Giấc chiêm bao dịu dàng của Đỗ Thị Kết
Từ tập thơ thứ nhất “Trăng vẫn sáng” (NXB Hội nhà văn 2014) và đến hôm nay với tập thơ thứ hai “Phải đâu là giấc chiêm bao” (NXB Đà Nẵng 2022), hẳn bạn đọc nhận ra đời sống và thơ ca thấm trong những trang viết, bật lên hồn thơ dung dị của Đỗ Thị Kết.
Nhà thơ Đỗ Thị Kết đã đi quá nửa đời người gắn bó với thơ ca. Ở góc độ tâm hồn, “Trăng vẫn sáng” là sự trở về với an nhiên thể tánh. “Phải đâu là giấc chiêm bao” tiếp nối mạch thơ Đỗ Thị Kết trong sự chạm khắc những giá trị thi ca như là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim con người. Đó là những điều hiện tồn, là mạch nguồn, là cảm hứng mà chị muốn giãi bày trong chữ.
Đỗ Thị Kết sinh năm 1957, quê quán Đại Quang, Đại Lộc, hội viên Hội VHNT Quảng Nam. Sách đã in: “Trăng vẫn sáng” (NXB Hội nhà văn 2014), “Phải đâu là giấc chiêm bao” (NXB Đà Nẵng 2022) và nhiều tuyển thơ in chung.
Do điều riêng tư khác biệt trong cõi tinh thần của Đỗ Thị Kết nên bạn đọc sẽ không tìm ra những bài thơ/câu thơ tình theo nghĩa hẹp mà chúng ta vẫn hay hiểu.
Bạn sẽ nhận ra tình yêu trong thơ chị khởi nguồn và lan tỏa trong những câu chuyện, hoài niệm sâu lắng về quê hương, gia đình, bạn bè với nhiều cảm thức về cái đẹp dung dị, tình thân ái và nỗi niềm quê xứ: “Rồi mai em về nơi ấy/ xa rồi phố chật người đông/ giật mình bước đi chao đảo/ chạnh lòng nỗi nhớ mênh mông/ Rồi mai em về nơi ấy/ có còn ác mộng chơi vơi/ có còn những đêm không ngủ/ miên man dằng dặc nỗi đời” (Rồi mai em về nơi ấy).
Các vùng miền đi qua với phong cảnh thiên nhiên hữu tình cho chị nguồn thi hứng dạt dào. Những di tích, nhân vật lịch sử mà chị nói đến không chỉ là sự kiện mà thể hiện tình yêu quê hương, đất nước tha thiết (Giồng Bốm, Yên Tử non thiêng, Thăm đền Kiếp Bạc, Ơi Tây Nguyên…).
Những cuộc gặp với người thân và bạn bè không chỉ là cuộc vui mà cho chị giãi bày lòng tri ân và gắn kết (Em về rộn rã niềm vui, Chị tôi, Quê hương huyền thoại, Sông vẫn chảy…).
Những mảnh đời gặp gỡ và chia sẻ cho chị nói với bạn về cõi vô thường với giấc mơ không lành lặn (Vẫn là em, Nối lại vòng tay, Bâng khuâng…). Những ký ức ngày nắng mưa nơi nhà cũ, chốn quê cho chị khắc ghi ơn nghĩa sinh thành và vun bồi tình yêu diệu vợi với xứ sở (Mẹ ơi, Chị tôi, Quê hương huyền thoại…).
Đọc thơ chị, tôi nhận ra tiếng lòng của nhân vật trữ tình trong mỗi bài thơ với dòng cảm xúc về những sự việc có thật, nhân vật có thật gắn với những ước mơ, khát vọng. Thậm chí những điều tác giả trải qua có khi tưởng như không phải là sự thật nhưng nó rất thật trong cảm thức tình bạn, tình người khiến tác giả thốt lên: “Phải đâu là giấc chiêm bao”.
Từ trong dòng tự sự, bạn nhận ra hạnh phúc, điều tự vấn, cái đẹp, những mảng thô nhám đời sống và thể tánh của chị trong hành trình thơ: “Hoa vẫy gọi/ người lạc bước phương xa/ cuối đất, đầu trời vấn vương lưu luyến/ ta đã nghe lòng ngất ngây xao xuyến/ cảnh đẹp, con người, nỗi nhớ đã thành tên” (Hoa và nỗi nhớ).
Giọng thơ Đỗ Thị Kết chân chất, tự nhiên không cầu kỳ tung hứng chữ nghĩa, ít mật ngôn ẩn ngữ mà có sức lay động, ngời lên nội tâm nhân vật trữ tình trong từng con chữ và ẩn chứa nhân sinh quan tác giả.
Tất cả những gì được chị chuyển tải trong thơ đều trú ngụ lẫn nhau trong các trạng thái vừa là khởi nguyên vừa hiển lộ và đích đến. Nó là tiếng nói bên trong của chị, là chiều kích bản thể với những gì mà chị đã sống, đã trải và lưu dấu những khoảnh khắc ký ức trong tập thơ thứ hai này: “Ngày đã tới, ngày đang và mãi tới/ từng phút giây, từng hơi thở giữ gìn/ sông vẫn chảy, vẫn tiếp dòng sông chảy/ giữa oi nồng con nước vẫn trong xanh” (Ngày vẫn mới)...
Đọc “Phải đâu là giấc chiêm bao”, thấy lòng dịu lại giữa những hối hả cuối năm với cảm xúc thật nhẹ mà tác giả Đỗ Thị Kết mang lại.