Người con gái Châu Sơn

THÁI MỸ 15/01/2015 08:59

Những năm 1960, mảnh đất xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn sục sôi phong trào góp gạo nuôi quân, che giấu cán bộ, du kích địa phương để tấn công diệt ác, trừ gian. Xác định đây là địa bàn trọng điểm của Việt cộng nên ngày đêm địch mở các đợt lùng sục, tiến hành chiến dịch bình định “ba sạch”, tức là diệt sạch, đốt sạch và phá sạch. Nhà cửa, ruộng vườn nơi đây bị đạn bom cày xới, tiếng pháo của địch từ căn cứ núi Bồ Bồ suốt ngày gầm rú, đe dọa, hủy diệt màu xanh ở Điện Tiến. Máu của đồng bào, chiến sĩ nơi đây tuôn chảy bởi súng đạn kẻ thù. Để uy hiếp lực lượng cách mạng, có lúc chúng tăng cường lên cứ điểm Bồ Bồ hàng nghìn quân, chủ yếu là bộ binh và pháo binh để càn quét, bắn phá. Mới 9 tuổi, cô bé Hồ Thị Phương đã chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương của những cơ sở cách mạng, sự hy sinh của 3 người chú ruột và người anh trai là Hồ Công Châu. Hồ Thị Phương dồn nén nỗi đau, nuôi quyết tâm một ngày nào đó được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù cho quê hương, người thân. Trong một đêm giữa mùa lũ năm 1966, đang nằm ngủ cạnh mẹ là bà Nguyễn Thị Cẩn, Phương thỏ thẻ hỏi: “Cha con đi đâu hả mẹ? Các chú, các bác của xã mình tập trung đánh giặc đông lắm mà không thấy ba?”. “Suỵt, có im cái miệng đi không. Bọn mật báo nó rình nghe được thì mẹ con mình bị chúng bắt tra tấn, con chịu được không?” - bà Cẩn ấn tay vào trán Phương thì thầm.

Bia di tích ghi lại nội dung chiến công tiêu diệt địch của nữ chiến sĩ Hồ Thị Phương tại ngã tư Chợ Cồn TP.Đà Nẵng. Ảnh: THÁI MỸ
Bia di tích ghi lại nội dung chiến công tiêu diệt địch của nữ chiến sĩ Hồ Thị Phương tại ngã tư Chợ Cồn TP.Đà Nẵng. Ảnh: THÁI MỸ

Dứt lời, bà Cẩn ngồi dậy, nhẹ nhàng bước ra phía trước đẩy tấm cửa phên căng mắt xem có kẻ xấu nào rình mò, dòm ngó không. Ngoài trời mưa rả rích, ở phía núi Bồ Bồ thỉnh thoảng vọng về những tiếng ì ầm và vụt lên cao những quả pháo sáng của địch để bảo vệ căn cứ rồi bóng đêm lại bao phủ đặc quánh. Biết không có kẻ xấu rình rập, bà quay vào ngồi xuống chiếc chõng tre nói đủ để cho Phương nghe: “Hồi trước cha con tham gia đánh Pháp. Năm 1954 ổng tập kết ra Bắc. Trước khi đi, cha con nói với mẹ là 2 năm nữa sẽ quay về, thế mà 12 năm rồi chẳng nghe tin tức chi. Thôi kệ, mẹ con mình cứ theo cách mạng rồi sẽ có ngày đất nước thống nhất. Mẹ nuôi giấu bộ đội, du kích còn con theo dõi địch để báo cho các chú, các bác biết. Rứa là được rồi”. Khi Hồ Thị Phương tròn 12 tuổi đã dắt trâu ra đồng chăn để có điều kiện theo dõi tình hình của địch rồi bí mật báo cho du kích xã. Từ những thông tin Phương cung cấp, du kích xã và bộ đội huyện đã phối hợp tổ chức đánh bất ngờ hàng chục trận, tiêu diệt nhiều binh lính, làm cho địch hoang mang, khiếp sợ.

