Người giữ thổ cẩm làng

SONG ANH 10/09/2017 08:11

Một người đàn bà vóc dáng bé nhỏ, nhưng đã gần 20 năm ròng rã đeo đuổi duy nhất mỗi chuyện: giữ lấy những vuông thổ cẩm của làng. Chị cứ vậy, thầm thĩ từng bước đi, dầu ở phố, hay ở làng của đồng bào mình…

Nguyễn Thị Kim Lan - người giữ lấy thổ cẩm làng mình. Ảnh: Thành Công
Nguyễn Thị Kim Lan - người giữ lấy thổ cẩm làng mình. Ảnh: Thành Công

Nguyễn Thị Kim Lan, từ một cô gái Cơ Tu lặn lội xuống phố với hàng chục sản phẩm thổ cẩm làng mình, bây giờ đã là một người bà với hai ba đứa cháu, một chủ nhiệm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Zara. Và có hề gì, khi tuổi tác chỉ làm mình già đi, chứ chưa làm mình mệt mỏi với cái nghề, cái nghiệp của làng, của đồng bào Cơ Tu mình. Chị nói vậy, thì tôi, dù bận nào ở ngày hội văn hóa tại phố Hội hay tại Tam Kỳ, thậm chí Đà Nẵng, cũng gặp chị, đôi lúc chỉ kịp chào nhau bằng một cái gật, nhưng đủ để an tâm rằng, người đàn bà này vẫn còn mê… nghề.

1. Đôi lúc trong các cuộc hội, nhìn chị loay hoay với gian hàng thổ cẩm của mình, lại thấy khâm phục vô cùng người phụ nữ của miền sơn cước. Kim Lan lặng lẽ và kiệm lời, chưa bao giờ chị kể về bản thân mình. Ngay cả những cuộc đi ngược xuôi để tham gia hội chợ này triển lãm kia, người hoạt ngôn sẽ thấy ở đó bao nhiêu cơ hội để… “đánh bóng” tuổi tên mình. Nhưng chị vẫn luôn luôn thường hằng một cái tên Zara ngay khi bắt đầu câu chuyện. Trong đôi mắt sâu và luôn ẩn hiện một nỗi buồn, có vẻ như vậy, một nốt lặng xuống trong chính ánh nhìn của mình, Nguyễn Thị Kim Lan hồ như chưa từng kể với ai về những câu chuyện của làng mình. Về một thời đoạn mà hầu như những khung cửi dệt chỉ để treo cao trên giàn bếp. Rồi bụi phủ, khói ám đen cả. Về cái buổi mà người Cơ Tu chỉ biết lên rẫy và sinh con. Về cái xa xôi ngút ngàn mà khi gọi lên cái tên, tưởng chừng Zara ở đâu lưng chừng triền núi phía tây xứ Quảng. Nhiều đêm mất ngủ. Vì lo. Nguyễn Thị Kim Lan nói cả gia đình mình, đàn bà ai cũng biết dệt. Như một trăng trối ngầm của người trước với người sau. Như cái mặc định rằng sinh ra là đàn bà Cơ Tu mà không biết dệt thổ cẩm, thì có lỗi với làng, với người trên. Nhưng mỗi ngày khi đường sá tiện lợi hơn, điều kiện tiếp xúc với người đồng bằng dễ dãi hơn, thì những bộ trang phục truyền thống càng ít được mặc hơn. Những khung dệt bị vứt vào một xó. “Hồi ấy, mình sợ đến một ngày nào đó, phụ nữ Cơ Tu sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu sẽ bị lãng quên” - Nguyễn Thị Kim Lan nói.

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, chị đi đến quyết tâm không để nghề dệt bị mai một. Chị đi đến từng nhà để động viên những người phụ nữ trong làng trở lại với khung dệt. Mưa dầm thấm lâu, sau nhiều tháng ngày kiên trì vận động, thuyết phục, nhiều phụ nữ Cơ Tu trong làng Zara đã đồng ý quay lại với khung dệt. Người phụ nữ Cơ Tu này dũng cảm và đủ hiểu biết để nhận ra rằng, thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình cần phải được “xuống núi”. Và một cuộc đi ngoạn mục từ làng Zara (Ta Bhing, Nam Giang) ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ… đã được thực hiện ngay sau khi chị vận động được hơn 30 chị em của Ta Bhing quay lại với khung cửi. Khi ấy, chị vừa một mình lặn lội tìm thị trường cho sản phẩm, vừa tự học những cách thức tiếp thị. Những động thái tích cực của người phụ nữ này phần nào đó đã có tác dụng. Năm 2003, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ cho chính quyền huyện Nam Giang một khoản kinh phí để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Và Zara của Nguyễn Thị Kim Lan đã được chọn bởi những nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm khởi đầu từ người đàn bà này. Cuộc hành trình của chị, ban đầu đơn độc, nhưng càng đi, những bước chân lại càng nhận được nhiều sự ủng hộ, của người thân, của rất nhiều những người đàn bà Cơ Tu coi khung dệt như là sinh mệnh mình.

