cả những bộn bề của cuộc sống thị thành...

Có phải tại mẹ sinh tôi vào đúng hôm rằm tháng Tám mà tôi có duyên nợ với ánh trăng?

KHIẾU THỊ HOÀI

KHIẾU THỊ HOÀI