Một ngày đầu năm 1968, bước sang tuổi 17, Hồ Thị Phương tìm gặp ông Trí - Bí thư Đảng ủy xã Điện Tiến nài nỉ: “Bác Trí ơi! Bác cho con thoát ly cầm súng để trả thù cho đồng bào mình, góp công sức với các chú, các bác giải phóng quê hương”. “Thì từ trước đến nay con cũng tham gia cách mạng rồi đó. Mỗi người có nhiệm vụ riêng mà cháu. Từ từ cái đã, vội chi” - ông Trí nhìn Phương buông giọng.

Hàng ngày cứ gặp ông Trí là Hồ Thị Phương xin thoát ly và không bao lâu sau ông cũng chiều theo ý chị. Thấy Hồ Thị Phương là cô gái mới lớn ở nông thôn nhưng da dẻ trắng trẻo, ăn nói dịu dàng lại thông minh, lanh lợi nên lãnh đạo Ban An ninh đặc khu Quảng Đà đã bố trí chị vào lực lượng trinh sát của Ban An ninh quận 3, Đà Nẵng. Phương vô cùng phấn khởi, bởi từ đây chị đã có thể thực hiện được những hoài bão, ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình. Là một chiến sĩ an ninh, chị hoạt động bí mật nhưng cũng có khi hóa trang dưới nhiều dạng và hoạt động ngay trước mặt quân thù. Có lúc chị giả dạng làm người “đi ở” cho một gia đình khá giả để theo dõi mạng lưới mật vụ, thám báo tại địa bàn quận 3, nắm chắc quy luật hoạt động của chúng rồi báo cáo với lãnh đạo tìm cơ hội tấn công. Chính vì vậy, Hồ Thị Phương thường xuyên ra vùng của cách mạng kiểm soát để nhận chỉ thị của cấp trên rồi lại lọt sâu vào hang ổ sào huyệt của địch trong nội thành. Qua công tác nắm tình hình và thu thập được nhiều thông tin tuyệt mật của địch, chị cùng với các trinh sát tổ chức đánh táo bạo, bất ngờ 6 trận, tiêu diệt 9 tên ác ôn nguy hiểm ngay trong thành phố. Trong đó có trận đánh “huyền thoại” tại ngã tư Chợ Cồn vào chiều ngày 9.2.1971 tiêu diệt tên Trưởng ban mật vụ Nha Cảnh sát Vùng I chiến thuật và 2 sĩ quan an ninh ngụy.

Bị thiệt hại nặng nề, địch nghi có trinh sát an ninh được cài cắm từ bên trong nên tung lực lượng vây ráp. Cuối cùng chúng cũng có thông tin về lai lịch Hồ Thị Phương nhưng không thể biết mặt mũi chị thế nào. Vào buổi sáng sau một trận đánh vang dội 3 ngày, lực lượng cảnh sát ập vào ngôi nhà chị đang ở giúp việc tại khu An Cư 3, phường An Hải Đông bắt chị đẩy lên xe đưa về Ty Cảnh sát Gia Long tra tấn, xét hỏi. Một tên cảnh sát giận dữ, quát tháo: “Mày tên gì? Có phải Hồ Thị Phương không?”. “Dạ, Phương mô em đâu có biết. Em tên là Phấn mà”. Chị bình tĩnh trả lời rồi chìa tấm thẻ căn cước có in sờ sờ ảnh mình. Viên cảnh sát hết nhìn ảnh trong thẻ rồi nhìn vào mặt chị, sau đó phải thả về. Hóa ra, trước khi được cắm vào nội thành, Ban An ninh quận 3 đã làm giả cho chị tấm thẻ căn cước với cái tên Hồ Thị Phấn để đối phó với kẻ thù khi lâm vào tình huống khó khăn.

Thấy có nguy cơ bị lộ nên lãnh đạo ban sau đó quyết định rút Phương ra tuyến ngoài. Một thời gian sau, người con gái đầy mưu trí, sáng tạo và giàu lòng yêu nước của thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến đã vĩnh viễn chia xa gia đình, đồng đội trong một trận đánh tại vùng B Đại Lộc vào tháng 6.1972. Máu của chị đã hòa cùng dòng máu đỏ tươi của dân tộc để ươm mầm xanh độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.

THÁI MỸ

THÁI MỸ