Đọc lại tập "Tìm tôi trong bóng": Cơn say tàn mới thấm khuya

NGUYỄN NGỌC HẠNH 05/03/2016 08:31

Tôi mỏn đời đi hái vầng trăng
Biết mấy chiếc sào đã gãy

                        (Nghịch cảm)

Biết là vậy mà Nguyễn Hàn Chung cứ vác sào đi hái. Bởi chính thơ là nỗi ám ảnh, là người tình hờ đòi chung sống, rủ rê chơi trò đuổi bắt cùng anh. Mà ít ỏi gì đâu, gần năm mươi năm gừng cay muối mặn, lặn hụp với thời gian, đánh đổi với thực hư ở đời để anh còn được là mình, để đòi được ăn nằm chung sống cùng thơ:

Muốn bằng lặng một đêm thôi mà không thể
Nhất là đêm nghiêng chén hát ru mình

                                                        (Khát)

Tác giả và nhà thơ Nguyễn Hàn Chung.
Tác giả và nhà thơ Nguyễn Hàn Chung.

Đâu dễ gì bù lấp được những khát khao cháy bỏng ấy. Không lấy gì khác hơn ngoài đời anh, để cược với cuộc chơi đầy mơ tưởng trên đường ray hun hút: “Những đường ray chon von, bòn rút nỗi đau cạn kiệt”. Có lúc Nguyễn Hàn Chung đã thốt lên: “Rằng tôi đã kiệt sức mình”, dẫu tóc đã bạc trên đầu mà đâu dễ gì đặt yên bóng chữ:

Tôi dốc tôi vào sắc không
Chăm chắm một chút hồng sắp nụ
Ảo tưởng tan vào bóng chữ
Cơn say tàn mới thấm khuya

                (Những đường ray)

Dằn vặt đớn đau nát lòng trong sự lựa chọn để đến với thơ, đó còn là cách thể nghiệm mình, hơn thế nữa là cách sống mà đâu chắc gì tàn rồi đã thấm khuya, chắc gì đã tan vào bóng chữ. Nguyễn Hàn Chung thừa biết điều đó và chắc rằng anh cũng chẳng màng đạt tới cái gì cao xa. Bởi vì,“đã tung hê đánh đổi, em vẫn ruổi dong đâu đó phía xa vời”. Vẫn còn xa, chưa tới, đâu dễ “bước tới đỉnh đèo, tạc ta vào bóng xế để tìm một mảnh tình trời đất tương giao”… Tương giao với vũ trụ, với đời ít ra cũng để thấy bóng mình “trinh bạch cùng bóng tối”, ít ra cũng còn là mình tươi nguyên màu cỏ:

Không sánh loài hoa lắm sắc
Hiểu mình cỏ giữ màu tươi

                                        (Cỏ)

Nguyễn Hàn Chung dằn vặt với thơ đến như thế?

Trong khi nhiều người cùng thời với anh đã bỏ cuộc chơi thì anh lại đắm đuối lao tới như ngày đầu mới làm thơ. Thời trai trẻ qua rồi, những câu thơ một thời cam chịu số phận hẩm hiu. Nó trôi dạt và thiếu nương tựa. Không ít người buông tay! Có phải vì thế mà “Tìm tôi trong bóng” là tái sinh của một đời thơ, là một chứng nghiệm trước cuộc đời:

Tạ ơn ngày tôi đã sinh tôi
Quằn quại trong cơn sóng dữ
Chiếc neo cắm sâu vào luống chữ
Cánh buồm trôi nổi vào đâu cũng nợ con thuyền

                                                                (Nghiệp dĩ)

Anh nợ nhiều thứ lắm. Đêm càng khuya càng thấm. Một khi “sống trong căn nhà quá chật, ông bỏ ra đường”. Ấy là Trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Ấy là Chung viết về nhà thơ chuồn chuồn châu chấu, mà cũng là cách để anh viết cho mình. Vì thế mà những câu thơ bất khả tư nghị, náo động đến im lìm. Tôi hiểu Nguyễn Hàn Chung như vậy. Anh đã từng viết “người có tài khuấy tung chữ nghĩa sắp vần. Anh như người nhàn tản ngắm trăng thu”. Làm sao hiểu về một thời câu thơ rêu bụi. Chính từ đó mà khổ, mà đau, mà một đời oan ức:

Quân tử vờ khinh lẳng lơ
Quần thoa ghét ghen trắc nết
Thị Kính một đời oan ức
Còn em oan khuất bao đời!

                                (Thị Màu)

Nếu không oan khuất thì không có đời, cũng không có thơ. Giống như “nếu ngày xưa mình không thành vợ chồng thì nỗi nhớ không nhiều đến thế, cũng như đời khúc thăng khúc giáng, khúc phố khúc hầm, gối ta lên cát, cồn cào khúc âm…”. Khi năm mươi tuổi, Nguyễn Hàn Chung vẫn còn “tìm tôi trong bóng”. Bóng nhưng là hình, là một nửa che khuất mà ít ai nhìn nhận. Anh đã phát hiện ra cái nửa ấy của mình: “Nửa đi là mất, nửa rồi… Nửa về câm, một nửa vùi trong đau”, để rồi “cửa vò xé âm ba tận hiến, có chiếc lá nửa vàng cố giữ nửa kia xanh". (Trước xuân)

Đấy cũng là cái đã qua và cái sắp qua thôi. Thơ của Nguyễn Hàn Chung xa xưa và của bây giờ vẫn là những ray rứt muôn thuở về những oan trái, về nỗi đau âm ỉ kiếp người. Anh làm cho nhiều người ngạc nhiên là anh tự bứt phá chính mình để được là mình một cách khác hơn, mới mẻ hơn. Nhưng tôi lại tiêng tiếc là trong tập thơ này còn đôi bài, đôi câu mềm yếu dễ dãi. Tất nhiên không dễ gì vượt qua những nuối tiếc, những câu thơ rêu bụi một thời mà lẽ ra anh chỉ nên chép tặng riêng cho một vài cô nhân tình nào đó thì tập thơ sẽ tạo ấn tượng nhiều hơn cho người đọc.

“Nhiều năm tôi không sáng tác, chỉ ngồi nhìn ngắm thơ thôi. Đến giờ ngấp nghé lứa tuổi tri thiên mệnh, có một cái gì òa vỡ, xoắn vó lôi kéo tôi tôi trở lại với thơ…”. Nghe Nguyễn Hàn Chung tâm sự như vậy tôi càng hiểu nỗi lòng anh khi chọn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đề từ ở trang đầu tập thơ “Tìm tôi trong bóng”:

Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ
Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không

Và, tôi mãi tin Nguyễn Hàn Chung sẽ còn vác sào đi hái vầng trăng ấy, vì cả anh và thơ đều thiết tha chung sống.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

NGUYỄN NGỌC HẠNH