Phùng Tấn Đông: Tự giải thoát mỗi khi đối diện sách vở

HỨA XUYÊN HUỲNH 13/09/2015 09:56

Thật khó “định danh” rạch ròi Phùng Tấn Đông là thi sĩ, nhà phê bình hay nhà nghiên cứu, tác giả kịch bản sự kiện văn hóa, bởi mảng nào anh cũng gây ấn tượng. Hàng chục năm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, anh vẫn chưa có ý định ngừng nghỉ…

Nghề viết không có… tuổi hưu

Tên làng cũ Nam Diêu được Phùng Tấn Đông mượn làm bút danh ký dưới những bài nghiên cứu, phê bình. Sinh năm 1960, đứa con làng gốm Thanh Hà (Hội An) này tưởng rời xa quê khi vừa nhận giấy báo đỗ đại học năm 1979 đã phải nhập ngũ. Sau khoảng 5 năm làm lính thông tin thuộc sư đoàn công binh ở Lạng Sơn, anh quay về với giảng đường (Đại học Sư phạm Huế) rồi tốt nghiệp thủ khoa năm 1987, được quyền chọn nhiệm sở nhưng một lần nữa anh lại suýt tha hương. Ngót 3 năm cộng tác ở Nhà thiếu nhi TP.Huế, anh đứng giữa ngã ba đường: hoặc trực chỉ TP.Hồ Chí Minh làm báo, hoặc trở về Hội An sung vào đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Trung tâm VHTT TP.Hội An, nơi có mẹ già em nhỏ. “Khi đó, nếu mình bỏ đi thì mọi chuyện đã rất khác… Mấy chục năm ở Hội An, có vui có buồn. Từ năm 2000 đến nay, mình còn được cho “cơ chế” làm việc tự do, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ” - anh tâm sự.
Chính chế độ làm việc đặc biệt này cùng với “môi trường hậu hiện đại”, như cách gọi của Phùng Tấn Đông, đã tạo không gian sáng tạo và giúp anh thu vén gia tài nghệ thuật đa dạng. Khởi đi từ giải nhất thơ Liên chi đoàn khoa Văn, Đại học sư phạm Huế 1983-1984, đến bây giờ anh chỉ nhớ mình đã viết chừng 100 bài thơ và thuộc đâu khoảng mươi bài. Nhiều người vẫn quen với một Phùng Tấn Đông nhà thơ cách tân và đầy ám ảnh, nên ngạc nhiên khi bắt gặp mảng truyện ngắn của anh trên báo Văn nghệ, Tiền phong, tạp chí Sông Hương với những “Khói sóng mặt hồ”, “Phù du bay đôi”, “Láng giềng trên sân thượng”, “Mưa suốt tháng giêng”, “Nhặt ở cõi nào xa lắc”…

Có cảm giác Phùng Tấn Đông lúc nào cũng viết. Hoặc thơ, truyện, phê bình, nghiên cứu văn hóa dân gian, phụ trách các chuyên mục văn hóa, viết kịch bản sự kiện lễ hội, soạn lời mới cho dân ca…“Cuộc chơi này dễ chi dừng lại. Mà nghề viết làm gì có tuổi nghỉ hưu? Chắc phải theo nó đến khi tàn hơi kiệt lực” - anh nói cứng. Nhưng với thơ, khi hỏi nguyên do viết nhiều mà xuất bản ít, anh dè dặt bảo bởi cái tính cầu toàn, thấy thơ phú dạo này in ấn quá nhiều đâm ngại, trong khi anh chưa bao giờ xin kinh phí để in cái gì. “Nhưng trong vòng 5 năm tới đây chắc phải in gấp thôi, sắp đến “hạn” rồi!” - anh nói vui.

Dị ứng lối thơ trình diễn

Phùng Tấn Đông tự nhận mình cứ như một kẻ tinh tuyển giùm thiên hạ, “chịu” đọc tác phẩm người khác. Anh gọi đó là nhu cầu cập nhật thường xuyên của giới phê bình và người sáng tác đương đại. Anh tự hỏi, làm sao có thể ủng hộ giọng nữ quyền trên thi đàn khi không đủ tư duy về mảng văn học đô thị? Vì thế, bên trong một người sáng tác cần có một nhà phê bình…

Phùng Tấn Đông có thơ in chung trong “Miền mây trắng” (1994), “Trăm năm thơ Đất Quảng” (2005), “Núi gọi biển” (2006); truyện và thơ chọn in trong “Đất Quảng - một vùng văn học”. Riêng tập thơ “Như cỏ dại như lá úa như cây xanh” (NXB Văn học 2011, in chung với 4 tác giả khác) đoạt giải B Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 2.

Anh đoạt Huy chương Vàng hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc 1994 với kịch bản ca cảnh dân ca “Vui hội mùa xuân phố biển”; 2 lần tham gia Ban giám khảo thơ Bách Việt.

