Dòng suối chảy từ ký ức
Người Quảng đi qua ba cuộc chiến tranh gần hết thế kỷ 20, không thể một sớm một chiều vùi chôn ký ức dưới tro than. Chiến tranh để lại những di chứng, còn kéo dài trên phận người, trong lòng người. Sinh ra trước ngày thống nhất đất nước chỉ một năm (1974), và lớn lên, trưởng thành sau thời chiến, nhưng Võ Văn Trường lại đi tìm những mảnh ký ức chiến tranh...
Bìa sách “Kỷ vật của cha”, NXB Văn Học, tháng 1.2017. |
Rất ngược đời, cả nhu cầu đời thường lẫn nghề viết báo - vốn chăm chăm chuyện thời sự đương đại, nhưng Võ Văn Trường lại khơi nguồn dòng suối chảy từ ký ức. Dòng suối ấy có thể bắt đầu từ người cha thân yêu, trong năm tháng cuối đời đã “mất ăn mất ngủ bên đống than tro, thẫn thờ như người mất hồn rồi ốm nặng. Nằm trên gường bệnh ông mới cho hay, đống than tro kia là những cuốn vở văn hóa ông học bổ túc thời còn ở miền Bắc” (Kỷ vật của cha). Ẩn ức của một đời người, khi tuổi thơ phải đi ở đợ, chăn trâu cắt cỏ cho địa chủ, lớn lên đi làm cách mạng, là thao thức về thân phận và lịch sử. Thân phận của một con người trong chiến tranh, mang theo cả hình bóng quê hương miền Nam ruột thịt bị giày xéo lầm than, đạn bom, chết chóc, vẫn cố vươn lên với sức sống dẻo dai, bền bỉ, can trường.
Viết về chiến tranh, thường phải khơi lại những trang lửa cháy, với những trận chiến dữ dội, những cuộc hành quân, những chiến công thầm lặng... Và như thế, hẳn sẽ chảy theo mạch cảm hứng của cái anh hùng. Nhưng dường như đó không phải là mạch chính cho câu chuyện Võ Văn Trường muốn kể. Anh chú tâm hơn vào những cuộc đời thấm thía ít nhiều với cái bi tráng trong chuyện anh hùng. Vậy nên, dẫu có kể đến các vị tướng tên tuổi là người Quảng như Nguyễn Huy Chương, Huỳnh Đắc Hương, hay Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân, Đại tá Trần Kim Anh... nhưng hồi quang ký ức chủ yếu là câu chuyện cảm động về đồng chí, đồng đội, về những nghĩa tình khó quên.
Phần nhiều nhất Võ Văn Trường dành trang viết của mình về những người mẹ, những người phụ nữ đi qua cuộc chiến anh dũng mà cũng đầy đau thương chất ngất. Ở đây, hình ảnh những người mẹ bàng bạc trong các trang viết dạt dào cảm xúc, nhiều khi khiến người đọc quặn lòng như “Người mẹ Ngọc Mỹ”, “Niềm vui mẹ Trí”, “Thăm nhà mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm”, “Về Kẽm”, “Vạn kiếp Côn Sơn”... Đặc biệt, có câu chuyện về mẹ Nghê, một người mẹ đã phải hy sinh con mình để bảo toàn bí mật cho cả dân làng Trà Linh trú trong hang Kẽm giữa trận càn của giặc vào ngày 6.3.1969. Nỗi đau nghẹn ngào với cái bi thương của người mẹ ấy, khi cuộc chiến đi qua vẫn thẫn thờ vào ra đếm tuổi con mình bằng những viên sỏi. Cơn mê sảng kéo dài phủ bóng xuống đời người với cảm thức cái bi vô tận mà một chiều trở lại căn nhà nhỏ của mẹ Nghê, tác giả chứng kiến mẹ “lại vào vào ra ra, hết dọn bắp ra sân phơi lại thu gom vào bao. Người con gái đầu, chị Lê Thị Liên, và 5 cháu ngoại hiện sống cùng mẹ Nghê. “Khi tỉnh khi mê, lúc lẩn thẩn mẹ đem rổ rá ra sân nhặt từng viên sỏi bỏ vào rồi lại bỏ ra” - chị Liên kể. Ai biết những lúc như thế mẹ Nghê đang suy nghĩ điều gì? Có thể mẹ nhớ về những người cùng chung hang Hòn Kẽm, từng chứng kiến nỗi đau với mẹ? Cũng có thể mẹ nhẩm đếm tuổi con trai mẹ, nếu còn sống con trai mẹ đã vào tuổi 40 rồi còn gì” (Về Kẽm).
Giọt nước mắt của những người mẹ còn thấm sâu trong lòng khi lần giở kỷ vật của những đứa con hy sinh vì cuộc chiến. Anh hùng có. Uẩn khúc cũng có. Những người đàn bà, con gái đi qua chiến tranh với dáng vóc của cây lau, mềm yếu mà bất diệt. Ở họ, có sự lựa chọn nghiệt ngã, đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho quê hương được giải phóng và bao khao khát của con người bình dị.
“Kỷ vật của cha” là cuốn sách tập hợp có vẻ ngẫu nhiên những bài báo viết về đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó, hơn nửa số tác phẩm đã được Báo Quảng Nam đăng tải. Tác giả đã không dụng công nhiều về chữ nghĩa, dù Võ Văn Trường còn có khả năng làm thơ, viết tạp văn. Có lẽ sự thô mộc cũng như dòng suối nguyên sơ, để giữ độ chân xác mà tác phẩm báo chí cần có. Từ ký ức chảy đến hôm nay, dòng suối ấy khiến cho ta gặp gỡ quá khứ trong thời hiện tại. “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” (Raxun Gamzatov), từ tro than quá khứ cho ta cảm nhận về hôm nay bằng cảm quan lịch sử để rồi cháy bỏng ước mơ về tương lai với khát vọng gìn giữ hòa bình.
NGUYỄN ĐIỆN NAM