Sứ giả của hòa bình
“Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” là cuốn sách thứ ba của Đoàn Tuấn viết về chiến trường K. nhưng vẫn tạo sức hút với bạn đọc qua bút pháp mới mẻ, đa dạng.
“Trở lại” chiến trường K
Tôi quen biết Đoàn Tuấn từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 qua những bài thơ của anh đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Lúc bấy giờ, anh là lính Sư đoàn 307 đứng chân ở Preah Vihear, còn tôi là lính Đoàn 5503 đứng chân ở Stung Treng.
Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó biên giới phía Bắc có Nguyễn Đình Chiến, biên giới Tây Nam và chiến trường K. có Đoàn Minh Tuấn (tức Đoàn Tuấn), Lê Minh Quốc, Phạm Sỹ Sáu… có những những bài thơ về người lính được đồng đội yêu thích chép vào sổ tay.
Gần bốn chục năm sau tôi mới có dịp gặp gỡ Đoàn Tuấn khi anh vào TP.Tam Kỳ tặng cho bạn bè lính cuốn tiểu thuyết “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022.
Trước đó, anh đã in hai cuốn sách viết về người lính ở chiến trường K. được bạn đọc, nhất là bạn đọc từng là lính làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, đánh giá cao: “Mùa chinh chiến ấy” và “Mùa linh cảm”.
Quan tâm mảng sách văn học viết về chiến trường K., vì thế, tôi đọc tiểu thuyết “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” một cách say mê. Những địa danh ở vùng đông bắc Campuchia như Mondulkiri, Rattanakiri, Stung Treng, Preah Vihear… khiến tôi nhớ lại những năm tháng tưởng chừng đã vùi chôn vào dĩ vãng.
Vẫn là đề tài chiến tranh cách mạng, người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở bên ngoài Tổ quốc, nhưng tiểu thuyết của Đoàn Tuấn có cách viết mới lạ, khác hẳn hai cuốn sách của chính anh đã viết trước đó.
Đọc chương cuối cùng “Trò chuyện với linh hồn Pol Pot”, tôi cảm giác ghê rợn về con người đứng đầu Kh’mer Đỏ. Nhà sư hỏi: “Hình như, khi ông chết, người dân không ai khóc?”. Linh hồn Pol Pot đáp: “Không ai khóc tôi và tôi cũng không khóc ai”. Câu trả lời ngắn gọn của linh hồn Pol Pot đã khái quát chính xác bản chất con - người - thú của ông ta...
Bằng thủ pháp đồng hành đồng hiện, nhân vật Ánh (nhà sư Phtiah Saniphap) và nhân vật tôi (tác giả Đoàn Tuấn) đã phản ánh về quá khứ buồn đau của dân tộc Kh’mer khi Pol Pot cầm quyền và sự hồi sinh của đất nước Campuchia khi thoát khỏi họa diệt chủng; về thân phận những người lính tình nguyện Việt Nam trong những năm tháng đánh nhau với “giặc áo đen” ở chiến trường K. cũng như trong cuộc sống đời thường hôm nay.
Tất cả đan xen với nhau tạo nên một thời đoạn lịch sử bi hùng khó có thể nguôi quên đối với nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Trong tiểu thuyết “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”, nhà sư Phtiah Saniphap cầu kinh gọi hồn và trò chuyện với những người đã khuất vừa mang yếu tố tâm linh vừa nhuốm màu hiện thực huyền ảo.
Triết lý Phật giáo và sự cứu rỗi
Nghiên cứu giáo lý Phật giáo, thấm nhuần tinh thần từ bi hỉ xả, xóa bỏ hận thù, Ánh âm thầm thực hiện điều anh hằng mong ước. Trước đây, Ánh vốn là lính Sư đoàn 307, sống và chiến đấu ở Preah Vihear. Ra quân, Ánh về quê rồi đi lao động xuất khẩu sang Đức. Khi Đông Âu sụp đổ, với vốn liếng dành dụm được, Ánh hồi hương thành lập công ty riêng, ăn nên làm ra.
Tiền không phải là tất cả, vì thế anh tìm hiểu về đạo Phật. Anh nhận ra trong cuộc chiến ở Campuchia, những người chết ở hai bên chiến tuyến đều đáng thương. Băn khoăn về những linh hồn của họ vẫn còn phiêu dạt đâu đó ở xứ sở Thần Bayon bốn mặt, anh quyết định sang Campuchia làm nhà sư lấy tên Phtiah Saniphap (có nghĩa là Ngôi Nhà Hòa Bình), đến các vùng chiến sự cầu siêu cho những linh hồn phiêu dạt (bao gồm bộ đội Việt Nam, lính Pol Pot và những lương dân Kh’mer vô tội).
Nhà sư Phtiah Saniphap đã đi khắp đất nước Campuchia, từ Rattanakiri đến Stung Treng, từ Preah Vihear đến Kratie, từ Siem Reap đến Battambang… để gặp gỡ, trò chuyện với những linh hồn phiêu dạt và cầu cho họ siêu thoát hoặc ít ra cũng có một nơi chốn an nghỉ, đó là những ngôi chùa ở các phum sóc. Lời nguyện cầu của nhà sư đã hiển linh qua những cánh bướm chập chờn bay, qua những cơn gió bất chợt nổi lên…
Không quên đồng đội từng có một thời sống và chiến đấu ở chiến trường K., nhân vật “tôi” đã lặn lội đi thăm bạn bè lính để xem họ sống thế nào trong thời bình. Những ân tình của lính không lúc nào vơi cạn, dẫu cuộc sống có bộn bề. Như Thanh gàn, dù chẳng khá giả gì, khi nghe tin đồng đội qua đời ở Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Định… anh thông báo cho bạn bè lính đi viếng hương.
Thanh gàn lý sự: “Nếu không có thằng X. ở Trinh sát Sư đoàn, thời gian đấy, chắc chắn tôi hoặc ông phải về đơn vị đó. Và có thể mình sẽ chết! Vì vậy, thằng X. nó ở đó, lấp chỗ trống thay mình. Giờ nó chết, mình đi viếng”...
Có thể nói, bằng thủ pháp đồng hiện đan xen nhau, nhân vật Ánh và nhân vật “tôi” đã dẫn dắt người đọc qua 31 câu chuyện trong tiểu thuyết để hiểu thêm về chiến tranh và hòa bình, quá khứ và hiện tại. Qua đó, nhận ra từ bi hỉ xả mới mang lại cuộc sống an vui.