Nhạc sĩ Huy Hùng: Đầy một ân tình xứ Quảng
Vẫn còn nhiều ưu tư cho một bản sắc Quảng Nam trong các sự kiện, lễ hội văn hóa. Vẫn còn đau đáu để làm sao có một ca khúc ruột rà xứ Quảng. Vẫn còn khắc khoải chuyện những sân chơi nghệ thuật cho trẻ con xứ này… Thì nghĩa, người chắc còn nặng lắm những ân tình với vùng chưa mưa đà thấm.
Dầu đã ngưng những bộn bề tất bật, đã rũ bỏ những là lượt của một anh công chức, nhưng chắc vì máu nghệ sĩ, người nhạc sĩ này vẫn say sưa trên mỗi chặng hành trình đi về xứ Quảng. Nhạc sĩ Huy Hùng, như bóng vía âm nhạc dìu dặt và mượt mà chuyện quê hương, như cái kiểu giai điệu quê nhà, âm hưởng dân ca đi vào tác phẩm mà như không, trong hình dung của nhiều bạn bè, anh cứ vừa thân thiện vừa xa lạ, vừa sang trọng hào hoa nhưng chưa từng cầu kỳ chải chuốt.
1. Huy Hùng đã từng một thời rất duyên với tuổi thơ. Bởi tuổi thơ ấy, cần một người lãng mạn để chơi với chúng những giấc mơ đèn trời. Và cũng cần một đôi chân trần – cảm nhận đời sống con trẻ bằng tấm lòng thành thật nhất. Chính sự trìu mến trong mắt nhìn cuộc đời khiến tác phẩm gần với cuộc đời hơn. Nên chắc rằng trong những ngày tuổi trẻ của mình, nhạc sĩ Huy Hùng đã sống đúng với lý tưởng của một thanh niên thiện chí, đầy hào sảng nhưng vẫn cực kỳ ấm áp, dễ chịu. Và đúng như thế thật, khi Huy Hùng chia sẻ, năm 1971, anh đã hoạt động văn nghệ cho tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Nam. Chính phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị Đà Nẵng và những ca khúc viết trong thời đoạn này, đã cho Huy Hùng có một khởi đầu bằng tinh thần sôi nổi của tuổi trẻ. Mà câu chuyện của tuổi thơ, luôn luôn cần những nồng nhiệt. Sau này, như lời nhạc sĩ, dù bao đận khốn khó, bao phen phải chèo chống theo đời cơm áo, nhưng có lẽ từ những năm hăng say hát và xuống đường, nên cái phần dũng cảm chẳng bao giờ ngán những trắc trở. “Năm 1972, lần đầu tiên đặt chân vào Tam Kỳ, mình và mọi người hát Dậy mà đi ở Tỉnh đường Quảng Tín hồi đó, hào khí đến bây giờ nhớ lại vẫn còn rưng rưng”, và cơ duyên với Quảng Nam cũng khởi đi từ buổi đó. Dù Huy Hùng là một người xứ Quảng, dân gốc Đại Lộc hẳn hòi. Anh nói thuở thanh niên của mình là những buổi hát say sưa, là tuổi trẻ “ôm giấc mơ nằm mộng những chân trời”, khát vọng tràn ra những ca khúc cổ động lớp sinh viên đô thị xuống đường đấu tranh. Ca khúc đầu tiên của anh: “Người sẽ thấy mặt trời”, viết năm 1972, mang đầy nhiệt huyết đó.
“Có những bài hát dài hơn cuộc đời, những người nhạc sĩ khả kính đã lên chuyến tàu cuối, nhưng họ vẫn đâu đó bên cạnh ta, bởi đứa con họ để lại vẫn đang sống động trong cuộc đời. Mà thường, những khúc ca hay là những lời buồn…”. (Nhạc sĩ Huy Hùng) |
Người nhạc sĩ tóc đã hoa râm, có lẽ sẽ dành nhiều thời khắc trong ngày để mường tượng lại thuở cũ. Và sẽ là những hoài tưởng xen lẫn cảm giác của âm thanh. Tôi vẫn hay thường nhìn họ, khi đôi ba lần chạm mặt trong những cuộc gặp đông đúc. Đã chọn lấy nghiệp cầm ca, dĩ nhiên sẽ không bao giờ an nhiên trước cuộc đời đang đi quá nhanh. Nên dù họ cười họ hát, họ lặng lẽ chọn riêng mình những góc khuất, hay thậm chí họ sôi nổi ngoa ngôn trong những cuộc trà, thì vẫn ẩn hiện đâu đó những bất an lãng mạn – những nỗi buồn không định hình bám riết. Và có vậy thì mới có những khúc ca sâu lắng chạm vào tâm thức mỗi người. Huy Hùng nói có những bài hát dài hơn cuộc đời, những người nhạc sĩ khả kính đã lên chuyến tàu cuối, nhưng họ vẫn đâu đó bên cạnh ta, bởi đứa con họ để lại vẫn đang sống động trong cuộc đời. Mà thường, những khúc ca hay là những lời buồn… Chỉ trừ, nhạc cho thiếu nhi.
