Chuyện về chiến sĩ Phan Dính

QUỐC TUẤN - VĂN MẾN 05/04/2018 09:47

Trên hành trình tìm về những địa chỉ đỏ một thời khói lửa, chúng tôi đến làng Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn). Ở mảnh đất cách mạng kiên trung từng bị địch đánh phá ác liệt này, chúng tôi được nghe câu chuyện về chiến sĩ Phan Dính -  người thiếu niên chăn trâu dũng cảm thuở nào.

Di tích đồn Trảng Nhật, nơi Phan Dính thường trà trộn vào để lấy súng của địch.  Ảnh: Q.TUẤN
Di tích đồn Trảng Nhật, nơi Phan Dính thường trà trộn vào để lấy súng của địch. Ảnh: Q.TUẤN

Theo lời kể của những nhân chứng sống hôm nay, mảnh đất Điện Thắng nói chung, làng Phong Lục nói riêng, là địa phương nổi tiếng với phong trào chiến tranh du kích. Mà lực lượng làm nên nhiều trận đánh táo bạo bất ngờ đó lại là những chiến sĩ anh dũng mới chỉ tuổi thiếu niên. Họ còn sắm vai những đứa trẻ chăn trâu, bắt ốc, hái rau làm nhiệm vụ thu thập tin tức, nắm bắt tình hình địch để báo cáo với tổ chức. Đồng thời tham gia tháo gỡ, rồi gài bẫy các loại mìn khiến bọn tay sai, ác ôn kinh hoàng, khiếp vía. Trong phong trào chiến tranh du kích ấy, nổi bật là người dũng sĩ thiếu niên Phan Dính, một con người lanh lợi, tài ba, “thoắt ẩn thoắt hiện” trước quân thù.

Phan Dính sinh năm 1954, ở làng Phong Lục Tây, đến năm 14 tuổi đã gia nhập Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1968, Mỹ lập ra vành đai điện tử McNamara để bảo vệ  Đà Nẵng. Phan Dính và các anh ở cùng trong đội du kích mật của ban chỉ huy xã đội như Lê Quyến, Đỗ Bốn, Đỗ Năm, Trần Phước Hiệp, Lê Tự Nhất Thống lúc đó vừa chăn trâu vừa làm nhiệm vụ giao liên cho tổ chức. Nhiệm vụ hàng ngày của đội là theo dõi địch ở đồn Trảng Nhật và Tiểu đoàn 51 đóng ở đồn nhà ông Hoan vùng 19, đồn An Tự. Địch lập nên các đồn này để bảo vệ vành đai, chế ngự đường liên lạc của quân ta ra hoạt động vùng ven. Lúc bấy giờ, giữ thế hợp pháp trong vai đi chăn trâu, Phan Dính thâm nhập bờ rào điện tử để gỡ mìn ba càng và mìn díp mà địch thường đặt để phục kích quân ta.

Nhờ chăn trâu sát vành đai và do thám được mọi hành động, kế hoạch của địch nên Phan Dính nắm rõ nhiều thông tin, biết địch đặt mìn ở đâu, mai phục quân ta ở đoạn nào... Mọi thông tin nắm được, Phan Dính lập tức báo cáo về ban chỉ huy. Nhờ được báo tin trước, phía ta đã không mắc vào tử huyệt địch lập sẵn nên đội công tác xã ít bị tổn thất. Không những thế Phan Dính còn trà trộn vào đồn binh lính Mỹ ở Trảng Nhật giả bộ đi cắt cỏ, chăn trâu nhưng thực chất là tận dụng địch sơ hở để lấy súng đạn rồi bỏ lẫn vào rác để ngụy trang, chờ cơ hội địch không để ý đem về cho đồng đội. Dần dần số lượng súng đạn Phan Dính lấy về càng nhiều lên, đủ hỏa lực để ta đánh địch trong khi chờ viện trợ vũ khí.

Do cho trâu ăn sát khu vực đồn địch nên Phan Dính để ý thấy bọn địch thường chia làm hai tốp, mỗi tốp 13 - 15 tên kể cả chỉ huy, lập bệ phóng để tập bắn vào lúc sáng sớm. Sau nhiều lần quan sát, nhận định tình hình, Phan Dính nghĩ ra cách đặt mìn tự tạo làm tiêu hao sinh lực địch lúc chúng tập bắn. Nghĩ là làm, Phan Dính về báo cáo lại với người trực tiếp chỉ huy là Xã đội trưởng Đỗ Phúc. Sau khi lên kế hoạch, anh Phúc tạo một quả mìn tự chế và mọi thứ chuẩn bị xong. Lợi dụng đêm tối và bọn địch chủ quan không canh gác, Phan Dính cùng Lê Quyến dẫn đường cho anh Phúc thâm nhập cài mìn tại nơi địch tập bắn. Sáng hôm sau, khi quân Mỹ vào vị trí tập bắn như thường lệ, chúng giẫm lên mìn ta đã cài sẵn, một tiếng nổ long trời, trung đội tập bắn bị tiêu diệt gần hết. Theo những nhân chứng là người dân trước đây sống ở gần khu vực tập bắn, sau trận đó địch bỏ luôn tập bắn vào mỗi ngày.

Năm 1969, có mấy tên lính của Tiểu đoàn 51 đang dã ngoại ở khu vực Thanh Tú Trên. Nhanh dạ, lựa thế, Phan Dính liền cướp một cây súng của địch rồi vác chạy một mạch xuống Thanh Tú Dưới. Khi địch đuổi theo bắn, Phan Dính giương cao cây súng vừa chạy vừa hô to: “Tau đã cướp súng của tụi bây và bắn vào đầu tụi bây để trả thù cho bà con dân làng tau”. Bị cướp súng trên tay mà không làm gì được, bọn địch tức tối ráo riết truy lùng Phan Dính. Chúng len lỏi cào bới từng ngóc ngách hòng bắt cho bằng được Phan Dính để xử tội. Như vậy là thế hợp pháp của Phan Dính đã bị bại lộ. Trước sự dũng cảm tinh nhanh của Phan Dính, lãnh đạo xã quyết định đưa anh vào đội du kích tập trung xã để hoạt động cách mạng như một chiến sĩ thực thụ. Trong những năm tháng chiến đấu của mình, Phan Dính có 2 lần được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ và một danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng.

Đến năm 1972 trong một trận chống càn ác liệt của địch, Phan Dính anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một vài giờ sau khi trận càn kết thúc, quân và dân ta tìm thấy thi thể Phan Dính trong một bụi rậm, hai chân anh bị dập nát nhưng tay vẫn ôm cây súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Đến giờ, khi kể lại sự hy sinh của chiến sĩ trẻ Phan Dính, bà Nguyễn Thị Tân, lúc ấy là Bí thư Đoàn xã Điện Thắng, bỗng lặng người đi, hai tay ôm lấy mặt như cảnh tượng đó chỉ mới xảy ra, rồi run run lấy tay lau nước mắt. Phan Dính đã hy sinh nhưng những câu chuyện và hình ảnh về anh vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Phong Lục.

QUỐC TUẤN - VĂN MẾN

QUỐC TUẤN - VĂN MẾN