Mở những ô cửa giàu trí tưởng tượng
“100 cửa sổ” (NXB Kim Đồng, 2022) là truyện dài thiếu nhi của tác giả trẻ Phát Dương đầy tình tiết sáng tạo, lôi cuốn độc giả dõi theo từng trang viết ly kỳ, bất ngờ và khơi gợi trí tưởng tượng phong phú.
Phát Dương (SN 1995) là một tác giả bước ra từ cuộc thi Văn học Tuổi 20, từng đoạt giải nhất văn xuôi cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” do Du Tử Lê Foundation tổ chức. Sau tác phẩm “Tự nhiên say” (NXB Trẻ, 2018); “Mở mắt và mơ” (NXB Văn hóa văn nghệ, 2020); “Bộ móng tay màu đỏ” (NXB Tổng hợp, 2020); Phát Dương mới trình làng truyện dài thiếu nhi “100 cửa sổ” mang phong cách mới lạ.
Thử thách ngòi bút chính mình, Phát Dương tài tình tạo ra một không gian đầy trí tưởng tượng nhưng vẫn bám vào đời sống. Đó là một gia đình phép thuật giữa đời thường. Ở một thế giới công nhận sự tồn tại của phù thủy đang xảy ra một căn bệnh dịch nghiêm trọng. Do gia đình nằm trong thành phố có dịch, nên ba mẹ gửi cô nhóc 13 tuổi tên Trinh về quê nội.
Và hành trình của mọi khám phá bắt đầu, khi cô cháu gái ở cùng người bà khó tính kinh hoàng vốn là một phù thủy lừng danh tại Lâu đài phù thủy mạnh nhất thế giới. Đây quả là bối cảnh thực - hư được tác giả đặt ra, cùng với ngòi bút tưởng tượng phong phú sẽ khiến độc giả không ngừng tò mò mà lần đọc từng trang sách.
Phát Dương còn khéo léo trong việc xây dựng các tuyến nhân vật. Nhân vật chính là cô cháu gái Trinh tinh anh mà bướng bỉnh, song kỳ thực, chính sự bướng bỉnh ấy mới là mấu chốt dẫn đưa tới nhiều tình tiết hay ho, phù hợp với tâm lý nhân vật, đúng tinh thần của truyện thiếu nhi giả tưởng.
Một nhân vật chính khác là người bà phù thủy - bà cũng có niềm vui như đóa hoa rực rỡ khi được ở cùng con cháu, cũng dành cho con cháu những thảo thơm rất đỗi tốt lành. Nhưng chính sự bướng bỉnh của cô cháu gái mới là mấu chốt dẫn tới nhiều chi tiết thú vị.
Chuyện kể về ngôi nhà có 100 cửa sổ thần kỳ có thể dẫn tới các không gian khác nhau. Điều đó liền lóe lên sáng kiến trong đầu Trinh và cậu bạn tên Tính. Hai đứa trẻ cùng nhau “khởi nghiệp” bằng tiệm bánh Cô phù thủy nhỏ với các loại bánh được đặt tên dễ thương và độc đáo như Bánh Qui Tỉnh Táo, Kẹo Tê Cứng, Bánh Lá Nói Thật. Bé Trinh rất nhanh trí tận dụng ngay 100 cửa sổ thần kỳ để giao hàng.
Kể từ đây, cuộc phiêu lưu mới thật sự bắt đầu. Nhưng tại sao tuyệt đối không được mở cánh cửa sổ số 49; vì bà đã căn dặn Trinh hàng trăm lần, Trinh cũng phải hứa đi hứa lại tới lần thứ chín mươi chín thì bà mới yên tâm về điều đó.
Thật thà trong lời nói, việc làm vốn luôn là điều đáng được khuyến khích cả nơi người lớn lẫn con trẻ. Và cũng chính cửa sổ thứ 49 bí mật tạo ra các nút thắt trong tình tiết xoay quanh, không khỏi khơi gợi trí tò mò của độc giả, phiêu theo từng trang sách đầy háo hức, cho đến khi cuốn sách mỏng dần, hết 10 chương và một ngoại truyện.
“100 cửa sổ” thần kỳ mở ra điều gì? Tiệm bánh rồi sẽ ra sao? Tại sao phù thủy lại không dùng phép thuật để cứu giúp thế giới khỏi cơn dịch bệnh? Trong bí hiểm có nguy nan, hai đứa trẻ sẽ vượt qua ra sao? Cô bé Trinh bướng bỉnh cuối cùng có ghét bà nội hay không? Độc giả sẽ tự mở từng cánh cửa, và đi tìm câu trả lời bằng trí tưởng tượng thật phong phú của mình.
Phát Dương chia sẻ: “Bản thân ai cũng từng là một đứa trẻ, tôi cũng vậy. Viết cho thiếu nhi cũng chính là viết cho tuổi thơ của mình, viết cuốn sách mà mình muốn đọc. Tôi mong độc giả nhí được tự do sáng tạo, tha hồ bay bổng với trí tưởng tượng trong không gian truyện. Bởi lẽ trí tưởng tượng là một món quà vô cùng đặc biệt, sẽ giúp các em sáng tạo hơn”.
Một điểm cộng sáng tạo cho truyện dài “100 cửa sổ” được chăm chút ở khâu minh họa chỉn chu, với loạt hình vẽ sinh động khắc họa rõ hình ảnh của từng nhân vật, bám sát theo diễn tiến, không gian truyện. Bên cạnh minh họa bắt mắt, sách còn được in màu toàn bộ. Và điều đáng mong đợi khác, tác giả Phát Dương bật mí sẽ tiếp tục ra mắt độc giả tập 2, 3 của truyện dài kỳ thú này.