Những ấn phẩm đến từ ký ức
Những tàng thư cũ đang từng ngày trở về đầy sống động trong đời sống tinh thần của những người mê sách vở. Và mối liên kết giữa những ấn bản và thực tại, được gọi tên bằng sự tò mò về những ký ức cũ, được biết nhiều hơn sau nguồn sử chính thống. Chính điều này đã khiến những ấn phẩm đến từ ký ức trở thành những cuốn “best seller”.
Xứ Đàng Trong năm 1621 và Xứ Đông Dương. |
Những cuốn sách như Xứ Đông Dương của Toàn quyền Đông dương Paul Doumer, Xứ Đàng Trong năm 1621 của thừa sai Cristophoro Borri, và Hải ngoại Kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán được tái bản ngày càng nhiều, khiến người đọc nghĩ đến việc thị trường sách đang hướng đến một “trào lưu”: tái bản những cuốn sách xưa. Những dòng sách hồi ký của các tác giả nước ngoài sống cách chúng ta hàng thế kỷ, với những mô tả về vùng đất, con người trên khắp dải đất Việt Nam và xa hơn, lại có sức cuốn hút với người đọc đến vậy.
Từ năm 2014, ấn phẩm xưa – đặc biệt là dòng sách hồi ký về văn hóa, vùng đất, bắt đầu nóng lại. Như lời nhà văn Sơn Nam trong Lời bạt của cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 (tái bản tháng 9.2014) thì “nguồn tư liệu của du khách nước ngoài lắm khi cần thiết, nếu ta biết đánh giá và sử dụng”. Xứ Đàng Trong năm 1621 của vị thừa sai Cristophoro Borri (1583-1632) một người Ý đến nước ta (xứ Đàng Trong - NV) (đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635) và ở lại đó gần 5 năm (1618-1622). Bản tường trình trong suốt 5 năm ông nhận định về miền Trung Việt thế kỷ 17 khi ấy “rất lạc quan, rất trìu mến”. Một dạng tường trình theo kiểu hồi ký – du ký kể về mọi thứ trông thấy ở xứ sở kỳ lạ này, từ: quốc hiệu, diện tích, khí hậu, đất đai, tính tình, phong hóa, tục lệ, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần… “Những tư liệu của người đến nơi quan sát, với trình độ khoa học gần như là đỉnh cao, vào giai đoạn ấy - thời đại tiền tư bản đang phát triển ở châu Âu rất quý giá đối với chúng ta”, nhận định của nhà văn Sơn Nam. Là thừa sai nhưng bản tường trình của Borri đa dạng, không nghiêng hẳn về việc truyền đạo, mà còn chứa đựng hơi thở cuộc sống của một vùng đất lạ kỳ, theo ghi nhận của chính ông. Tìm đọc để thấy sự phồn thịnh của cảng thị Hội An, sự giàu có về tài nguyên mảnh đất miền Trung, và hơn thế là quang cảnh khá toàn diện của xứ Đàng Trong dưới thời cai trị của vua chúa nhà Nguyễn. Những nhà nghiên cứu Hội An coi Xứ Đàng Trong năm 1621 như một tập tư liệu với những góc nhìn khách quan của một giáo sĩ phương Tây để dần dần hoàn thiện thêm những tư liệu ký ức về một cảng thị quốc tế của thế kỷ 17. Được viết bằng tiếng Ý và ấn hành năm 1631, cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Anh vào những năm 1631 – 1633. Sau 3 thế kỷ, năm 1931 được dịch lại sang tiếng Pháp và in trên tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế từ tháng 7 đến tháng 12.
Hải ngoại kỷ sự bản in năm 1963. |
Đầu tháng 4.2016, Hải ngoại kỷ sự của một nhà sư Trung Hoa được tái bản, từ sau năm 1963, khi bản dịch đầu tiên hoàn thành và ra mắt công chúng, bởi Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam – Viện Đại học Huế tiến hành khi ấy. Mang nhiều phong vị của xã hội Đàng Trong hồi thế kỷ XVII, từ lối sống, lễ nghi, phục trang, nhà cửa cho đến ăn uống, nói năng, ma chay, cưới hỏi, trưng binh, sưu dịch, thuế lệ…, xứ Thuận Quảng rải khắp các câu chuyện kể của nhà sư Thích Đại Sán. GS.Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng đây là một ấn phẩm với nhiều tư liệu quý về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mùa xuân năm Ất Hợi (1695), tức đời vua Khang Hy nhà Thanh, đáp lời mời của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Thích Đại Sán cùng tùy tùng cỡi gió vượt sóng đến xứ Thuận Quảng (Huế và Quảng Nam bây giờ - NV), và lưu lại trong vòng một năm. Tại đây, ông tường tận ghi nhặt từng việc một và đưa vào cuốn sách đặt tên Hải ngoại kỷ sự - tức ghi chép sự việc ở nước ngoài. Trong thời gian này, Hải đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn Phúc Nguyên thành lập có tầm ảnh hưởng khá lớn nên thu hút sự chú ý của người nước ngoài đến đây. Thích Đại Sán đã có những ghi chép về địa danh Vạn Lý Trường Sa, với “những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam…” và “thời quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào”… Những sắc diện đa chiều của vùng Thuận Quảng được ghi lại tỉ mỉ, và trở thành những tư liệu rất quý hiếm cho giai đoạn này của những nhà nghiên cứu xứ Quảng sau này.
Lùi sâu hơn về mốc thời gian của những năm đầu thế kỷ XX, Xứ Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer, dày hơn 700 trang, dịch từ hồi ký của một nhà cai trị, một chính trị gia tham vọng muốn biến Đông Dương thành một nước Pháp ở Viễn Đông, ra mắt đông đảo bạn đọc cũng vào những ngày đầu tháng 4.2016. Và ấn phẩm được giới nghiên cứu cho rằng, “là một trong những cuốn sách đẹp nhất, giá trị nhất về xứ Đông Dương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”. Từng kinh qua những chức vụ quan trọng, như Bộ Tài chính, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện rồi làm Tổng thống Pháp, nên “bạn đọc hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những suy nghĩ và đánh giá của ông là sâu sắc và rất khác với nhiều tác giả thuộc địa khác”. Năm 1896 ông được bổ làm toàn quyền Đông Dương. Năm 1902, sau khi hết hạn làm toàn quyền Đông Dương, ông ra ứng cử nghị viên quận Aisne và trúng cử. Năm 1905 ông xuất bản cuốn hồi ký của mình. Nhắc tới Paul Doumer, là nghĩ về những thành tựu ông để lại trên đất nước Việt Nam vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Cụ Vương Hồng Sển ghi lại, “thời kỳ Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương là thời kỳ mở mang Đông Dương, thời kỳ sắt và cầu sắt”. Ông đã để lại ba cây cầu sắt bất hủ, bao gồm cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền, và cầu Bình Lợi. Không chỉ có vậy, trong hồi ký của mình, ông than tiếc về những cổ vật Chàm ở Đà Nẵng bị mất mát, những di tích cổ bị phá vỡ. Chính ông đã ký sắc lệnh thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp để bảo vệ, tu bổ di tích. Ngay tên gọi Đà Lạt cũng là do ông lựa chọn…
Lịch sử luôn cần sự soi chiếu từ nhiều phía. Và có lẽ, những ấn phẩm từ ký ức dần trở lại với số đông độc giả, và bắt đầu tìm lại được vị trí của mình. Dù mới chỉ là những dạng hồi ký – du ký, nhưng ít nhiều, bạn đọc tiếp cận với lịch sử nhiều góc cạnh hơn.
THƯ QUÂN