Trong “Ngăn kéo thời gian”
Ngăn kéo thời gian (NXB Hội Nhà văn, 5.2020) của Nguyễn Hoàng Thọ vừa ra mắt bạn đọc sau 6 năm xuất hiện muộn màng của tập thơ đầu (Phù sa rưng rưng - NXB Hội Nhà văn, 2014, Giải A năm 2015 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng).
Cuộc đời lẽ ra thuận buồm nhưng Nguyễn Hoàng Thọ có lúc lại đi ngược gió, bởi thời trai trẻ ông “lao” vào hai thứ nguy hiểm chết người của thanh niên thuở ấy - tranh đấu và làm thơ: “Chưa ai bắt đầu được điều gì cho mỗi mảnh đời ngược gió/ dường như mọi chuyện đã tới hồi kết/ những khát vọng mong manh như chiếc lá cuối mùa/ như cánh chim cuối trời/ trong tầm ngắm của gã thợ săn huyền thoại” (Giữa những giới hạn). Thơ bắt đầu từ thuở hoa niên mộng ước nay có dịp trở về, len lỏi vào đúng tâm trạng, vào đúng lúc “Rừng duyên/ thôi đã bạc màu” (Chiều rơi), vào đúng chỗ “Vết nứt thời gian” (Vết xước). Thơ ngày thanh niên như tiếng súng, thơ hôm nay nhẹ tựa chung thanh hư thoảng: “có tiếng chuông giấu mình giữa hương sen hàng nghìn năm trước/ rẽ bóng thời gian lau gội những bùa mê” (Tháng Giêng)…
Trong tập thơ này, dấu vết thời gian đầy trong những ngăn kéo ký ức: “Chạnh lòng/ nghe vọoc kêu đêm/ rừng trơ dốc nắng/ luộc mềm cành khuya” (Chiều rơi); “Ngẩn ngơ/ con mắt vô hồn/ thu phong trẩy lá/ hoàng hôn tỉa cành” (Nợ); “Lặng chiều/ rớt vạt chiều ơi/ mênh mông sáu cõi/ đêm rơi xuống ngày” (Chạm)... Thời gian kết tụ trong không gian ngưng đọng, u hoài với nhiều ẩn ý: “Cổng trời/ chót vót/ sâu/ cao/ chớp/ rung/ vỡ vụn lời chào thinh không” (Nợ). Thời gian đã tàn phá ảo ảnh và sinh nở đơn côi: “Cây cầu đưa tuổi thơ tôi qua sông/ gió trời hung hăng bẻ nhịp/ tôi lớn lên giữa cánh đồng mây chiều rách tươm bạc phếch/ nghe cây lúa trở mình/ trổ trắng hạt mồ côi” (Mồ côi). Đặc biệt là đêm với không - thời - gian có hình khối và sánh đặc: “Đêm vỡ ra từng mảng/ lăn hổn hển/ trên những bậc cấp đầy sỏi chết” (Giọt đời).
Trong “ngăn kéo” này, “Buổi chiều và những người bạn” như một lớp kịch ngắn với mâu thuẫn, cao trào và kết thúc để lại ấn tượng khó phai. Bài thơ mở đầu bằng hồi tưởng về một buổi chiều hơn nửa thế kỷ trước của tác giả và những người bạn trong một không gian chết chóc: “Thần mặt trời gom những vệt nắng cuối ngày/ vào chiếc rương hoàng hôn không đáy/ cuộc đụng độ giữa chim non và mãnh thú/ diễn ra ác liệt bên ngôi trường cổ”… Rồi năm tháng đổi thay, “Mưa đêm và bão tố/ sương sớm và trăng non/ mất và còn”, “bầy chim non” cuối cùng lại trở về trong một bi kịch khác - bi kịch của áo cơm, của lẽ sống và nghiệt thay, bi kịch của người cầm bút: “Người họa sĩ trở về mang theo chiếc lông vũ/ vẽ trong bóng đêm xa lắc mặt trời/ vẽ ánh trăng khuya nguyên thủy phận người/ những bức tranh không màu/ trong veo/ mộng mị/ Những người đi về sau vật vã áo cơm/ mỏi mòn triết lý/ ghi những trang văn tím rịm mắt môi mình”…
Trong “ngăn kéo” này, thời gian đã làm đổi màu trang thơ mà đôi khi cả người viết lẫn người đọc không để ý. Đó là, trắng (Mười năm gửi nhớ, Nơi em đến, Chớm đông, Không đề, Mồ côi); bạc (Chiều rơi, Cổ thi, Người học trò và bông hồng vàng); bạc phếch (Mồ côi); màu hư không (Chạm); tím (Tìm); tím ngắt (Thức giấc một nửa); bạch, tím sẫm (Người học trò và bông hồng vàng); không màu, tím rịm (Buổi chiều và những người bạn); tím than (Mùa về, chiếc bóng); vàng vọt (Liêu xiêu một nửa); xám (Cuối năm); thẫm đen (Chuyển mùa)… Ngần ấy màu sắc cũng có thể vẽ chân dung thơ và đời Nguyễn Hoàng Thọ của ngày ấy và bây giờ.