Người "sang ngang" nhưng không "lỡ bước"
Con người luôn nhào nặn sự vật theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Dương Phú Tâm không biết câu nói kinh điển ấy nhưng cái chất nghệ sĩ bẩm sinh thì đã xúi bẩy anh đi vào con đường “nhào nặn sự vật” ấy, thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh.
Một cuộc sang ngang
A.FIAP Dương Phú Tâm. |
Ở Bảo Lộc, Lâm Đồng về sau khi tham gia cuộc triển lãm ảnh “Gặp gỡ tháng Ba” với các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh tên tuổi ở phía Nam nhưng anh vẫn vui vẻ nhận cuộc hẹn với tôi. Năm nay tròn 60 tuổi nhưng Dương Phú Tâm trông vẫn trẻ hơn so với cái khối thời gian đã chồng lên vai anh. Lâu nay cứ nghĩ anh là người Hội An, hóa ra bản quán anh lại ở Điện Phương. Anh kể: “Mình tham gia kháng chiến từ năm 1974, làm giao liên cho các chú lãnh đạo ở xã Điện Thành - tức xã Điện Phương ngày nay. Sau ngày hòa bình, mình chuyển sang ngành bưu điện, đến năm 1977 thì được điều đi công an, học trung cấp tại Sơn Trà, ra trường được phân công về Hội An, thế là thành người phố cổ đến giờ”. Thế nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật thì “dây mơ rễ má” gì với cái nghề công an mà anh đã từng được chọn? Ấy vậy mà có đấy. Số là trong nghiệp vụ, người ta cũng dạy chụp ảnh. Tức để chụp ảnh trinh sát, nghiệp vụ, lấy hiện trường, chứng cứ... Cứ chụp sáng rõ, đầy đủ là được. Nhưng anh chiến sĩ công an Dương Phú Tâm không thấy vậy là đủ. Anh muốn ảnh nghiệp vụ cũng phải... đẹp.
Công tác trong ngành công an mấy năm, năm 1983 anh chuyển qua dân sự rồi xin nghỉ mất sức vào năm 1987. Cuộc rẽ bước sang ngang bắt đầu. Sẵn có tay nghề chụp ảnh, Dương Phú Tâm mở hiệu ảnh dịch vụ ở phố cổ làm cái “cần câu cơm”. “Cả thị xã hồi đó chỉ có mấy hiệu ảnh nên nghề chụp ảnh dịch vụ cũng sống tốt. Cao điểm mùa cưới có ngày mình nhận đến 15 đám cưới. Phải kêu “đệ tử” đi làm hoặc sang bớt cho đồng nghiệp. Không hiếm khi “đệ tử” tay nghề còn non làm “bể dĩa” cô dâu chú rể nên mình phải gồng người ra chịu trận” - anh cười. Cặm cụi làm nuôi con. Nhưng chẳng lẽ cả đời lầm lụi với cơm áo? Thế là, năm 1997, mấy tay máy gồm Dương Phú Tâm, Đặng Kế Đông, Trương Văn Thế, Thái Tuấn Kiệt rủ nhau thành lập CLB nhiếp ảnh Hội An. Thì cũng tập tò vậy, cho đến một ngày những tay máy của CLB nhiếp ảnh Gia Định ra Hội An chụp phố cổ. Thì cũng cảnh quê mình, người quê mình, nhìn miết đơ con mắt sao họ chụp đẹp thế. Chuyện trò làm quen rồi họ mời gửi ảnh và vào giao lưu. Dương Phú Tâm và Đặng Kế Đông quyết làm một chuyến hành phương Nam để “tầm sư học đạo”. Mang theo 15 tấm ảnh, hai người hai chiếc xe máy chạy 4 ngày thì tới Sài Gòn. Lòng đam mê và tinh thần cầu thị của hai gã đàn ông xứ Quảng đã chinh phục được cảm tình của những nghệ sĩ trong CLB Gia Định danh giá và họ đã tận tình chỉ bảo.
Đến tháng 3.2001, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mở trại sáng tác tại Vũng Tàu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cử 5 người dự, Dương Phú Tâm cũng được đi. Mười lăm ngày dự trại đã đem lại cho anh thêm những kiến thức nền tảng về sắc độ, đường nét, hình khối, cấu tứ... của một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Và Dương Phú Tâm lao vào một cuộc chơi nghệ thuật mà phần thưởng rất có thể chỉ là sự... phá sản. “Tiền chụp ảnh dịch vụ mình đổ hết vào máy móc, phim ảnh, vào các cuộc đi sáng tác trong nam, ngoài bắc ông ạ” - Dương Phú Tâm bộc bạch - “Hễ có loại máy hiện đại gì ra đời là mình mua cho bằng được. Toàn bộ đồ nghề hiện nay của mình trị giá hơn 200 triệu đồng. Tiền mình đốt vào cuộc chơi này nhiều đến nỗi vợ mình chừ còn chậc lưỡi: Nếu anh đừng có đam mê ảnh nghệ thuật thì tệ lắm nhà mình cũng có được năm, ba lô đất”. Nghe Dương Phú Tâm trải lòng, tôi bỗng nhớ lại câu nói bông phèng nhưng rất thật của Đặng Kế Cường, cũng là một tay máy ở phố Hội: “Nếu bạn muốn ai đó phá sản về kinh tế thì hãy tặng họ một cái máy ảnh và xúi chơi ảnh nghệ thuật!?”.
Gặt hái thành công
Cần mẫn cày cấy trên cánh đồng nghệ thuật rồi Dương Phú Tâm cũng gặt hái được quả ngọt đầu mùa. Đó là tấm Huy chương đồng FIAP dành cho tác phẩm “Hội An trong ký ức”, giải tổ chức tại Bồ Đào Nha năm 2001. “Mình dốt ngoại ngữ, ra bưu điện nhận cái cúp chả hiểu là gì, đi hỏi mới hay là cái Huy chương đồng FIAP. Vui quá, cả ngày như đi trên mây” - anh nhớ lại. Chuyện chụp được tấm ảnh đó cũng tình cờ. Mà không hẳn là tình cờ. Trong khoa học hay nghệ thuật, thành công thường vẫn vậy, nếu không có một hành trình theo đuổi dài dặc thì không có phút lóe sáng kỳ diệu. Bữa đó hai vợ chồng đang ở hiệu ảnh thì chị chợt ồ lên, anh nhìn ra đường thấy một người đang gánh cặp lồng đèn to bự đi qua. Hỏi ra mới biết chùa Quảng Triệu đặt làm cặp lồng đèn ấy, Dương Phú Tâm liền vác máy lao xuống phố cổ, lên chế độ chụp nhanh phục sẵn ở góc phố. Người gánh đôi lồng đèn vừa xuất hiện anh liền bấm rẹt hết cuộn phim 36 kiểu. Tráng phim, chọn được một tấm ưng ý nhất gửi đi thi. Hồi ấy, ở tỉnh lẻ như xứ Quảng, gửi ảnh đi thi quốc tế còn khó và phi phỏng hơn cả... phóng tàu thăm dò sự sống ngoài trái đất. Phải đem ảnh vào Sở Văn hóa - thông tin (cũ) xin giấy phép. Rồi theo thể lệ các cuộc thi quốc tế, ảnh phải gửi kèm theo từ 30 đến 100 euro, nhưng chuyện kèm tiền trong bưu phẩm thì bưu điện cấm ngặt, phải bọc trong mấy lớp giấy than, giấu giếm cô nhân viên cho trót lọt. Cứ thế, gửi, hy vọng rồi... thất vọng. Rồi lại gửi... Bởi vậy, đối với anh, cái Huy chương đồng FIAP nó lên dây cót tinh thần ghê lắm.
