Người kể chuyện danh nhân

MINH ĐIỀN 17/01/2016 08:25

Có nhiều danh vị để gắn với cái tên Huỳnh Hùng. NSƯT - Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng - Phó chủ tịch Hội nhà báo TP.Đà Nẵng - Chủ tịch hội điện ảnh TP.Đà Nẵng...

Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hùng (bìa phải) trong chuyến làm phim về học giả Phan Khôi.
Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hùng (bìa phải) trong chuyến làm phim về học giả Phan Khôi.

Những danh vị đó không phải là điều tôi quan tâm. Hôm nay tôi chỉ muốn nói về anh ở khía cạnh tôi thích nhất. Thích và phục. Huỳnh Hùng - đạo diễn phim tài liệu.

Chút lòng tri ngộ

Tôi viết về anh ở một góc nhìn khá ngộ. Anh từng là “sếp Tổng” của tôi khi tôi còn công tác ở Đài PT-TH Đà Nẵng (DRT). Quan hệ giữa anh và tôi chưa bao giờ ra khỏi phạm vi công tác, như bất kỳ một phóng viên nào với ông tổng biên tập của mình, nghĩa là ít trực tiếp, mà cũng không xa như cái khoảng cách chức vụ giữa giám đốc và nhân viên. Trong thâm tâm tôi còn cảm thấy nợ anh một chút lòng tri ngộ nữa là khác.

Phải lẽ hơn trước khi bắt tay viết về anh, hẳn là tôi nên gọi xin anh một cuộc hẹn, rồi sắp đặt sao đó để ngồi với anh một lúc, giữa những cơn bận túi bụi của anh. Có thể anh cũng đủ “hảo tâm” mà dành cho tôi khoảng một giờ. Nhưng như vậy chắc chắn bài viết này sẽ rất khác. Vậy xin dành cái khác đó cho một dịp nào nếu có duyên, ngày còn dài rộng phía trước. Và tôi tin bạn đọc sẽ không chán khi gặp lại Huỳnh Hùng ở một cự ly khác.

Dài dòng một chút, nhưng tôi lại tìm thấy một lý do đáng kể. Tôi thử nói về anh như cách anh nói về các nhân vật trong phim của anh vậy. Những nhân vật lịch sử chẳng được nắm tay nhìn mặt, chỉ tìm tòi và hình dung. Điều đó cũng có cái thú riêng.

Tôi có nhiều thiện cảm với Huỳnh Hùng rất lâu trước khi thực sự biết anh, từ khoảng 10 năm trước. Một người bạn tôi ở phòng Chuyên đề Đài truyền hình VTV Đà Nẵng, khi ấy Huỳnh Hùng làm phó giám đốc phụ trách, thường kể về anh với nhiều sự kính trọng.

Đến nay thì chẳng nhớ được chuyện gì cụ thể, chỉ lưu lại ấn tượng về một ông sếp hiền lành và yêu nghề. Một ông sếp không bảnh chọe, được lính yêu, lại còn máu lửa xắn tay trực tiếp “làm nghề”.

Ngày đó, trước khi chứng kiến Huỳnh Hùng làm phim, tôi đã thường nghe người trong nghề khen ngợi bộ phim anh làm về Mẹ Thứ (Trang đời huyền thoại), tác phẩm mở đầu tên tuổi anh trong làng phim tài liệu ở Đà Nẵng.

Đến bây giờ dù không còn thường xuyên gặp anh đi lại vội vã qua các hành lang cơ quan, nghe anh nói trong các cuộc họp với vẻ mặt khó đăm đăm, hay trao đổi chớp nhoáng về một vài đề tài tác nghiệp, nhưng tôi vẫn giữ một cự ly vừa đủ để cập nhật thường xuyên thông tin về anh, qua những người bạn là cộng sự gần gũi của anh trong những dự án phim tài liệu liên tiếp. Dĩ nhiên chỉ là những thông tin liên quan tới ông Huỳnh Hùng đạo diễn thôi.

Thương hiệu phim Huỳnh Hùng

Tại đài truyền hình chúng tôi ngày đó, ở chức trưởng phòng là đã “thoát ly sản xuất” rồi, huống hồ là giám đốc. Một lô chức vụ kiêm nhiệm tưởng chừng sẽ nhấn chìm Huỳnh Hùng vào những công tác hành chính liên miên. Vậy mà lạ, tôi lại chỉ thường hình dung anh trong vai trò một đạo diễn phim tài liệu. Có lẽ đó là khía cạnh tôi quan tâm nhất ở anh, đại khái kiểu người ta chỉ thấy điều muốn thấy. Nhưng cái nhìn chủ quan của tôi đâu có bịa ra được những cuốn phim mang thương hiệu Huỳnh Hùng cứ nối nhau ra lò. Hầu như năm nào cũng ít nhất một phim. Và tuyền một đề tài vừa hấp dẫn vừa hóc búa: danh nhân xứ Quảng.

“Người giữ thành Hà Nội”, phim về cụ Hoàng Diệu người Gò Nổi, khi làm quan tổng đốc vẫn mang theo cây roi dâu để ghi nhớ bài học của mẹ về sự liêm chính, người đã tuẫn tiết theo thành Hà Nội năm 1882, trong khi bà vợ ở quê nhà đang đi làm ruộng.

“Con mắt còn có đuôi” về nhân vật trứ danh khác ở Gò Nổi: Phan Khôi - một tính cách Quảng Nam điển hình, và cũng điển hình luôn cuộc đời bi kịch vì ôm cái tâm niệm về công lý.

“Người được sông núi khắc tên”, về ông thành hoàng xứ miền Tây Nam bộ Thoại Ngọc Hầu với cái nhìn xa hàng trăm năm vì quốc kế dân sinh...

Vừa rồi nghe tin anh vừa đóng máy một phim về tuồng cổ, lại hăm hở bắt đầu những cảnh quay đầu tiên về một nhà văn tiền bối xứ Quảng khác...

Phim, thì như anh từng nói trong một cuộc phỏng vấn, “ai cũng có thể làm được”. Nhưng làm cho hay, cho ngon lành trong điều kiện thời gian “tranh thủ” giữa hàng trăm sự vụ khác, thì... có lẽ Huỳnh Hùng là hiếm.

Có một điểm xuyên suốt trong các phim chân dung danh nhân của Huỳnh Hùng, là cảm xúc của tác giả khi đối diện với nhân vật. Lời bình trong phim anh thường rất đậm chất văn, có lẽ vì xuất thân văn khoa của anh, cũng có thể đó là cách tiếp cận riêng của anh với các nhân vật lịch sử. Và những cảm xúc xuất hiện song hành với những nhận định của anh về nhân vật ấy, vừa trân trọng, vừa đồng cảm. Tôi nhớ cảnh dải lụa đào phất phơ trên cửa thành Hà Nội nơi Hoàng Diệu tuẫn tiết, hay chiếc nón của người vợ trôi lênh đênh trên ruộng nước sau cái chết của chồng (phim Người giữ thành Hà Nội); cảnh ngọn đèn leo lét và chìm tắt bên những cuốn sách trên bàn làm việc của Phan Khôi (phim Con mắt còn có đuôi)... Trong mỗi bộ phim của anh, người ta thường nhận được ít nhất một vài hình ảnh ẩn dụ, những chi tiết thường lắng đọng, rất giàu chất thơ như vậy.

Có thể đối với những người làm phim hiện nay, phim tài liệu của Huỳnh Hùng vẫn đi theo một lối cũ, mang tính tự sự và thiên về cảm nhận như thế. Nhưng tôi nghĩ, cách làm phim gọi là truyền thống hay hiện đại, các thủ pháp, phương pháp dù thế nào, thì cái lõi của bộ phim vẫn là thành ý của tác giả. Ở đâu mà người làm phim đặt được cái nhìn độc đáo, chọn được chi tiết để thể hiện chủ đề, và truyền được cảm xúc, hứng thú cho người xem, thì ở đó có phim hay. Trong việc làm phim của Huỳnh Hùng, tôi còn nhận thấy một ý thức rất rõ ràng và kiên trì về sự quý trọng, về ý muốn “phục hưng” những giá trị nhân bản nhất qua những nhân vật, sự kiện lịch sử. Một cách “ôn cố tri tân” đầy nghệ thuật và tâm huyết. Và điều đáng quý nữa, là những đề tài, nhân vật cũ được khơi lại, nhiều khi là một bổ sung rất đắc thế cho những diễn biến cuộc sống ở thì hiện tại.

Vĩ thanh

Có lẽ cũng nên nói một chút về Huỳnh Hùng - nhà quản lý. Ở cơ quan nào cũng vậy, có những đợt xáo trộn/ luân chuyển nhân sự các kiểu và trăm thứ quan hệ rắc rối ngoài chuyên môn, thường là những chuyện rất đau đầu cho các nhà quản lý trong cơ chế hiện hành. Nhiều khi thấy ông giám đốc đài đi lại trong cơ quan, cái dáng gầy gầy như khòm xuống, vẻ mặt lạnh lạnh lại càng khắc khổ, một ông “sếp sòng” ngay trong lãnh địa của mình mà cứ như cô độc, lạc lõng làm sao ấy. Tôi từng có cảm tưởng anh đang bị stress nữa kia. Vậy mà vài tháng sau, lại nghe anh cho ra một phim mới, hay đang cùng ê-kíp quay phim rong ruổi đâu đó tận miền Bắc, miền Tây... Những lúc đó tôi thực sự khâm phục khả năng điều hòa các khía cạnh nghệ thuật và công vụ trong con người Huỳnh Hùng.

Có thể anh từng stress nhiều cơn thiệt, anh có thể mất ngủ vì khó điều hòa nổi cái yêu cầu hành chính với cái nhu cầu nghệ sĩ trong người..., thì điều còn lại sau những nhiệm kỳ, là anh có những đứa con gan ruột để nhìn lại, và có thể không cần thiết với anh - nhưng là cảm hứng của những người xung quanh (như tôi chẳng hạn) - để lại một hình ảnh đẹp của một đạo diễn tâm huyết, một nghệ sĩ luôn cháy hết mình trên đường sáng tạo, giữ lại cho đời những thước phim cảm động về những danh nhân từng góp phần làm nên lịch sử mảnh đất Quảng Nam này.

MINH ĐIỀN

MINH ĐIỀN