"Gửi vô Nam"
“Buổi chiều nắng chang. Mẹ tôi gom rau gửi vào trong đó. Chị tôi gom dưa gửi vào xe đò. Miền Nam mến yêu” - những dòng nhạc như nói hộ bao trái tim của người miền Trung đang hướng về TP.Hồ Chí Minh...
Trên các dòng thời gian của mạng xã hội, từ nhiều tuần nay, hình ảnh đồng bào miền Trung gom góp vạt rau trong vườn, từng trái bí xanh bí đỏ theo những chuyến xe vào Nam, dễ khiến người ta chạnh lòng.
Một phần vì dịch giã khắc nghiệt, phần nhiều hơn, là nghĩa đồng bào với những yêu thương khó diễn đạt hết bằng lời. Hình ảnh nhà báo Hồ Tấn Vũ ôm guitar hát lên tiếng lòng của mình - cũng như bao người lúc này - qua tác phẩm “Gửi vô Nam” đã thật sự lan tỏa.
Anh nói: “Sài Gòn trở bệnh, thấy dì Hai, cô Ba, chú Năm trên quê người ôm măng, người hái bí, hái rau, dưa… gửi theo xe vào trong đó mà nghèn nghẹn. Mấy tháng trước, khi cơn bão đi qua, lũ tràn về cũng chừng ni người được phát phiếu nhận quà của người Sài Gòn cứu trợ.
Hôm nay họ gửi chút cây trái vườn nhà vào trong đó không có nghĩa là họ đã khá giả hơn, nhưng chắc cũng là cơ hội hiếm hoi để người quê như các cô chú của mình thể hiện chút lòng thành, chút thơm thảo với người dân trong đó. Người Trung là rứa, ít nói ra nhưng không ai quên chút gì”.
Và trong dòng cảm xúc của một người từng có nhiều ký ức với TP.Hồ Chí Minh, của một nhà báo lăn lộn với những đợt cứu trợ bà con miền Trung, anh đã viết “Gửi vô Nam”.
MV Gửi vô Nam - ca sĩ Ánh Tuyết trình bày
“Gửi vô Nam” là ca khúc đầu tay của Hồ Tấn Vũ. Nhưng bạn bè anh vốn quen với hình ảnh anh ôm đàn hát ca nhiều nơi. Nên “Gửi vô Nam”, anh chơi mộc với guitar và đăng tải đầu tiên trên trang cá nhân của mình, bạn bè không mấy ngạc nhiên. Nhưng lời lẽ ca từ và âm giai, thì lại khiến người nghe nghẹn lòng. Vì sự mộc mạc thuần khiết của cảm xúc, vì giai điệu quê hương xứ Quảng phảng phất.
Ca khúc này đã được hòa âm bởi nhạc sĩ khiếm thị Ngọc Minh Saxophone và đến với rộng rãi công chúng bởi nghệ sĩ chuyên nghiệp Ánh Tuyết. Chị trải bày, khi bất chợt nghe được ca khúc của Vũ, chị không kìm được và bật khóc.
Một video ca nhạc không đơn thuần chỉ là những đoạn diễn của người nghệ sĩ, mà thành một đoạn phim tài liệu ngắn ghi lại hình ảnh từ những ruộng đồng xứ Quảng, bà con áo tơi gom góp sản vật xứ đất mình có mà gửi người miền Nam. “Sâu xa trong từng cung nhạc vẫn là nỗi buồn của người đã sống tại TP.Hồ Chí Minh, sống với con người Sài Gòn” - Hồ Tấn Vũ nói.
Âm nhạc, hay nghệ thuật nói chung, không phải chỉ là những hô hào cổ động, thúc giục con người trong các cảnh huống này. Sau buổi biểu diễn tại không gian của một bệnh viện dã chiến ở TP.Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vẫn đầy những tin yêu về một ngày mai, rằng cuộc sống rồi sẽ trở bình thường thôi, để chúng ta lại hân hoan trong âm nhạc.
Người viết vẫn ám ảnh về một đoạn nhạc ngẫu hứng trong lúc chở vợ con về quê của một anh công nhân miền Trung, để thấy dẫu trong cuộc rượt đuổi của sinh tồn, họ vẫn giữ một đoạn xúc cảm đủ để ngân thành giai điệu. Tôi không nghe ra anh hát gì, nhưng tin, đó là giai điệu của trấn an, của sự bình an...