Gương mẫu như già Bríu Roon
“Nói đi đôi với làm” là phương châm của già làng Bríu Roon ở thôn Nal (xã Lăng, Tây Giang) trong việc vận động bà con thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Già Roon đã hiến gần 2ha đất gồm ruộng, vườn, hoa màu có giá trị cả tỷ đồng cho địa phương san ủi mặt bằng tái định cư và xây dựng nông thôn mới.
Gần 10 năm trước, để làm gương cho bà con trong thôn xóm cùng giúp sức với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, già Bríu Roon tiên phong hiến đất, hoa màu gần 1ha để lấy mặt bằng làm nơi tái định cư mới. Cuối năm 2012, khi xã Lăng phát động xây dựng nông thôn mới, lại một lần nữa già Roon nhượng mảnh đất nơi căn nhà đang ở cùng vườn tược, hoa màu, gồm vườn quế hơn 2 nghìn cây, ruộng, ao cá… cho địa phương. “Đất để tái định cư đó nguyên là vườn cây của tôi gồm 2 nghìn cây quế, sau đó lấp luôn cả vườn cây ở nhà cũ. Nhà nước đã có chủ trương tốt như thế thì mình phải ủng hộ, đóng góp cho Nhà nước thôi” - già Roon cho biết.
Ngày trước, gia đình già Roon cũng như bao gia đình trong vùng, nghèo và đông con. Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, gia đình già Roon cố gắng khai hoang đất của bố mẹ để lại, trồng trọt và phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình già Roon ngày càng khá lên. Không chỉ làm kinh tế cho riêng mình, già còn chia sẻ, vận động con cháu, hàng xóm cố gắng học tập, chăm chú làm ăn để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Để làm gương, trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương, già Roon luôn là người tiên phong. Với cách làm của già Roon, địa phương cũng như bà con trong vùng luôn dành sự yêu mến và kính trọng. Bà Coor Thị Bhat (thôn Nal, xã Lăng) cho biết: “Bà con ở xóm làng này có ai mà không biết về việc làm ý nghĩa của già Bríu Roon chứ. Gia đình già hiến đất để làm gươl, san ủi mặt bằng… Ông cũng vận động bà con chúng tôi cùng làm để xây dựng bản làng ngày càng đẹp hơn”. Còn ông Nguyễn Khoa Vẽ - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng thì nói: “Về điển hình hiến đất ở xã thì nhiều lắm. Nhiều nhất là gia đình già làng uy tín Bríu Roon ở thôn Nal. Gia đình ông cũng vừa hiến đất để xây chợ. Thậm chí ông còn di dời nơi ở cũ từ lâu đời nay để sang nơi ở mới, để nhường đất cho xã mà không đòi hỏi tiền đền bù. Địa phương thì chỉ vận động bà con, dân quân giúp di chuyển nhà cửa thôi. Trước đây, gia đình ông đã hiến diện tích mặt bằng của cả thôn Nal đang sinh sống hiện nay, bây chừ hiến cả ruộng vườn…”.
Ở cái tuổi ngoài 70, vợ chồng già Roon sống dựa vào đồng lương bệnh binh hằng tháng. Việc phát triển kinh tế, hoa màu trước nay già Roon đảm đương giờ nhường phần cho con cháu làm. Hiện gia đình già Roon có trong tay 1,5ha cao su, 1ha keo, vườn lòn bon hơn 400 cây, các loại cây như mít, tre điền trúc, 2 ao cá, ruộng và rẫy hơn 20 ang giống. Bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình già Roon từ 60 - 70 triệu đồng. Tuy không nhiều, nhưng ở xã vùng biên giới còn nhiều khó khăn như xã Lăng, để có được nguồn thu nhập ổn định như già Roon không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, già Roon mong muốn bà con phải cố gắng làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
HIỀN THÚY