Hết lòng phục vụ thương binh
Khi Trần Việt Sỹ chưa bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng thì bị bắt quân dịch, được cho đi học lớp y tá. Tình hình ở Kỳ Xuân (Tam Giang, bao gồm Tam Hòa sau này, huyện Núi Thành) lúc bấy giờ vô cùng đen tối, bốn bề còn đồn bốt địch bao vây, các cấp chính quyền địch từ huyện, xã đến liên gia, ấp luôn theo dõi, o ép, hù dọa, Trần Việt Sỹ biết chắc sớm muộn gì cũng sẽ bị đưa ra chiến trường. Đang lúc lo lắng thì vào một đêm mưa gió tháng 10.1959, Trần Việt Sỹ bắt được liên lạc với Huyện ủy Tam Kỳ và quyết định chia tay gia đình dấn thân vào con đường cách mạng, dẫu biết rất nhiều cam go, thử thách, kể cả mất mạng. Được sự cho phép của Tư Chuyển (Võ Ngọc Hải), Út Nết đưa 17 anh em thanh niên, trong đó có Trần Việt Sỹ, bí mật rời xã Kỳ Xuân lên chiến khu. Trần Việt Sỹ cùng anh em đi suốt đêm, gần sáng thì dừng nghỉ tại một trạm bên bờ suối. Sau đó người ở trạm đưa anh em đến trú tạm tại một chòi canh rẫy của đồng bào dân tộc ở hố Hạ, thuộc nóc ông Bổn, rồi hôm sau lên nóc ông Quang ở hố Thượng, dưới chân núi Chúa. Anh em ở lại đây, mỗi người được phát 3m vải kaki để làm võng và đưa giấy bút bảo viết tờ khai lý lịch. Nghe nói cơ quan huyện ủy gần đó, nhưng anh em không được vào, khi chưa cho phép. Tuy nhiên, được tin anh em đã lên đến nơi thì ông Mười Chấp (Đỗ Thế Chấp) đến thăm hỏi, tiếp đó các ông Ngô Nghiên, Tư Chuyển, Nguyễn Hữu Hồ đều ghé lại thăm, nói chuyện, động viên. Nghỉ ngơi một tuần, mọi người họp nghe cán bộ huyện ủy phổ biến yêu cầu nhiệm vụ, thông báo tình hình, giới thiệu địa hình và việc ăn ở đi lại, nói năng, với tinh thần tuyệt đối bí mật và hết sức cảnh giác. Sau đó, tất cả rời trại đi theo giao liên suốt một ngày đường thì đến một nơi gọi là H21. Đây là nơi đào tạo anh em học chính trị và tập quân sự trong 3 tháng. Chỉ huy H21 là đồng chí Trần Kim Anh, có đồng chí Hiếu tham gia chỉ huy lớp học. Sau này, đồng chí Trần Kim Anh là Đại tá, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam.
Cơ quan của H21 có hai dãy lán trại ở trên một khu đất bằng, trong rừng già, cây cao vút, rậm rịt và nằm trên bờ con suối nước trong veo. Anh em được bố trí ở trong một trại làm bằng lá cây sơn, có cái sạp bằng tre lồ ô. Đây là khu vực thuộc thôn Sáu xã Trà Nú, huyện Trà My.
Sau khi nắm lý lịch, chỉ huy H21 biết Trần Việt Sỹ là một y tá của quân đội Sài Gòn, khi bị bắt đi quân dịch, được Quân y Sài Gòn đào tạo, đạt trình độ y tá cấp hai, nên đơn vị giao Trần Việt Sỹ cho Nguyễn Tấn Dũng là Y tá trưởng nhận về bộ phận y tế của đơn vị để tận dụng khả năng và kèm cặp giúp đỡ về chuyên môn cũng như chính trị. Ngoài các giờ học chính trị và quân sự, Trần Việt Sỹ cùng với Nguyễn Tấn Dũng phục vụ, trao đổi về chuyên môn y tế để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho anh em trong đơn vị. Toàn đơn vị hầu hết là thanh niên từ đồng bằng lên, mới sáp với núi rừng, ăn uống thiếu thốn và kham khổ nên sau một thời gian thì anh nào cũng nếm mùi sốt rét. Thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho anh em trong đơn vị ngày một nhiều, nhất là với đồng bào dân tộc, vì vậy, đồng chí Trần Kim Anh gọi Nguyễn Tấn Dũng và Trần Việt Sỹ trao đổi nên tổ chức mở một lớp đào tạo ý tá là con em của đồng bào dân tộc trong thời gian hai tháng để khi ra lớp họ có thể trực tiếp chăm sóc cho bà con của mình, không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe cho bà con, còn tranh thủ bày cho bà con biết cách ăn ở sạch sẽ, biết giữ vệ sinh, còn giúp bà con hiểu không phải cúng tế, lạy trời, lạy thần núi, thần rừng mà hết bệnh được.
Nguyễn Tấn Dũng và Trần Việt Sỹ bố trí nhiều thời gian đi xuống các nóc liên hệ và bàn với già làng đưa được 6 con em đồng bào dân tộc, gồm 2 nam 4 nữ, lên học lớp y tá. Đào tạo lớp học viên y tá này là một kỳ công, vì hầu hết mới chỉ biết đọc biết viết. Do đó, không ghi chép nhiều mà chủ yếu là truyền đạt bằng lời cho học viên nghe và thực hành cho họ thấy. Bằng nhiệt huyết của các thầy, và bằng quyết tâm của người học, chỉ sau thời gian ngắn, học viên đã biết điều trị các chứng bệnh thông thường hay xảy ra… Điều đặc biệt của lớp học này là buổi sáng nào khi đến lớp học viên cũng mang theo rau, sắn để góp chung với đơn vị trong bữa ăn trưa.
Tài liệu cho lớp học được ghi chép từ những kiến thức còn lưu trong trí nhớ của Nguyễn Tấn Dũng và Trần Việt Sỹ, rồi giảng cho học viên. Nguyễn Tấn Dũng lo khâu lý thuyết cơ bản, Trần Việt Sỹ hướng dẫn học viên thực hành như băng bó, xử trí vết thương, tiêm chích. Ngoài ra, lớp học còn tổ chức cho học viên sưu tầm sử dụng một số cây thuốc Nam, hướng dẫn cách đỡ đẻ những trường hợp dễ và chăm sóc hài nhi. Sau hai tháng, học viên được về lại nóc để trực tiếp chăm sóc sức khỏe phục vụ bà con. Trạm y tế của H21 vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ với những học viên này để giúp đỡ hướng dẫn thêm về chuyên môn, khi gặp các trường hợp nặng, khó thì trực tiếp đến tận nóc hỗ trợ cứu chữa cho bà con, qua đó giúp học viên sau này ngày càng nâng cao tay nghề, chăm sóc y tế cho bà con trong thôn bản tốt hơn.
Sau khóa học quân sự và chính trị tại H21, đến tháng 2.1960, cả 15 thanh niên thoát ly ngày trước được chia đi mấy cánh. Trần Việt Sỹ được đưa về cơ quan của Huyện ủy Tam Kỳ, phụ trách y tế. Y tế của huyện Tam Kỳ lúc đó chỉ có một Trần Việt Sỹ, không có bơm tiêm, không nhiệt kế, không có cả bông băng, chỉ có một ít thuốc viên và thuốc ống, thuốc cảm. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho anh em trong cơ quan huyện ủy, lúc bấy giờ mới có hơn 10 người, một đội sản xuất ở cách cơ quan huyện ủy hơn nửa ngày đi bộ, với 6 anh em, Trần Việt Sỹ còn tham gia phục vụ y tế cho trung đội vũ trang của huyện mới được thành lập gồm 20 chiến sĩ. Một thời gian sau, qua đề nghị của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Hồ rồi sau đó là ông Mười Chấp, Khu ủy 5 chi viện thuốc và cử anh em cán bộ từ miền Bắc vào mang thuốc theo thì giao cho y tế để sử dụng chung, ngoài ra còn liên hệ mua từ thị xã Tam Kỳ lên.
(Còn nữa)
HỒ DUY LỆ