2. Nhạc tuổi thơ chuộng sự hân hoan, chuộng nụ cười và hồn nhiên, chuộng những hình ảnh. Nên “Niềm vui của em”, gần nửa thế kỷ từ ngày ra đời, vẫn vang lên trong mỗi kỳ liên hoan âm nhạc thiếu nhi, đặc biệt ở các vùng núi. Thế hệ trẻ em nào cũng từng vài lần ngân nga ca khúc “chẳng biết của đồng bào dân tộc nào”, nhưng lại chắc chắn là của vùng rừng núi. Và người nhạc sĩ thì lại càng không muốn người nghe phải phân biệt rạch ròi, định danh bản địa. Đôi khi, sự tồn tại trường cửu của một tác phẩm, lại chính từ “cái chung” này. Mang âm hưởng miền núi, nhưng lại không hẳn mượn âm nhạc của đồng bào để đưa vào tác phẩm, cũng như viết rất nhiều về quê hương của dòng sông Thu Bồn, nhưng chưa từng phải rõ ràng là mượn điệu lý, điệu hò nào, dẫu nó mười mươi đó là âm nhạc xứ Quảng.
Đó cũng chính là cá tính âm nhạc của Huy Hùng. Nhiều hình ảnh đắt, nhiều sắc điệu nhưng vẫn mượt mà câu chuyện quê nhà, là nhạc thiếu nhi hồn nhiên hay dòng nhạc trữ tình quê hương, Huy Hùng vẫn kịp để cho người nghe xác tín cá tính anh thể hiện trong mỗi tác phẩm như vậy.
Và một Huy Hùng – đạo diễn các phim ca nhạc, các chương trình văn nghệ, sự kiện văn hóa, lễ hội, bên một Huy Hùng nhạc sĩ, đã chẳng thừa thãi. Mỗi tay lại bổ trợ cho nhau, khiến cái này sâu hơn mà cái kia cũng thơ hơn.
Vẫn xoay quanh câu chuyện thiếu nhi. Huy Hùng nói những chuyến miền núi bao giờ cũng cuốn hút anh. Người ta biết anh nhiều qua ca khúc thiếu nhi cho miền núi, thì bản thân anh lại muốn làm nhiều hơn, chuyển tải nhiều hơn tinh thần, bản sắc của người vùng cao đến với số đông. Về hưu rồi, nhưng vẫn muốn lặn lội đến núi rừng, bằng những chuyến đi một mình hay với anh em nghệ sĩ. Càng đi lại càng thương trẻ con vùng cao. Và lại nghĩ đến những sân chơi nghệ thuật cho trẻ con – vốn đã ít ỏi lại thiếu những quan tâm. Như 14 mùa “Hoa phượng đỏ” – hội diễn âm nhạc cho thiếu nhi của tỉnh, bây giờ phải đứt đoạn. Như phải dứt đi một hồi ức đẹp, cứ chùng chình hy vọng.
Về hưu rồi, mà vết dấu của những giọt mồ hôi con trẻ trên sân khấu, nụ cười tươi như nắng hè của trẻ nít đất Quảng, vẫn cứ ám ảnh. Nhiếu thế hệ ca sĩ trẻ lớn lên và có tuổi tên với thị trường âm nhạc cả nước, đều đã từng vài lần đứng trên sân khấu của “Hoa phượng đỏ”. Nên chăng người nhạc sĩ đã đi cùng nhiều chặng của tuổi thơ xứ này, chưa thể đành đoạn dứt bỏ.
Cũng như, chưa thể bỏ hẳn những chuyến đi về xứ Quảng, từ một đô thành. Những khúc ca về quê hương Quảng Nam, vẫn đầy chặt cái âm hưởng ngọt ngào, gần gụi, vừa chân thành của dân gian lại vừa sang trọng, hiện đại của giai điệu mới. Âm nhạc bây giờ thuộc về những người trẻ. Nên con đường của những người nhạc sĩ chọn thể điệu trữ tình quê hương như Huy Hùng, coi bộ sẽ rất khó khăn để trụ vững. “Để có bài để đời trong thời buổi hiện nay rất khó, nhưng mình nghĩ âm hưởng cội nguồn vẫn cứ mặc nhiên tồn tại, bởi con người sống không thể thiếu quê hương”. Và Huy Hùng cứ bền bỉ mà đi con đường âm nhạc của mình.
Lim dim trong màu nắng đã xuống nốt trầm như mật, người nhạc sĩ quê nhà vẫn còn nhiều khắc khoải cho tình yêu với vùng đất quê hương. Và cho đến khi cuộc hẹn hò với đời người dừng lại, có lẽ cũng chưa hết bận lòng. Trên mọi nẻo, cái vóc dáng đã hao mòn bởi ít nhiều bệnh tật, tâm tính vẫn còn đầy chặt ân tình với xứ Quảng, nên mới tự se thắt mình trong những nỗi buồn chật chội vị tha…
SONG ANH