Đức Bố, lịch sử đã ghi tên
Chi bộ Đức Bố được thành lập vào năm 1937, đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Tam Anh (cũ). Vào năm 1950, thôn Đức Bố (nay là thôn Đức Bố 2, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II. Những sự kiện quan trọng ấy đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến và được lịch sử ghi tên.
Cánh đồng Cát ở Đức Bố 2 đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất của người dân. Ảnh: Đ.NGỌC |
Chi bộ Đảng đầu tiên ở Tam Anh
Tháng 8.1933, Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được thành lập tại khu rừng Định Phước (Tam Nghĩa). Tháng 6.1934, Phủ ủy tổ chức hội nghị tập trung thảo luận, thống nhất đề ra chủ trương phát triển tổ chức đảng, tổ chức quần chúng và tăng cường công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Trên cơ sở đó, cuối năm 1934, đồng chí Nguyễn Phùng - Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ liên lạc với một số thanh niên ở Đức Bố, Diêm Phổ, Lý Trà nhằm thống nhất phương thức hoạt động và chỉ đạo các tổ Cứu tế đỏ chú trọng đến việc xây dựng lực lượng quần chúng cốt cán trong hội viên để tiến đến thành lập các chi bộ Đảng… Ngày 20.6.1937, thầy giáo Trần Xưng dạy học ở Trường Tư thục An Phú (Đức Bố) đứng ra thành lập Chi bộ Đức Bố (mật danh là Mặt). Chi bộ Đức Bố lúc bấy giờ có 5 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đụng làm Bí thư. Tuy thành lập muộn hơn so với một số địa phương khác trong phủ Tam Kỳ nhưng Đức Bố là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Tam Anh. Trong những năm 1937-1943, nhiều chi bộ Đảng ở phủ Tam Kỳ bị bại lộ, riêng Chi bộ Đức Bố đã kịp chuyển hướng hoạt động, khẩn trương rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng. Những năm sau đó, Đức Bố là lá chắn vững chắc để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đứng chân lãnh đạo phong trào đấu tranh góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ông Ung Nho Khánh, sinh năm 1928, hiện ở tại thôn Đức Bố 2 (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) cho biết, đầu những năm 1940, Chi bộ Đức Bố đã thành lập được tổ Cứu tế đỏ; thành lập và chỉ đạo Tổ phản đế hướng dẫn nhân dân đấu tranh không bán đậu phụng, không nộp lúa tình thương, quỹ đảm phụ quốc phòng cho địch, chống lý hương chiếm đoạt ruộng đất, đòi công bằng trong việc đấu giá công điền, phản đối việc bắt thanh niên đi lính cho Nhật… Từ đó tạo được thanh thế cho tổ chức đảng, góp phần xây dựng Đảng không ngừng lớn mạnh trên các lĩnh vực.
Nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh
Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công , Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Đức Bố nhanh chóng được thành lập. Thời gian này địch tăng cường đàn áp, hàng chục đảng viên và quần chúng cốt cán bị địch bắt, đày đi các nhà tù, gây tổn thất rất lớn cho cách mạng. Tuy bị uy hiếp tinh thần cách mạng nhưng các đảng viên của chi bộ vẫn bền bỉ tổ chức hoạt động, cùng nhân dân nuôi giấu, chở che cán bộ cấp trên về đứng chân chỉ đạo phong trào… Cuối năm 1949, Đức Bố được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II. Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, chi bộ, chính quyền Đức Bố đã phát động phong trào “toàn dân tuyệt đối giữ bí mật”; chỉ đạo các lực lượng xã đội, công an, an ninh và dân quân tự vệ tập trung canh gác, bố phòng, bảo vệ an ninh nghiêm ngặt xung quanh khu vực diễn ra đại hội. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các tổ chức hội, đoàn thể huy động nhân dân tham gia đốn tre, cắt tranh làm hội trường, đào hầm trú ẩn, đóng góp nhu yếu phẩm...
Sau hơn 5 tháng chuẩn bị mọi điều kiện, sáng 21.2.1950 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II chính thức khai mạc tại đình làng Đức Bố; đến chiều 2.3.1950, Đại hội bế mạc, đảm bảo an toàn, tuyệt mật. Sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, tại đình làng Đức Bố tiếp tục được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các huyện Hòa Vang, Điện Bàn và Đại hội Xã ủy lâm thời Tam Anh lần thứ I. Cũng tại đình làng Đức Bố đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, văn hóa cho cán bộ chủ chốt của các địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bá - Xã đội trưởng Tam Anh giai đoạn 1950-1954, hiện ở tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) là thành viên của lực lượng được giao nhiệm vụ làm công tác bảo vệ an ninh phục vụ các đại hội, kể: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II tại Đức Bố có đồng chí Dương Bạch Mai - Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Phó ban MTTQ Việt Nam về dự, chỉ đạo đại hội. Đồng chí đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị, cũng như công tác bảo vệ an ninh, đảm bảo an toàn tuyệt mật cho đại hội”.
Trên đường phát triển
Sau khi hòa bình lập lại, Đức Bố chỉ còn những đống tro tàn đổ nát, ruộng đồng hoang hóa, dịch bệnh hoành hành, đói nghèo, khó khăn chồng chất… Nhưng với truyền thống anh hùng cách mạng, cán bộ và nhân dân Đức Bố nhanh chóng bắt tay vào việc tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, đắp đập đưa nước vào đồng ruộng. Chẳng bao lâu những chân ruộng lúa rợp một màu xanh, những cánh đồng bắp, sắn, khoai dài tăm tắp. Sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo. Bên cạnh đó, Đức Bố đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, điện sinh hoạt… tạo điều kiện để người dân được học hành, chăm sóc y tế, nâng cao đời sống. Đến năm 2008, thôn Đức Bố được chia tách thành 2 thôn Đức Bố 1 và Đức Bố 2; trong đó đình làng Đức Bố thuộc thôn Đức Bố 2. Toàn thôn Đức Bố 2 hiện có 257 hộ với 1.014 nhân khẩu; địa phương đã vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện chỉ còn 2,9%...
Về Đức Bố 2 hôm nay, chúng tôi đi trên những con đường bê tông rợp bóng cây xanh với những ngôi nhà kiên cố nằm dọc hai bên… Sự trù phú đã đến với vùng đất từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. “Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đang tham mưu các ngành liên quan của huyện và tỉnh sớm xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với đình làng Đức Bố. Đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng tại đây các thiết chế cần thiết để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ” - ông Trần Sỹ Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Anh Bắc chia sẻ.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC