Ông quan chống thi gian

LÊ THÍ 19/03/2016 19:00

Hồ Lệ nổi tiếng không chỉ vì là một trong 12 vị khoa bảng của Đại Lộc, được sinh ra trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam mà còn vì biệt danh “ông quan chống thi gian”.

Hồ Lệ được ghi tên trên bia tưởng niệm Trường An (Đại Quang, Đại Lộc). Ảnh: LÊ THÍ

Tộc Hồ ở làng Phú Mỹ, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc là một trong sáu gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam thời phong kiến với một phó bảng và 4 cử nhân. Người mở đầu cho khoa bảng của gia đình này là Hồ Hằng Tánh. Cháu nội của Hồ Hằng Tánh có hai người đỗ cử nhân là Hồ Lệ, (đỗ khoa Canh Ngọ 1870) và Hồ Lãm (đỗ khoa Giáp Thân 1884). Sau này con trai của Hồ Lệ có hai người đỗ cử nhân là Hồ Mậu, đỗ khoa Ất Mão 1915 và Hồ Ngận đỗ khoa Mậu Ngọ 1918 - khoa thi Hương cuối cùng của Nho học nước ta.

Làm quan mà chẳng ăn tiền…    

Trong gia đình danh giá này, Hồ Lệ là người nổi tiếng nhất. Ông tự là Trạch Hữu, hiệu Kim Khanh, biệt hiệu là Song Mỹ, sinh năm 1848. Lúc nhỏ nổi tiếng văn hay chữ tốt. Khi học ở trường Đốc, được thầy giáo biệt đãi cho ngồi riêng một chiếu nên có câu truyền tụng Hoàn võ tích tằng cư biệt tịch (Nơi trường học được ngồi riêng một chiếu). Năm Canh Ngọ 1870, ông thi đỗ cử nhân. Năm 1875, thi Hội, bài thi đạt điểm cao nhưng bị bắt lỗi khiếm trang nên không đỗ tiến sĩ.

Hồ Lệ trải qua nhiều chức vụ từ Hành tẩu, Lang trung, Biện lý... lên đến các chức vụ quan trọng như Tổng đốc, Thượng thư. Dưới triều Thành Thái ông giữ chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên), An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), rồi về triều làm Đô Ngự sử, Thương biện Nha Kinh lược, Thượng thư Bộ Binh, Bộ Công. Ông là vị quan nổi tiếng thanh liêm, cương trực và hết sức nghiêm túc từ cách ăn mặc cho đến ngôn ngữ và hành vì. Trong triều thường truyền câu: “triều Lệ, các Lân” để nói về hai vị quan người Quảng nghiêm túc hàng đầu của triều đình và nội các. Còn trong dân gian thì truyền khẩu câu “Làm quan mà chẳng ăn tiền/ Như ông Hồ Lệ, chẳng phiền một ai”. Nhờ uy tín, ông được vua Thành Thái cử giữ chức Đô Ngự sử, có nhiệm vụ đàn hặc quan lại và can gián nhà vua nhằm giữ nghiêm phép nước. Đây là công việc đòi hỏi một người không những phải có đức trung chính, uy tín mà còn phải có bản lĩnh mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Suốt cuộc đời làm quan, ông chưa bao giờ nhận quà cáp của ai. Gặp ngày lễ, tết ai đem quà biếu dù chỉ là trà rượu ông cũng đều từ chối, tìm mọi cách trả lại. Trong công việc ông luôn chí công vô tư. Khi làm Tổng đốc Bình Phú, nhận thấy tộc Hồ ở làng Phú Văn, phủ Hoài Nhơn là cội gốc tộc Hồ của mình nhưng ông giả vờ không biết, mãi cho đến khi rời nhiệm sở về kinh nhận chức vụ khác, ông mới đến nhận bà con và cúng một bức trướng cùng 100 quan tiền. Ông bảo, nếu biết có người trong tộc họ làm quan có thể có kẻ xấu lợi dụng để ức hiếp dân lành.

Dù làm quan dưới triều phong kiến và bị thực dân Pháp o ép, Hồ Lệ vẫn luôn thể hiện lòng yêu nước qua việc ngầm ủng hộ những người yêu nước. Khi làm tổng đốc An Tĩnh, ông đã nhiều lần làm ngơ với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Vì việc này ông bị quở trách và giáng một cấp. Sau này, chính Hồ Lệ đã ngầm phổ biến tác phẩm Lưu cầu huyết lệ thư của Phan Bội Châu. Điều này được Phan Bội Châu kể lại trong tác phẩm Tự phán của mình.

