Mùa xuân đọc vè xứ Quảng

HƯƠNG THU 10/03/2018 08:59

Trước đây, vào dịp đầu xuân, khắp xóm làng xứ Quảng thường nghe các bài vè địa phương hoặc các loại diễn xướng dân gian. Nhưng hiện nay, những thanh âm dân dã ấy dường như lặng chìm trong cái không khí xuân tiết của đô thị, công nghiệp. Mặc dù mấy năm trở lại đây, các cấp chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có phối hợp tổ chức ngày hội dân gian, hội chợ xuân, nhưng tôi vẫn không sao tìm lại được hồn cốt của sinh hoạt văn nghệ dân gian thuở nào. Tôi quay về gặm nhấm câu vè quê hương trong… sách vở. Đó là “Vè xứ Quảng và chú giải” của tác giả Võ Văn Hòe.

Tập sách “Vè xứ Quảng và chú giải”.
Tập sách “Vè xứ Quảng và chú giải”.

Vè xứ Quảng và chú giải (Nxb Đà Nẵng, 2017) với hơn 900 trang, có thể nói là “tập đại thành” những bài vè được sản sinh, diễn xướng và lưu tồn trong dân gian xứ Quảng. Tác giả dành gần 40 trang để “tổng luận” về vè trong đời sống người dân xứ Quảng từ khái niệm, cơ chế diễn xướng cho đến giá trị của vè. Khoảng 900 trang còn lại là ghi chép toàn bộ các văn bản vè của đất Quảng. Đây là giá trị lớn nhất của cuốn sách, bởi để sưu tầm được nhiều nhất có thể đối với văn bản vè đất Quảng như vậy là việc không phải dễ dàng. Tác giả phân vè đất Quảng thành 3 nhóm: vè sự vật, vè thế sự, vè lịch sử. Vè sự vật gồm: vè nói ngược, vè các loài cây/hoa, vè các loài con. Vè thế sự chia thành: (1) vè phản ánh đời sống người dân (vè ca ngợi quê hương, đất nước; vè đạo đức, nhân nghĩa, thủy chung, xa cách; thơ rơi; vè thời tiết; vè sinh hoạt; vè lao động; vè các lái); (2) vè thói hư, tật xấu - trào phúng; (3) vè chống phong kiến, cường hào tại địa phương. Vè lịch sử gồm: (1) vè chống thực dân, đế quốc (vè lần đầu đánh Pháp 1858 - 1860; vè kháng chiến lần thứ nhất 1930 - 1945; vè kháng chiến lần thứ hai 1945 - 1954; vè chống đế quốc 1955 - 1975); (2) vè binh vận, dân vận; (3) vè xin xâu, chống thuế. Tất nhiên, sự phân loại, sắp xếp như vậy chỉ mang tính chất tương đối. Đó chính là những chủ đề, nội dung của vè đất Quảng. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung 2 bài vè được ghi âm - “phổ nhạc” là Vè Quảng và Điệu lô tô vào phần Phụ lục.

Võ Văn Hòe là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, tác giả của nhiều công trình về đất Quảng, trong đó có những cuốn sách viết riêng như: Tết xứ Quảng (2005, tái bản 2011), Tập tục theo một vòng đời (2006), Nét đặc sắc trong đời sống văn hóa làng Phước Thuận (2010), Địa chí văn hóa dân gian làng Phong Lệ (2010, tái bản 2011), Văn hóa dân gian Hòa Vang (2008, tái bản 2012), Địa danh thành phố Đà Nẵng - tập 1 (2011, tái bản 2013), Địa danh thành phố Đà Nẵng - tập 2 (2015), Văn hóa dân gian Việt - Chăm, nhìn trong mối quan hệ (qua cứ liệu văn hóa dân gian miền Trung) (2015), Địa danh Quảng Nam (hơn 3.000 trang, sắp xuất bản)…

