Một người Quảng cô đơn
Càng đọc Phan Châu Trinh chúng ta càng kính nể sự uyên bác, suy nghĩ độc đáo, tầm nhìn xa rộng và càng thấy thương sự cô đơn của ông dù ngay giữa thời đại của mình. Có lẽ tại ông đã đi trước thời đại quá xa.
Trong thời gian từ tháng 6.1910 - khi được thả, rời Côn Đảo về an trí ở Mỹ Tho cho đến cuối năm 1912 - một năm rưỡi sau khi sang Pháp, Phan Châu Trinh đã hoàn thành 3 tác phẩm quan trọng: Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Pháp - Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (được gọi là Tân Việt Nam) và Đông Dương chính trị luận.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính dựa vào các di cảo của Phan Châu Trinh cho rằng Tân Việt Nam được viết sớm nhất, tiếp theo là Đông Dương chính trị luận còn Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký viết sau cùng và có khi Đông Dương chính trị luận chỉ là phần tiếp nối của Tân Việt Nam.
Cũng theo tác giả này thì:
- Tân Việt Nam gồm 42 trang chữ Hán viết tay, viết sau khi Phan được thả từ Côn Đảo (tháng 6.1910) và trước khi đi Pháp (tháng 3.1911) với mục đích là nêu rõ sự khác biệt trong lập trường của cụ và Phan Bội Châu để minh oan cho các đồng chí đang bị tù sau biến cố năm 1908. Tác phẩm này được Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Văn Dương dịch và đăng trong các tác phẩm: Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm (Nxb TP.Hồ Chí Minh, 1987; Nxb Văn Học, 2001) và Tuyển tập Phan Châu Trinh (Nxb Đà Nẵng, 1995).
- Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký gồm 55 trang chữ Hán viết tay. Đây là tập hợp một số bài ngắn Phan viết để Jules Roux dịch sang tiếng Pháp gửi Bộ trưởng Thuộc địa Messimy và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraux để minh oan, và khiếu nại cho các thân sĩ còn đang bị lưu đày ở Côn Đảo sau vụ dân biến năm 1908. Quyển này đã được Lê Ấm và Nguyễn Q.Thắng dịch và chú giải lần đầu vào năm 1973, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản cùng năm.
- Đông Dương chính trị luận dày 62 trang chữ Hán viết tay, cũng là một phần những bài viết ngắn mà họ Phan viết để Jules Roux dịch sang tiếng Pháp nhằm giãi bày quan điểm của mình về những tệ nạn chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam đồng thời đưa ra những yêu sách đối với chế độ cai trị của người Pháp. Tác phẩm này cũng được 2 tác giả nói trên dịch ra quốc ngữ.
Như vậy di cảo quyển đầu viết ở Việt Nam, hai quyển sau viết ở Pháp.
Một người uyên bác
Trong ba tác phẩm quan trọng này có lẽ Tân Việt Nam là tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc hôm nay. Qua cuốn sách này, có thể thấy, Phan Châu Trinh là người uyên bác thông tuệ một cách đặc biệt. Suy nghĩ của ông cực kỳ độc sáng. Ông vận dụng kiến thức lịch sử sâu rộng một cách có hệ thống của nước ta để lý giải hiện trạng và giải pháp cho dân tộc, khác hẳn với những người đồng thời. Ông cho rằng: “Không thể nhìn Việt Nam một cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước nhất là với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế”. Bằng phân tích sắc bén và khoa học lịch sử nước ta ông đã nhận ra một “căn bệnh” trầm kha và khó nhận diện của dân tộc ta là tinh thần bài ngoại và vọng ngoại, vừa tự tôn lại cũng vừa tự ti. Và ông cho rằng căn nguyên của nó là lối học từ chương khoa cử mà ông gọi bằng từ “bát cổ”. Cái tinh thần đó kéo dài do không hiểu hết ý của tiền nhân thay vì “hòa hoãn” để phát triển thì lại ỷ lại, dựa dẫm! Từ nhận định trên ông mới đưa ra đường lối đấu tranh bất bạo động, “ỷ Pháp cầu tiến bộ”.
Tác phẩm này cho thấy Phan Châu Trinh là người trực ngôn nhất trong số những người Quảng trực ngôn. Dù rất thương và kính trọng Phan Bội Châu nhưng ông không ngần ngại “phê phán” một cách thẳng thừng, đôi khi rất nặng nề chủ trương đường lối của Phan Bội Châu. Ông cho rằng: “Phan Bội Châu là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm. Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi…” (trang 17). Ngoài ưu điểm trên Phan Bội Châu lại có một nhược điểm chết người: “Tiếc thay ông ấy học thức nông cạn, không rõ thời thế, thích dùng quyền thuật, tự dối mình và dối người, đầu óc ngoan cố khăng khăng không chịu thay đổi... Chủ nghĩa phục thù cực đoan của Phan Bội Châu thật ngoan cố và sai lầm cùng cực, đã không hợp lý luận, không hợp thời thế mà lại còn đẩy đồng bào vào chỗ chết, ông ta là người có lòng yêu nước nhưng không biết cách thương nước” (trang 17)!
Đây là tác phẩm mà ông chia sẻ nhiều tâm sự: “Tôi dẫu tuy được tha, bị ném trong xó góc để dễ kiểm soát, tâm sự ngổn ngang. Tôi rất thẹn với người bạn quá cố là Tiến sĩ Trần Quý Cáp...” (trang 15).
“Lịch sử cuộc đời của Phan Bội Châu là một trang sử u sầu ảm đạm, một lịch sử đầy gian truân vất vả. Lịch sử của ông cũng là lịch sử đời tôi. Tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, nhưng ý kiến không giống nhau và chủ nghĩa thì khác hẳn. Bởi vậy ban đầu thì thương nhau mà cuối cùng thì xa nhau, trước là bạn mà sau là địch... Tôi sở dĩ bất chấp sống chết, đụng chạm tới kỵ húy nhằm hô hào người trong nước cũng vì ông ấy. Tôi thất bại chẳng còn chút gì, đồng chí bạn bè bị tù đày hay phải hy sinh đầy rẫy, và cho tới nay cũng vì ông ấy mà tôi hãy còn bị nghi kỵ và không giải bày tâm sự được” (trang 17).
“Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại” (trang 21).
Đây là tâm sự của ông cũng là lời tự thú về sự bất lực và nỗi cô đơn của mình. Hậu thế đọc lại, vừa khâm phục mà cũng vừa đau xót!