Vùng ký ức không phai
Cuối năm 1967, tôi đã học hết cấp II ở vùng kháng chiến, trong lúc đang chuẩn bị để ra Bắc tiếp tục học tập thì được lệnh “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.
Tác giả (bên trái) trao lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhân dân Kỳ Anh sử dụng trong cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân cho ông Nguyễn Nay - Giám đốc Bảo tàng tỉnh. |
Sau đêm làm lễ tốt nghiệp cấp II (lớp 7, hệ 10 năm) ở Trường cấp II Nguyễn Văn Trỗi tại thôn Kim Đới xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), những bạn lớn tuổi, có sức khỏe tốt đăng ký tham gia bộ đội, còn tôi trở về địa phương vào Đội du kích thiếu niên. Lúc này Đảng ta chủ trương “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ở miền Nam sang một thời kỳ mới: thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Với tinh thần đó, nhân dân hai thôn Thanh Đông và Tĩnh Thủy (cũng có người gọi là Tỉnh Thủy - TS) cùng với các thôn trong xã Kỳ Anh hăng hái chuẩn bị mọi nguồn lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy sắp tới. Ở xã, lực lượng đấu tranh chính trị được biên chế thành trung đội, mỗi trung đội có lực lượng vũ trang xã đi kèm hỗ trợ, còn ở mỗi thôn lực lượng đấu tranh chính trị được chia theo các hội - đoàn thể, lực lượng vũ trang, chủ yếu là du kích bảo vệ. Được quan tâm hơn cả là Đội du kích thiếu niên, các thành viên luôn hăng hái, nhanh nhẹn trong mọi công việc được giao. Trong công tác hậu cần, với nòng cốt là Hội phụ nữ và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, chỉ trong thời gian ngắn, mỗi gia đình đã chuẩn bị đủ số lượng gạo, mắm, cá khô và vật dụng cần thiết khác phục vụ cho chiến dịch. Chuẩn bị đón Tết Mậu Thân 1968, số lượng bánh tét, bánh khô các loại được nhà nhà làm nhiều hơn so với tết những năm trước, trong đó chủ yếu phục vụ cho chiến dịch…
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, cuộc tiến công và nổi dậy năm nào cũng vừa tròn nửa thế kỷ, và với tôi, Tết Mậu Thân 1968 mãi là vùng ký ức - một ký ức không bao giờ phai nhạt. |
Chiều 30 Tết, độ khoảng 6 giờ tối, đoàn lực lượng đấu tranh chính trị của thôn Thanh Đông và thôn Tĩnh Thủy vượt sông Trường Giang qua Kim Đới rồi tiến về tập kết tại bờ sông Bàn Thạch thuộc thôn Mỹ Cang, xã Kỳ Anh (thường gọi là Bến Lội vì nơi đây mỗi khi nước cạn bà con lội qua được), cách đường 1 gần 2km, cách tỉnh lỵ Quảng Tín 4km. Chúng tôi đến sớm hơn dự định và ngồi chờ theo đoàn ở những ngôi nhà bị hư hỏng do bom Mỹ bắn phá hoặc dưới những bụi cây để khỏi bị máy bay địch thả pháo sáng phát hiện, mắt luôn hướng về phía quân lỵ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín chờ tín hiệu nổ súng của quân giải phóng. Tại đây, Ban chỉ đạo chiến dịch bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ cho từng đoàn, mỗi thôn một đoàn do Trưởng thôn và Mũi trưởng phụ trách; mỗi đoàn phân công người cầm cờ, băng rôn, khẩu hiệu; lực lượng du kích vũ trang làm nhiệm vụ yểm trợ; đội viên thiếu niên được phân công cầm cờ hòa bình vì cho rằng tuổi trẻ là tượng trưng cho hòa bình và yêu chuộng hòa bình… Ai cũng tự hào, vinh dự khi được cấp trên giao nhiệm vụ. Công việc đâu vào đấy, chỉ còn chờ lệnh xuất phát là sẵn sàng tiến về quận lỵ Tam Kỳ.
Đúng ra giờ nổ súng của bộ đội đặc công từ bên trong là lúc 0 giờ (đúng giao thừa) và sau đó là các binh chủng phối hợp tác chiến từ bên ngoài vào; nhưng mãi đến 4 giờ 30 phút sáng mồng Một Tết (ngày 1.2.1968) các đơn vị đặc công mới nổ súng đánh vào mục tiêu đầu não của quận lỵ Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Tín. Sau khi nghe tiếng súng nổ, đồng thời được lệnh xuất phát, nhân dân từ các xã kéo về Tam Kỳ, thủ phủ của chính quyền ngụy ở Quảng Tín. Đoàn người của xã Kỳ Anh trong đó có hai thôn Tĩnh Thủy và Thanh Đông vượt sông Bàn Thạch, rầm rập tiến về quận lỵ Tam Kỳ.
Khi đoàn quân vượt qua sông Bàn Thạch, đội hình được sắp xếp theo hàng ngũ chỉnh tề của từng thôn với băng rôn, khẩu hiệu. Đầu tiên là cờ hòa bình (nền xanh, ở giữa có hình chim bồ câu trắng), rồi cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (nền xanh đỏ, sao vàng), tiếp sau là băng rôn khẩu hiệu cùng biển người băng qua cánh đồng trơ trụi nơi tranh chấp (một bên là vùng giải phóng, một bên là vùng địch chiếm) tiến về tỉnh lỵ Quảng Tín. Đoàn người cách đường 1 chừng nửa cây số thì bị bọn địch chốt giữ ở cống Sụp, cầu Ông Hiền, cầu Bà Dụ trên quốc lộ bắn chặn lại. Đầu tiên chúng bắn thị uy nhưng đoàn người vẫn hiên ngang xông lên, sau đó bọn chúng bắn thẳng vào đoàn người làm một số người chết và bị thương. Không nao núng, người trước ngã, người sau xông lên, đoàn người vẫn giữ vững đội hình, miệng luôn hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước! Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tiếng hô át hẳn tiếng súng của địch đã thôi thúc tinh thần mọi người tiếp tục tiến lên. Hoảng sợ, bọn địch hèn hạ bắn thẳng vào đoàn người một cách dã man làm nhiều người thương vong.
Trời lúc này đã sáng, bọn địch tăng cường lực lượng và dã tâm sát hại đoàn người xuống đường. Nhận được lệnh cấp trên, biết tình thế không thuận lợi, Ban chỉ đạo cho đoàn người rút lui; cờ, băng rôn, khẩu hiệu, ảnh Bác Hồ của người nào người đó giữ cẩn thận để chuẩn bị cho những cuộc nổi dậy tiếp theo. Riêng tôi đem giấu lá cờ có hình chim bồ câu trắng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hết sức bí mật. Do chôn cất quá lâu, hơn nữa lúc chôn bảo quản không cẩn thận nên bị thấm nước, hai lá cờ xuống cấp trầm trọng. Tôi có ý định giữ hai lá cờ để làm kỷ niệm, được một thời gian thấy không thể bảo quản lâu dài nên năm 2014 tôi tặng Bảo tàng tỉnh làm hiện vật, nghiên cứu và trưng bày.
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, cuộc tiến công và nổi dậy năm nào cũng vừa tròn nửa thế kỷ, và với tôi Tết Mậu Thân 1968 mãi là vùng ký ức - một ký ức không bao giờ phai nhạt.
LINH VƯƠNG