Bức ảnh “Hội An trong ký ức” của Dương Phú Tâm. |
Sau đó, Dương Phú Tâm liên tiếp gặt hái thành công trong các cuộc thi tổ chức nội tỉnh, khu vực và thi quốc gia. Đến nay anh đã có 7 huy chương cuộc thi cấp tỉnh, một giải khuyến khích cấp khu vực và 1 Huy chương bạc trong cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2003 do Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Và rồi một lần nữa anh lại đăng quang trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức vào tháng 7.2014 tại Macedonia. Đây là cuộc thi do tổ chức “Nhiếp ảnh không biên giới” của Pháp tổ chức dưới sự bảo trợ của FIAP. Tác phẩm “Tuổi thơ ngày hè” của Dương Phú Tâm đã xuất sắc giành được Huy chương vàng trong tổng số 8.276 tác phẩm của 594 tác giả của 66 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi tham dự. Anh kể: “Bức ảnh ấy mình chụp tại một bến thuyền độc mộc bên bờ sông Đakbla, TP.Kon Tum. Hôm ấy mình đi với Lê Vấn. Bến sông này thực ra rất quen thuộc với giới nhiếp ảnh nghệ thuật. Thế nhưng khi nhóm bé trai đứng trên 4 chiếc thuyền độc mộc tung mình xuống mặt nước thì không ngờ mình ghi lại được màn nhào lộn đẹp đến vậy”.
Nghề chơi cũng lắm công phu...
Dương Phú Tâm là người đầu tiên ở Quảng Nam được phong tước hiệu A.FIAP, tức được phong nghệ sĩ của Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới, vào tháng 6.2009. Và cho đến nay anh đã có 30 tấm ảnh được treo tại 12 quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển hàng đầu thế giới. Đối với anh, tước vị cũng là niềm tự hào, nhưng hạnh phúc nhất là được giới thiệu vẻ đẹp của xứ Quảng, của đất Việt ra với bạn bè quốc tế. Chế Lan Viên từng ví trang giấy là “pháp trường trắng”, ý ông muốn nói dấn thân vào con đường sáng tạo nghệ thuật là cuộc chơi sinh tử, là đặt cược cả cuộc đời mình, là sự thử thách khắc nghiệt bản lĩnh mỗi nghệ sĩ. Riết róng vậy, nhưng nghệ thuật có bao giờ hứa hẹn với ai sự thành công ở cuối con đường đâu. Thế nên thật hạnh phúc cho Dương Phú Tâm khi với cú đặt cược cuộc đời quyết liệt, anh là người “sang ngang” mà không “lỡ bước”.
Ngoài hoạt động sáng tác của cá nhân, từ năm 2015, Dương Phú Tâm còn đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Quảng Nam trực thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Nếu kể từ khi tham gia CLB nhiếp ảnh nghệ thuật Hội An năm 1997 đến nay, Dương Phú Tâm đã tròn 20 năm can dự cuộc chơi “hình và sắc”. Bước chân anh đã rong ruổi khắp nơi, từ Tây Nguyên ra tận vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc. “Từ khi chơi ảnh nghệ thuật mình được hiểu biết thêm về cảnh quan, nét văn hóa đặc sắc của nhiều miền đất nước. Và có thêm bạn bè khắp nơi. Lần đầu gặp gỡ không rõ mô tê nhưng chỉ cần nói về vài tấm ảnh của nhau đã thấy như thân thiết từ lâu. Nếu không có niềm vui ấy thì không đủ sức cưỡi xe máy phơi mặt cho gió bụi từ ngày này qua ngày nọ được” - anh nói. Tuy nhiên, Dương Phú Tâm bảo không cứ đi là đảm bảo có ảnh đẹp, mỗi vùng đất thường các anh phải quay lại nhiều lần bởi chỉ khi thật hiểu nó thì mới biết cần đặt máy ở đâu, vào thời khắc nào là tốt nhất. Tất nhiên cũng có sự may mắn, vì trong nhiếp ảnh không thiếu những khoảnh khắc tình cờ đã làm nên nhiều bức ảnh nổi tiếng thế giới. Tuy mỗi năm vài bận “vác ba lô lên và đi” vào nam ra bắc nhưng Dương Phú Tâm bảo, Quảng Nam vẫn là “vỉa quặng” giàu có cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Và anh vẫn cần mẫn “cày cuốc” trên cánh đồng ấy.
DUY HIỂN