Vị đốc học đầu tiên của Quảng Nam
Phải đến thời nhà Nguyễn, việc học ở Quảng Nam mới thực sự đi vào nền nếp và được sự điều hành bởi các vị đốc học do triều đình bổ nhiệm. Trong số 17 vị đốc học của “đất học” Quảng Nam, Trương Công Thúy là người đầu tiên và cũng là người duy nhất không xuất thân từ hàng “đại khoa” của khoa cử!
Bia Lễ Dương huyện nhân vật bi chí, vinh danh Trương Công Thúy. |
Giáo dục Quảng Nam thời nhà Nguyễn
Từ thời nhà Lý, việc học hành và thi cử ở nước ta đã có. Nhưng lúc đó Quảng Nam vẫn chưa trở thành lãnh thổ Đại Việt. Phải từ năm 1471, Quảng Nam mới thực sự sáp nhập vào Đại Việt nhưng đây là vùng đất mới dân cư còn rất thưa thớt, di dân, định cư, khai thác và hòa nhập mới là nhiệm vụ hàng đầu.
Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1775), “các chúa không lập trường đại học công mà để dân gian tùy ý lập trường tư dạy học” (Phan Khoang - Lịch sử xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, tr.500). Mặt khác: “Họ Nguyễn chuyên giữ một phương chỉ mở thu thí (thi Hương), chuyên dùng lại tư, không chuộng văn học nên ít thu thái được người tuấn dị… Người đậu thu thí bắt đầu làm tri phủ, tri huyện chỉ coi việc kiện tụng rồi làm ký lục coi việc thuế khóa, những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến còn bọn hậu học tiểu sinh cũng không thấy nuôi dưỡng, tác thành” (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, dẫn lại của Phan Khoang trong sđd, tr.503). Hơn nữa, lúc này Quảng Nam vẫn là vùng “biên viễn”, chỉ tập trung vào việc nội trị, kinh tế và quốc phòng. Vì vậy dưới thời này việc học hành thi cử ở Quảng Nam mang tính tự phát nên chỉ có lác đác vài người đỗ Hương tiến (cử nhân) như Lê Cảnh, Phạm Hữu Kính (1700 - 1758)… mà thôi. Phải đợi đến thời nhà Nguyễn (1802-1945) việc học hành thi cử ở Quảng Nam mới đi vào quy củ và mới bắt đầu khởi sắc. Suốt 100 năm khoa cử dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 15 tiến sĩ, 24 phó bảng và 257 cử nhân, được liệt vào danh sách các vùng “đất học” của cả nước (xếp thứ 6 trong số 21 địa phương thời đó).
Cũng như các tỉnh khác việc học của cả tỉnh Quảng Nam được giao cho một vị đốc học, vị này có hàm chánh ngũ phẩm trở lên; kiêm luôn chức đốc giáo (hiệu trưởng) của trường đại học duy nhất của tỉnh (còn gọi là trường đốc, trường tỉnh). Trường Đốc Quảng Nam được xây dựng năm Gia Long thứ nhất (1802) đặt ở xã Câu Nghê đến năm Minh Mạng 16 (1835) thì dời về làng Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Ở 3 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa và Hà Đông có 3 trường phủ được xây dựng năm 1824, do giáo thụ đảm trách. Trường phủ Điện Bàn đặt ở làng La Qua sau dời về làng Tư Phú. Trường phủ Thăng Bình đặt ở làng Hà Lam (thị trấn Hà Lam); trường phủ Hà Đông đặt tại xã Chiên Đàn (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Tại các huyện có trường huyện do huấn đạo phụ trách. Trường huyện Hòa Vang (1824) đặt ở làng Khuê Trung (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ); trường huyện Duy Xuyên (1824) đặt tại xã Trà Kiệu (Duy Sơn), sau dời về xã Mỹ Xuyên (thị trấn Nam Phước); trường huyện Quế Sơn (1836) đặt tại xã Mông Nghệ (Quế Phú). Trường huyện Đại Lộc (1900) tại xã Đông Lâm (thị trấn Ái Nghĩa).
Vị đốc học đầu tiên
Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan trong bài Các ân sư ở trường Đốc Thanh Chiêm đăng trên trang nhà Quảng Đức, số ngày 20.5.2017 cho biết tại trường Đốc Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn có tất cả 17 vị đốc giáo (hiệu trưởng), cũng là vị quan lo việc giáo dục ở một tỉnh, đó chính là quan Đốc học. Đó là 17 vị: Trương Công Thúy, Nguyễn Duy Hiệp, Đinh Phiên, Nguyễn Viết Triêm, Trần Trỗi, Bùi Sĩ Tuấn, Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Dục, Trịnh Xuân Thưởng, Nguyễn Tạo, Đặng Văn Kiều, Nguyễn Đình Tựu, Hoàng Vỹ, Trần Đình Phong, Hồ Trung Lượng, Nguyễn Mậu Hoán, Đinh Văn Chấp. Trong đó, người Quảng Nam 8 vị, Nghệ An 5, Thanh Hóa 1, Hà Tĩnh 1, Bắc Ninh 1 và Thái Bình 1. Nhiều vị rất nổi tiếng, sau này trở thành Tế tửu Quốc tử giám (Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia duy nhất cả nước đặt tại kinh đô) như Nguyễn Dục, Nguyễn Đình Tựu, Trần Đình Phong. Vị Đốc học đầu tiên là Trương Công Thúy (Trương Công Diêu) người Quảng Nam và vị đốc học cuối cùng là Đinh Văn Chất người Nghệ An.
Trương Công Thúy (Bia ở Văn thánh huyện Lễ Dương lại ghi là Trương Công Diêu), không rõ năm sinh, năm mất. Ông người làng Hưng Thạnh Tây, tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương (nay là thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), là người có văn tài uyên bác, từng làm quan ở Hàn lâm viện (văn phòng nhà chúa) dưới thời Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1776). Khi bị quân Trịnh và quân Tây Sơn tấn công hai phía, Duệ Tông bỏ Phú Xuân rồi Quảng Nam chạy vào Gia Định, Trương Công Thúy theo tả quân Nguyễn Cửu Dật phò nhà chúa. Đến Quy Nhơn gặp gió lớn tàu bị lật, Nguyễn Cửu Dật chết, ông thoát được vào bờ ẩn náu. Sau đó trở về lại quê nhà, rồi tìm cách vào Gia Định nhưng bất thành. Khi nhà Tây Sơn hưng khởi có mời ông ra tham chính nhưng ông từ chối. Để tránh sự dòm ngó của nhà Tây Sơn ông giả làm người nát rượu, suốt ngày say sưa. Quan quân nhà Tây Sơn tưởng thật gọi ông là “Túy cuồng”. Nhờ thế ông được yên thân.
Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông được vời về kinh tham gia soạn điển lệ và dự lễ tế Nam Giao. Sau đó ông được bổ Đốc học dinh Quảng Nam. Học trò ông nhiều người thành đạt. “Ông là người có khí tiết, văn chương học vấn sâu rộng, trong triều ngoài nội thảy đều trọng vọng” (Lời khắc trên bia Văn thánh huyện Lễ Dương). Sau khi chết ông được truy phong thụy hiệu là Khiêm Thận, tước Gia Hoằng Tín đại phu.
Con trai ông là Trương Công Phát được bổ giữ chức Tri huyện Du Xuyên, một thời gian xin cáo quan về phụng dưỡng cha già. Cháu ông là Trương Công Đạo đỗ cử nhân từng giữ chức Tri phủ Hoằng Trị (Bến Tre), lập được nhiều công trạng, nhất là trong việc thu phục các dân tộc thiểu số.
Sau này hậu duệ của ông có Trương Bá Huy, đỗ tú tài năm 1906, không chịu tiếp tục khoa cử mà tham gia phong trào Duy tân (1904 - 1908) ở địa phương, là người lãnh đạo cuộc biểu tình kháng thuế ở Hà Lam, Thăng Bình năm 1908, bị bắt đày Côn Đảo cùng một lượt với Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi được trả tự do (1914) lại tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, bị bắt đày Lao Bảo và hy sinh tại đây.
Trương Công Thúy là một trong hai nhân vật (người thứ hai là Đệ nhất Ngũ hổ tướng Gia Định, Nguyễn Văn Trương) được khắc tên trên bia Lễ Dương huyện nhân vật bi chí dựng ở Văn thánh huyện Lễ Dương (Khi văn thánh bị phá, bia được lưu giữ tại tiền hiền làng Hà Lam, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình).
LÊ THÍ