Chính sự hòa mình trọn vẹn trong dòng chảy văn chương hiện đại đã cho Phùng Tấn Đông đủ sức quán xuyến các giọng điệu “lạ”. Không rõ vô tình hay hữu ý mà anh viết bài “Trình diễn thơ” với cấu trúc lạ lẫm như gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: đọc thành 2 đoạn thơ văn xuôi cũng được, mà gọi đấy chỉ là 1 câu dài đến 203 từ cũng chẳng sao. Thử ngắt một đoạn ngẫu nhiên: “…chính hắn tưởng tượng hắn là tên rà phế liệu mưu sinh là người gỡ mìn là gã thầy cúng tin vào sự gõ tất tất thảy đều quan trọng đếm và gõ thăng hoa đến hạn đến lúc hắn tự biết trình diễn thơ hay thơ trình diễn sau rốt không quan trọng đến khi cử tọa ồ à wow hắn đang gõ vào chiếc đầu lâu của hắn từng nhịp lốc cốc chậm dần đều dấu hiệu hắn liên đới với đồng loại không có lý do nghe thơ”. Anh không ngại va chạm khi bình luận: “Bây giờ lớp trẻ làm chữ nhiều quá! Nào là “vỡ vạt nắng chiều”, “ngực thông thốc gió”… Để làm gì? Thơ là nghệ thuật ngôn từ, có sự mơ hồ về nghĩa để người đọc ám ảnh, nhưng mơ hồ đến mức cực đoan, tắc tị thì không được”.

Tin vào những “mảnh vụn”  

ẩn bên trong vóc dáng phong trần là những luồng suy tư về cuộc sống. Anh đặt niềm tin vào những “mảnh vụn” của văn hóa dân gian, nhìn ra yếu tố đằm sâu của chúng giữa đời sống đương đại khi công bố đề tài nghiên cứu “Nghĩ về văn hóa dân gian trong quá trình biến đổi văn hóa”. Anh dẫn chứng nghề tơ tằm tưởng chừng mai một nay đã hồi sinh với làng lụa Quảng Nam do tri thức dân gian về “tằm tang” vẫn được bảo tồn cùng với vận hội mới từ du lịch. Qua những trang viết, anh tỏ ý hoan hỉ khi các điệu hò giã vôi, hò giã gạo được phục dựng trên sân khấu quần chúng. Anh chào đón sự trở lại của sản phẩm tò he đất từng nuôi sống nhiều hộ làm gốm ở làng cũ Nam Diêu, hay các nghề lồng đèn, may, hô hát bài chòi, vẽ mặt nạ tuồng, trang phục lễ hội, múa… qua lối “mô phỏng” trong các lễ hội đương đại.

Nhưng anh cũng sợ những cách điệu quan họ, bả trạo sẽ như lớp sơn mới làm phai mờ yếu tố gốc. Nếu cứ nhân danh cổ truyền để làm đương đại thì thật đáng lo, mà nhà tổ chức phải biết cách cân bằng, chọn mảng miếng phù hợp. Vốn liếng và kỹ năng nghiên cứu được Phùng Tấn Đông tích lũy từ những ngày theo học các giáo sư Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương… Giữ thói quen làm tư liệu rất kỹ, từng đi điền dã vùng đông Thăng Bình từ thời sinh viên, anh vừa hoàn tất công trình về văn hóa dân gian huyện Thăng Bình hồi tháng 6.2015 với sự hỗ trợ đắc lực của cộng sự am hiểu địa phương như Lam Hà, Phan Văn Minh, Xa Văn Hùng và tham khảo tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu.

Phùng Tấn Đông tỏ ý hàm ơn phố Hội, nơi cho anh được hạnh phúc hít thở bầu không khí văn hóa vừa thân thiện vừa khác biệt. Không thể đứng ngoài dòng chảy sự kiện văn hóa phố cổ, thậm chí anh được xem là tác giả kịch bản sự kiện văn hóa - lịch sử chung thủy nhất ở Hội An, suốt từ năm 1990 đến nay. Anh làm chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản ngót 12 kỳ, 2 lần tham gia lễ hội hoa đăng - báo hiếu Vu lan, 3 lần viết kịch bản cho sự kiện Quảng Nam - Hành trình di sản, tác giả và đạo diễn cho chương trình nghệ thuật sự kiện “Phú Ninh hò hẹn mới” (2006), viết kịch bản dân ca bài chòi “Tấm lòng người mẹ” (2014)…

*
*             *

Dường như mọi ngả đường trong tác phẩm của Phùng Tấn Đông đều dẫn về quá khứ. Trong thơ, luôn thấy trỗi dậy một điệu ru buồn tuổi thơ, một điệu kèn lá, một lối đồng dao, một dấu vết dòng sông thở mù sương bến nước… Trong truyện, đôi khi thoáng hiện bóng dáng những tình duyên xa lắc quãng giữa thế kỷ 17 ở dinh trấn Thanh Chiêm. Anh cũng nặng nợ với đề tài lễ hội truyền thống Hội An, tìm về văn hóa dân gian qua những cuộc rong chơi nghiêm túc. Anh yêu hội họa nhưng không thỏa hiệp, có lần dạo một vòng xem triển lãm mỹ thuật miền Trung liền ngoắt tôi ra một góc để trút nỗi bực dọc: “Chủ nghĩa đề tài đã giết chết sáng tạo!”. Quảng giao trong giới văn nghệ toàn quốc, anh cũng tự nhận mình là người nóng tính, hiếu động. Chơi cả ngày nhưng lúc cần lại thức thâu đêm làm việc, tự tìm lối giải thoát mỗi khi đối diện sách vở… Trong lòng tôi, anh tử tế như chính câu thơ anh viết: “Nhiều phen đói khát nằm trên đất/ thèm được chết làm sao cho ra dáng một con người” (Khi ở biển khi về rừng).

“Dỗi hờn cuộc đời này để làm gì?”, Phùng Tấn Đông tự vấn. Và tôi hiểu vì sao anh hay nhắc lại câu thơ trứ danh của tác gia Đức Hermann Hesse: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH