Trót yêu hồn phố nên đời đắm say
Lần lữa mãi sau mấy dự án nghệ thuật hội họa mà anh và những người bạn dành cho Hội An, tôi mới gặp được anh, chỉ để được lắng nghe những câu chuyện của người họa sĩ thầm lặng này. Anh là họa sĩ Nguyễn Như Đức.
Họa sĩNguyễn Như Đức. |
1. Nhớ mấy bận ngang qua con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, nhìn vào thấy vài họa sĩ say sưa vẽ. Rồi sau này quen biết nhau, thoáng thấy mái tóc cột phía sau, là nhận ra ngay Đức Bet - nghệ danh mà anh em tặng cho chàng họa sĩ 37 tuổi này.
Hôm bữa gặp, thấy anh chăm chú vào vẽ đến độ quên mời khách ly nước! Biết ý, nên đợi đến lúc anh hoàn thành tác phẩm của mình, tôi mới bắt đầu câu chuyện. Đức vốn quê Hà Nội, mê hội họa từ lúc bé xíu, và trong gia đình, anh là người duy nhất có “máu” với nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là hội họa. Thuở ấy, mỗi khi vào hè, là anh tất tả đến Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô để học vẽ. Tất nhiên, ở đó còn có nhiều bộ môn nghệ thuật khác được dạy nữa, nhưng với anh, hội họa là thứ tồn tại duy nhất trong suy nghĩ khi đến đấy. Có điều, anh chỉ được học vào những mùa hè, thông qua các lớp năng khiếu trong hè, chứ không phải học liên tục. Ngược lại, ở đó, anh được vẽ những thứ mình thích, bao gồm cả chủ đề lẫn phong cách, trường phái. Có lẽ vì được dạy theo phương pháp kích thích sự sáng tạo ấy, đã giúp anh “mềm mại” rất nhiều trong những tư duy đường nét của mình.
Vậy mà tôi vẫn cố hỏi cho được điều máy móc: “Học được bao nhiêu lâu thì anh có thể vẽ được tác phẩm hoàn chỉnh?”. Anh cười: “Hội họa khác với những môn nghệ thuật khác, như nhiếp ảnh hay âm nhạc chẳng hạn. Anh chụp tấm ảnh làm hậu kỳ, là xong; viết một bài nhạc bao gồm cả phần lời và nốt nhạc, rồi hòa âm, phối khí, thu âm là xong. Còn hội họa, không thể nói đến khái niệm hoàn chỉnh được. Vì lúc mình vẽ, là mình đi theo cảm xúc, khoảnh khắc lúc ấy. Mà khi nhìn lại, chắc chắn mình sẽ thấy nó sẽ thiếu khá nhiều điều”. Suy cho cùng, về mặt lý thuyết, với những tiêu chí nhất định về phong cách và chất liệu, ta có thể gọi tên những trường phái hội họa khác nhau như trừu tượng, hiện thực, ấn tượng, hậu ấn tượng… Nhưng với Đức, anh quan niệm rằng, đường nét chính là ngôn ngữ hội họa của anh.
2.Con đường của một họa sĩ từ lúc chập chững cầm cọ, là ít nhất phải vẽ cho giống mẫu mà giáo viên đưa ra, sau đó mới vẽ cho đẹp, rồi vẽ cho hay và sau cùng, là vẽ theo cá tính của mình. Vẽ cho hay, theo Đức, là bức tranh không chỉ thỏa mãn về mặt thẩm mỹ, mà còn phải chứa đựng được nhiều ý nghĩa hay ít nhất là những nội dung muốn truyền tải trong đấy. Và chính điều này, sẽ tạo nên tên tuổi của người họa sĩ. “Còn vẽ theo tính cách của người nghệ sĩ, nghĩa là những người ôn hòa, nhẹ nhàng thì đường nét, màu sắc của họ cũng sẽ nhẹ nhàng, ôn hòa hơn” - anh giải thích. “Vậy thì, anh là như thế nào?” - tôi hỏi. Anh cười: “Mình thì nhẹ nhàng và trữ tình hơn”. Anh lưu ý với tôi một điều, rằng có những người nhìn vẻ bên ngoài rất nhẹ nhàng, hiền hậu; nhưng khi vẽ, đường nét, màu sắc của họ khá dữ dội, mãnh liệt. Đó, thường là những người có nội tâm khá mạnh.
Nói dài dòng thế, để biết rằng tính cách chi phối khá nhiều đến việc lựa chọn trường phái, chủ đề, cách thể hiện…, của mỗi người họa sĩ. Nhưng nó cũng chỉ là… lý thuyết tương đối mà thôi. Nhất là ở chủ đề và phong cách thể hiện, nó tùy thuộc khá nhiều vào từng giai đoạn cảm xúc, rộng hơn một chút là hoàn cảnh sống và sáng tác lúc ấy chi phối. “Như mình chẳng hạn, tầm chục năm trở về trước, mình thích vẽ phong cảnh ở vùng núi phía Bắc. Còn bây giờ, chỉ thích vẽ về Hội An, chân dung và những con vật nuôi gần gũi với mình” - anh Đức tâm sự.
Họa sĩ Nguyễn Như Đức đang sáng tác. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Anh có nhớ lần đầu mình đến Hội An là khi nào không?” - tôi hỏi. “Đâu tầm 7 hay 8 năm trước. Khi ấy, mình đi thực tế sáng tác cùng với một số anh em. Sau đó, thêm một vài bận vào ra với Hội An nữa, mình quyết định dọn về đây sinh sống và sáng tác” - anh Đức cho hay. “Vậy thì, điều gì đã khiến anh đi đến quyết định này?”. “Vì mình cảm nhận được rằng, nơi này dung chứa được những nhịp sống rất ôn hòa, rất hợp với tính cách của mình, và có lẽ là còn khá nhiều người khác nữa. Lúc đầu, tôi vẫn còn thắc mắc, là khi xưa, người Hoa và người Nhật vốn không ưa gì nhau, nhưng sao vẫn sống cùng với nhau ở đất Hội An này. Sau, ở Hội An đủ lâu, tôi dần vỡ vạc ra rằng, chữ “Hội” ở đây hẳn là có nội hàm rộng, hội nhân hội thủy, tất nhiên bao gồm văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật… và chính điều đó đã tạo nên một Hội An dễ dàng hòa nhập”.
3. Đến bây giờ, Đức đã sống ở Hội An khoảng 4 năm. Ngần ấy thời gian, đã khiến anh càng thêm yêu những mái ngói nâu, những con ngõ đầy rong rêu, hay bất chợt một hôm nhìn qua khung cửa sổ, thấy từng vạt nắng bay bay…. mà cảm ơn đời đã cho mình sống trong không gian lý tưởng như thế này. Đức bảo rằng Hội An nhìn từ góc nào cũng đẹp. Vậy mà khi tôi hỏi anh đã ít nhiều hiểu gì về Hội An chưa. Anh lắc đầu ngay tức khắc: “Chưa”. Trong thời gian 4 năm qua, chỉ là anh cố nắm bắt từng cảm xúc, khoảnh khắc rồi thể hiện nó qua những nét vẽ của mình. Tôi thì nghĩ thêm rằng, có lẽ hồn cốt Hội An đã thấm vào người anh, nên anh đã vứt bỏ mọi thứ chỉ để được an lành mỗi ngày với nét vẽ của mình. Anh bỏ bên lề những cuộc thi thố, tranh đua giải kia giải nọ. Anh chỉ có một suy nghĩ, là làm mọi cách, bằng hội họa, cho nhiều người thấy được những nét đẹp khác biệt của Hội An.
Nên cuối năm ngoái, anh cùng với 5 người bạn, gồm 2 họa sĩ và 3 nhiếp ảnh, làm triển lãm tranh ảnh Góc nhỏ Hội An. Vừa rồi, cùng với những họa sĩ thân hữu, anh làm triển lãm tranh Góc nhỏ Hội An lần 2 với chủ đề Góc phố họa sĩ. Với lần triển lãm vừa rồi, anh quyết định tháo dỡ mọi khuôn mẫu truyền thống của triển lãm. Là đem triển lãm ra ngoài đường phố, cùng với một loạt hoạt động tương tác với du khách, để cho họ thấy được quá trình sáng tác của một người họa sĩ là như thế nào, và quan trọng hơn, là thấy vẻ đẹp Hội An dưới “con mắt” của nghệ thuật hội họa. Thêm nữa, nếu muốn, du khách sẽ được hướng dẫn cách vẽ, hay được ký họa miễn phí... “Nguyên cả tháng 9 vừa rồi rất mệt bởi triển lãm. Nhưng đó là những chuỗi ngày vui và đầy hứng khởi. Vui vì thỏa được điều làm cho bức tranh du lịch Hội An thêm gam màu hấp dẫn, vui vì được sự phản hồi tích cực của du khách” - anh Đức tâm sự.
Nhớ hôm khai trương triển lãm tranh Góc nhỏ Hội An lần 2, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao TP.Hội An chia sẻ rằng, chính những hoạt động như của nhóm anh Đức, sẽ tạo nên bức tranh sinh động cho du lịch Hội An. Và ông cũng hy vọng rằng, thông qua loại hình nghệ thuật này, du khách có thêm cái nhìn về vẻ đẹp của đất và người Hội An. Trong khi đó, với Đức, anh cảm thấy rằng mình đang hạnh phúc khi được sống và làm được việc mình yêu thích ở nơi đang dung dưỡng mình. Nên khái niệm về quê hương, đối với anh, đó là nơi không chỉ nuôi sống, mà còn phải là nơi dung dưỡng tâm hồn của mình. Với Hội An, anh đã trót yêu hồn phố, nên đắm say mãi với những nét vẽ và dự án hội họa cho nơi này.
XUÂN THỌ