Ông quan chống thi gian

Nhưng có lẽ Hồ Lệ nổi tiếng nhất nhờ luôn ra mặt chống đối tên Việt gian  Nguyễn Thân và cương quyết trừng trị bọn thi gian.

Hồ Lệ là một trong số ít quan lại luôn ra mặt chống đối Nguyễn Thân. Khi tên Việt gian này dẫn quân đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, đến đâu y cũng bắt quan địa phương đem rượu thịt ra chiêu đãi quân lính của mình, nhưng khi gặp Hồ Lệ thì đừng hòng có một giọt rượu. Y rất căm nhưng chỉ biết găm trong bụng chờ dịp trả thù. Và một lần khi con trưởng của Hồ Lệ đi qua trước dinh của Nguyễn Thân mà không xuống ngựa, y đã bắt giam đòi chém đầu. Ý của Nguyễn Thân muốn Hồ Lệ phải đến quỳ lụy xin tha cho con, nhưng Hồ Lệ làm ngơ. Cuối cùng Nguyễn Thân cũng phải thả con ông ra.

Ông cũng từng chơi khăm Nguyễn Thân một vố đau điếng. Vào năm 1902, khi Nguyễn Thân lộng hành, gây sự với Hoàng Cao Khải nên cả hai bị bãi chức và người thay thế Nguyễn Thân lại chính là Hồ Lệ. Ngay ngày bàn giao công việc, tối đó Hồ Lệ đã khăn áo chỉnh tề đến an ủi Nguyễn Thân. Tên Việt gian này phải ngậm bồ hòn làm ngọt để  khen Hồ Lệ là người tốt nhưng thực ra y rất “hận” và “ngán” sự “thâm nho” của ông thượng thư người Quảng. Sau này nhiều người vẫn so sánh sự kiện này với việc Khổng Minh đi viếng đám tang Chu Du thời Tam Quốc.

Về việc chống thi gian, chuyện kể, năm 1903, dưới triều Thành Thái có tên Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân. Tuy nhiên, chuyện gian lận của y đã không qua được mắt ông Viện trưởng Viện Đô sát Hồ Lệ nên học vị cử nhân của y bị tước bỏ.

Lê Tấn là con nhà giàu ở Nghệ An, kỳ sát hạch ở tỉnh không đỗ nên không được đi thi Hương. Y vào Huế, chạy chọt được vào học chữ Pháp tại trường Quốc học và nhờ trường Quốc học làm hồ sơ đi thi Hương khoa Quý Mão (1903). Đến ngày thi, y thuê một người thi thế và thi đỗ. Ngày xướng danh, đích thân Lê Tấn đi lãnh áo mão. Các sĩ tử, nhất là những người quê ở Nghệ An, biết rõ Lê Tấn không thi mà lại đỗ cao (thứ 11/32) nên rất bất bình.

Chuyện đến tai Viện trưởng Viện Đô sát Hồ Lệ và ông tấu ngay lên nhà vua xin tổ chức sát hạch lại. Ông cho tổ chức hội đồng sát hạch ngay trong Viện Đô sát với thành phần giám khảo gồm cả 6 vị thượng thư. Đề thi do sáu vị Thượng thư ra tại chỗ.  Mặc dù gia đình Lê Tấn chạy lo lót khắp nơi kể cả các bà phi trong nội cung, vua Thành Thái cũng có ý muốn giúp đỡ cho đỗ mạt hạng cử nhân (đỗ chót bảng) nhưng với sự cương quyết “giữ nghiêm phép nước” của Hồ Lệ bằng lời tâu đanh thép: “Tên Lê Tấn mà đỗ cử nhân thì thần không còn mặt mũi nào đứng giữa triều đình. Như thế công luận sẽ ra sao và thí pháp tương lai sẽ tệ hại đến thế nào”. Vì thế cả triều đình từ nhà vua cho đến 6 vị thượng thư đều đồng ý loại Lê Tấn khỏi danh sách trúng tuyển khoa thi Hương năm đó. Đời sau vẫn xưng tụng ông là “Vị quan chống thi gian”.

Hồ Lệ mất năm 1905, khi mới 58 tuổi. Vua Thành Thái thương tiếc, sắc phong ông chức “Vinh Lộc Đại phu trụ quốc Hiệp biện Đại học sĩ”. Mộ ông hiện ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Ngày nay Hồ Lệ được vinh danh, ghi tên trên bia truyền thống tại Đền Tưởng niệm Trường An ở Đại Lộc.

Nói về ông người đời sau thường ca ngợi:

Bao nhiêu tiền bạc cũng không
Việc công ta cứ phép công ta làm.

LÊ THÍ

LÊ THÍ