Duy tân bằng con đường ngôn luận
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nếu gọi cho đúng, Phan Khôi là một nhà báo, nhà tư tưởng, nhà văn viết nghị luận, hơn là một nhà thơ - tác giả bài “Tình già” khởi đầu phong trào Thơ mới thế kỷ XX. Viết báo là công việc ông chọn làm cả đời để đấu tranh cho sự tiến bộ của dân tộc.
Khi còn trẻ, Phan Khôi đã tham gia phong trào Duy tân, được Phan Châu Trinh đưa ra Bắc để làm việc ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng trường bị giải tán quá sớm. Rồi Phan Khôi bị bắt, ngồi tù 3 năm vì vụ án “xin xâu” ở Quảng Nam. Về sau, do người cha phiền lòng vì chỉ có ông là con trai độc nhất, Phan Khôi đành chọn con đường làm dân thường, và tham gia công cuộc duy tân theo khả năng của riêng mình: viết báo. Vì thế, có thể nói tất cả tư tưởng và hoài bão cải đổi xã hội của Phan Khôi đều thể hiện qua các trang báo. Ông là một nhà duy tân bằng con đường ngôn luận.
Về làm báo, chỉ tạm nói 2 vấn đề chính mà ông tập trung nêu ra trong suốt sự nghiệp của mình: ông là người đầu tiên nói về ảnh hưởng kìm hãm của Khổng giáo ở Việt Nam (bắt đầu bằng một loạt bài năm 1929 trên tờ Thần Chung) và cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên nêu ra vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ, từ năm 1929, chủ yếu trên báo Phụ nữ Tân văn.
Ông vạch ra rằng, đạo Nho của Khổng Tử đã chi phối tư duy chính trị của hầu hết giới cầm quyền và quan chức Việt Nam, khiến đất nước chìm trong “đêm trường Trung cổ” lạc hậu, làm cho dân tộc đến khi gặp chủ nghĩa thực dân thì rất dễ bị nô dịch, khống chế. Phan Khôi khẳng định: xã hội trung đại Việt Nam và châu Á, Đông Á nói chung, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX gặp làn sóng Âu hóa do chủ nghĩa tư bản thực dân đưa tới, một cách cưỡng bức, đặt ra nhiều vấn đề mới. Không những phải thay đổi tư tưởng, bỏ qua phần lớn những giáo lý, tín điều Nho giáo để hướng về thực nghiệp, thực học, mà còn phải thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội và con người, hướng theo trào lưu tiến bộ. Một trong số đó là phải nâng cao vai trò của người phụ nữ lên ngang bằng với nam giới trong xã hội Việt Nam, nếu không thì nhiều mặt thuộc giáo dục gia đình và sinh hoạt xã hội sẽ mãi mãi lạc hậu, cùng với một nửa dân số là nữ giới tiếp tục bị kỳ thị. Cũng chính Phan Khôi đã phỏng vấn và tập hợp ý kiến của các nhân vật có ảnh hưởng như Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khắc Hiếu, Đạm Phương… về vấn đề phụ nữ và đăng lên báo Phụ nữ Tân văn, cuộc trưng cầu mà Phan Khôi tổ chức và viết tổng luận.
Có thể nói, Phan Khôi là nhà tư tưởng đầu tiên ở Việt Nam thế kỷ XX nêu ra vấn đề nữ quyền.
Nói đến cách làm báo, cũng có thể gọi Phan Khôi là “columnist” - nhà bình luận, đảm nhận thường xuyên một cột báo. Vị trí này còn khó hơn nhà báo thông thường. Nhưng cũng phải lưu ý là đương thời thực dân, Phan Khôi và phần lớn nhà báo người Việt không được làm loại báo chí thời sự chính trị theo kiểu đưa tin và bình luận các sự kiện “nóng”. Ông chủ yếu chỉ bình luận sau sự kiện, mà cũng thiên về các vấn đề “dài hơi” thuộc về văn hóa - xã hội.
Mặc dù vậy, phải ghi nhận là cách làm báo thời đó đã tạo ra những nhà báo có dấu ấn cá nhân đậm nét như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Tản Đà... Mỗi tên tuổi một dấu ấn. Còn báo chí thời nay, nghiêng về tính tập thể, mờ đi những gương mặt và tên tuổi.
MI LY