Rong chơi với “Sóng”
Sau tiểu thuyết “Biển” đoạt giải nhất cuộc thi văn học tuổi 20 và nhiều tác phẩm khác, nhà văn quê Quảng Nam - Trương Anh Quốc tiếp tục đưa độc giả lênh đênh qua hơn 220 trang sách cùng “Sóng” (tiểu thuyết du ký, Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2019, đoạt giải thưởng Hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh) .
Công việc của Trương Anh Quốc phần lớn gắn liền với biển, có chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Anh kể, trong đợt dịch Covid-19 năm nay, anh và thủy thủ đoàn lênh đênh trên biển đến 6 tháng, dù tàu cập cảng nhưng tất cả chỉ ở trên tàu, không được đặt chân trên đất liền. Tác phẩm của anh cũng vậy, cũng gắn liền với sóng nước, với biển khơi. Ví như tiểu thuyết “Sóng” ra đời từ cảm xúc trong hải trình đầu tiên của anh, cách đây hơn 15 năm, khi anh rong ruổi qua mấy chục bến cảng của hơn 30 quốc gia khắp các châu lục.
Rất thú vị khi được du lịch bằng đường biển qua cái nhìn tinh tế của Trương Anh Quốc. Từ những câu chuyện rất đời thường và giàu cảm xúc của tác giả, độc giả có thể cảm nhận được những nét văn hóa, tập tục ở các vùng miền. Có thể cảm nhận cách làm việc nghiêm túc, siêng năng, kỷ luật, trách nhiệm và đặc biệt của con người ở xứ sở Mặt trời mọc: “Ở Nhật, muốn giúp đỡ người khác cũng đâu có dễ” khi “nó” (nhân vật trong tiểu thuyết) muốn giúp 2 cụ ông khuân dọn gỗ xà, giàn giáo nhưng bị từ chối, bởi theo lời cụ “Đây là công việc của tôi. Tôi lãnh lương phải làm phần việc của mình” (Trên ụ dock). Gặp nhà hàng có tên “Đồng Khánh” ở đảo Tenerife (Tây Ban Nha) xa tít mù khơi, thủy thủ đoàn vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, chủ nhà hàng là người Việt cũng ngạc nhiên và vui mừng không kém. Chủ nhà dành cho những vị khách đồng hương tình cảm nồng thắm nhưng khi đối xử với những khách Tây ăn quỵt thì cũng rất bản lĩnh!
Hay khi đến Australia, “nó” giả vờ hỏi chuyện vu vơ khi gặp người bạn cùng đi đường để luyện ngoại ngữ. Khi “nó” nhận ra cách phát âm tiếng Anh ở Úc cũng khác, âm cuối kéo dài một cách hào phóng, người Australia vì đa số cũng hào phóng rộng rãi, thì bất ngờ, trước khi rẽ sang đường khác, người bạn cùng đường của nó đòi trả 10 đô la cho công nói chuyện với nó (!). Đôi khi tàu làm hàng khá gấp gáp, khoảng 6 tiếng đồng hồ bao gồm ăn uống tắm rửa đi bờ và nghỉ ngủ, phải hết mức tranh thủ, nhưng Trương Anh Quốc kịp ghi lại trong ký ức rồi chắt lọc những chi tiết đắt giá trong tiểu thuyết “Sóng” sau mỗi vùng đất, hòn đảo, cảng biển trên hành trình anh đã qua như: “Cảng Goa ngày hè cháy chỉ”, “Xứ hoa hậu Venezuela”, “Ai Cập huyền bí”, “Nước dòng sông thiêng Hooghly”, “Hoàng hôn Townsville”… Cứ thế, Trương Anh Quốc đưa độc giả qua biết bao vùng miền bằng “cảm xúc tưởng chừng ẩn sâu vô tăm tích của một người làm cái vốn lý tính, khô khan” (chữ của nhà văn Trần Nhã Thụy).