2. Những bảng màu theo một kiểu rất lạ, theo từng ngón tay người phụ nữ sơn cước, cho ra nhiều loại hoa văn. Và cuốn hút đến lạ kỳ. Xuôi về phố, rồi tính ra cả những ngày ngược dốc - theo đúng nghĩa đen, đi xa lắm, xa cả chốn mình ngụ mấy đường rừng, để mời những người già chắc tay về dạy cho lớp phụ nữ trẻ. Chuyện của Nguyễn Thị Kim Lan không trầm đều hay lặng lờ như đôi mắt buồn của chị. Cứ nhẩn nha cùng chị vài buổi, dẫu mỗi buổi chuyện trò cách nhau có khi hàng tháng trời, khi cả năm, thì dư âm vẫn còn rung lên. Nhìn cách chị vuốt cho thẳng thớm từng sợi chỉ, rồi ngồi thật thẳng lưng giữa khung dệt, như cái kiểu một người phụ nữ Việt đang gắng rướn thân mình giữ một dáng đi thật chuẩn trong chiếc áo dài. Tôi liên tưởng kỳ lạ vậy, bởi khi chạm vào thổ cẩm, Kim Lan lại mang một phong thái quý bà. Một người phụ nữ lam lũ rẫy nương nhường cho một con người sáng tạo và yêu đến vô cùng những vuông thổ cẩm. Người ta nói nhiều đến âm nhạc và văn chương miền núi, những điệu vũ dâng trời, những người đàn ông giỏi bắn cung kể chuyện huyền thoại. Nhưng những người đã tác tạo nên những phận đời mới, để sống giàu hơn một số phận hữu hạn, để đi nhiều hơn đôi chân có thể, trải rộng hơn không gian đời người, phá những quy luật cũ để thả mình vào một thế giới mới, thì lại ít được gọi tên. Bao nhiêu năm, Nguyễn Thị Kim Lan vẫn dè dặt là một nghệ nhân dệt thổ cẩm Cơ Tu, làm sống lại một hình thái sinh hoạt truyền thống - rằng một vuông thổ cẩm kia trong những buổi chợ phiên là cả một niềm tự hào của những người phụ nữ ở làng. Mà hình như, chị cũng không đủ tinh thần lãng mạn và xâu chuỗi hay sắp đặt câu chuyện để biến mình thành một gốc đại thụ. Chỉ khiêm nhường là một người đàn bà dệt thổ cẩm. Và luôn đi trước về sau trong những cuộc hội văn hóa có sự tham gia của làng dệt thổ cẩm Zara.

Bao giờ cũng vậy, gian hàng dệt thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu – Zara thu hút rất đông người đến chiêm ngưỡng và tham gia mua bán. Thổ cẩm Zara không bó buộc ở những vuông vải truyền thống, mà đã có thêm nhiều sản phẩm ứng dụng với mẫu mã không thua kém các mặt hàng thời trang truyền thống của nhiều dân tộc khác. Các loại túi xách, vật dụng trang trí trong nhà… đều được các chị biến tấu bằng thổ cẩm. Và những hoa văn cùng sắc màu Cơ Tu đã theo chị Lan đến nhiều gian hàng triển lãm, từ Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội và bây giờ, thổ cẩm Zara đã có mặt tại Nhật Bản, Mỹ, Úc. Và dĩ nhiên, giá tính bằng USD. Bây giờ, không còn chỉ là câu chuyện của bảo tồn nghề truyền thống hay ổn định kinh tế các gia đình, mà tự thân mặt hàng này, đã trở thành một sản phẩm xuất khẩu. Nguyễn Thị Kim Lan bây giờ tự tin nói rằng, những phụ nữ Cơ Tu đang tiếp tục nỗ lực vì một tương lai tốt hơn cho chính mình, cho con em mình và cho cộng đồng mình, bằng chính nghề truyền thống từ bao đời nay. Nhiều người ám ảnh về những loại hoa văn, nói đây là sự kiêu hãnh của một nền thời trang. Aldegonde van Alseno – nhà thiết kế người Bỉ, bị mê hoặc bởi những hoa văn do đôi tay người phụ nữ Cơ Tu tạo ra. Bà quay trở lại Việt Nam, ngược núi hàng chục chuyến, để mang về phố Hội một thương hiệu thời trang lấy cảm hứng từ những vuông thổ cẩm của nhiều ngôi làng người Cơ Tu. Thì vậy, mới thấy để say mê một cái đẹp, cần phải hiểu cái đẹp ấy chất chứa những gì.

Bây giờ thì, sau nhiều năm dài dựng cho được một cái tên - hay tạm gọi “một thương hiệu” - thổ cẩm Zara, thì Nguyễn Thị Kim Lan, vẫn chưa dừng hết nỗi âu lo của mình. Bởi còn đó, sự cạnh tranh khốc liệt của những hàng may sẵn, giá rẻ, phân phối tận nơi, còn hàng thủ công truyền thống của người đồng bào - lần nào, ở đâu, cũng bị đưa lên đặt xuống, cò kè so bì từng mức giá. Mặc nhiên, khi người tìm đến với thời trang không phải ai cũng hiểu giá trị của một ngày dài bên khung cửi dệt. Cuộc chơi của thị trường, hẳn còn nhiều khốc liệt hơn. Nhưng con đường nắng gắt vẫn còn đó những ngả rẽ khác nhiều bóng cây, chỉ cần người đủ bền bỉ… Thì biết vậy, nhưng hình như, từ sau Nguyễn Thị Kim Lan, chưa có người đàn bà Cơ Tu nào đủ mạnh mẽ và can đảm bảo vệ đến cùng giá trị của vuông thổ cẩm làng mình…

SONG ANH

SONG ANH