Nếu đơn thuần chỉ là văn bản vè đất Quảng thì chưa hẳn nhiều độc giả hiểu được hết những văn bản vè đó. Do vậy tác giả đã thực hiện việc chú giải trong từng văn bản vè như tiêu đề sách đã ghi Vè xứ Quảng và chú giải. Trường hợp thứ nhất, tác giả chú giải về bối cảnh, xuất xứ của văn bản vè, như bài Vè mũ nón có lồng ghép cả nội dung chữ Quốc ngữ, tác giả đã chú giải: “bài vè được cho do ông Nguyễn Đình sáng tác. Nguyễn Đình sinh năm 1916 tại làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Ông là một nhà giáo. Sau Cách mạng Tháng Tám ông có đóng góp trong phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông được giữ chức Trưởng ty Bình dân học vụ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông tham gia biên soạn sách học vần cho người lớn dưới dạng vè” (tr.65). Bài Vè cào hến được chú: “bài vè ra đời tại làng Đông Bàu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Tại đây có nghề cào hến. Dân gian Phong Lệ (làng cũ) có câu: Ai về Phong Lệ thì về/ Phong Lệ có nghề cào hến nuôi trâu (…)” (tr.107)... Trường hợp thứ hai, tác giả chú giải từ ngữ, điển cố, nhất là lớp từ địa phương, ví dụ từ “đừ” trong “Trông thấy cười đừ” chú là “như mệt, cười mệt” (tr.93); “xả lang” trong câu vè “Cuốc với cày dọn dẹp chớ đừng xả lang” được chú giải “hiểu là không dọn dẹp thứ tự, bỏ rải rác mỗi nơi mỗi cái” (tr.360); từ “Bà Phi” trong bài Vè lo việc tằm tang dài đến 2 trang sách. Chú giải từ ngữ chính là chú giải một phần nội dung của văn bản vè, giúp người đọc hiểu sâu kỹ ý nghĩa của bài vè.

Trò chơi dân gian xứ Quảng. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Trò chơi dân gian xứ Quảng. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Nội dung trong Vè xứ Quảng và chú giải rất phong phú và đa dạng, là tư liệu để đoái nhìn về một chặng đường lịch sử đã qua. Từ những hình ảnh thiên nhiên (Vè Xứ Quảng quê mình; Vè các loài cây; Vè các loài cá), thời tiết (Vè bão Giáp Tý; Vè bão Chanchu), cho đến hình ảnh lao động sinh hoạt (Vè khuyến nông; Vè cào hến; Vè lo việc tằm tang; Vè các lái - đi biển; Vè cúp tóc), học tập (Vè bình dân học vụ), răn dạy (Công dung ngôn hạnh; Mẹ hiền dạy con; Vè theo trai; Vè chửa hoang; Vè chữ khẩu), vui chơi giải trí (Vè bài chòi; Vè túc cầu), đấu tranh (Vè xin xâu; Vè chống thuế; Vè đánh Tây; Vè quyết lòng đánh Mỹ)… Đặc biệt, từ nội dung của vè đất Quảng, chúng ta có thể nhận ra nhiều ngành nghề lao động thủ công truyền thống đã dần mất đi như “đi bổi” (đi chặt, đốn cành tre, các loại cành nhánh, bụi lùm… phơi khô để đun lửa), “bện” (nghề đan mây tre) (tr.107) hoặc những trò sinh hoạt vui chơi giải trí như chơi cờ tam cúc (“Ham chi me lú, túc tam” - Vè mụ có đi chơi?), xem hát bội (“Nghe gióng trống kỳ/ Rủ nhau ta đi/ (…) Ai về thì về/ Tôi coi tới sáng” - Vè mê hát bội) dần dần phai nhạt trong đời sống thường nhật, kể cả những ngày xuân.

Du xuân trong vườn hoa ngôn ngữ của diễn xướng Vè xứ Quảng cũng phần nào giúp hồi tưởng tết xưa hoặc tìm thấy mình trong những kỷ niệm.

HƯƠNG THU

HƯƠNG THU