Cuộc trùng phùng kỳ diệu (Tiếp theo kỳ trước)
Tin liên quan
|
Mấy năm thử thách trong môi trường khắc nghiệt, đã có chút già dặn, từng trải, biết cái cực cái chết, nhưng nghe thằng Dương lý lẽ, Cát không biết nói sao cho phải. Chẳng lẽ nói ra với đứa em mới vừa thoát ly những điều chỉ có lợi cho mình, cho gia đình mình trong lúc tinh thần cách mạng của nó đang dạt dào, trong lúc mọi người đang tập trung sức cho công cuộc kháng chiến. Cát ngập ngừng: “Em ở lại cũng được, công tác ít năm rồi ra Bắc, nhưng cơ hội rất ít, chiến tranh khói lửa mịt mù”.
Đêm ấy Cát, Dương treo võng sát nhau. Dương kể cho anh Bốn Cát nghe chuyện nhà, chuyện quê:
- Sau khi anh Bốn thoát ly, địch đánh phá vào thôn biển Tỉnh Thủy nhỏ bé và cả vùng đông Tam Kỳ vô cùng dữ dội. Ngày nào chúng cũng hành quân càn quét. Bọn biệt lập ác lắm, nó chà xát vùng đông nát bét. Du kích thôn, xã chạm trán địch hàng ngày; nhà cửa, ghe mành cháy trụi, người chết liên miên. Chết đủ kiểu, du kích chiến đấu hy sinh, địch càn tới giết, bom thả, pháo cân tới chết... Anh tính cái làng trong sông ngoài biển, một rẻo cát như cái tay áo vắt ngang, toàn cát là cát trống trơn, địch chặn hai đầu thì chạy đi đâu. Trong cái thế đó mà dân, du kích mình vẫn bám trụ, giữ vững vùng giải phóng từ năm 1964 đến nay đã bốn năm. Vùng đông Tam Kỳ như cái gai chọc vào mắt bọn ngụy ở Tỉnh đường Quảng Tín. Thêm nữa vùng đông Quảng Nam, trong đó có thôn biển, xã biển mình nằm ngay trục đường không vận Đà Nẵng - Chu Lai. Bọn Mỹ bay trên trời nhìn xuống vùng giải phóng nằm dọc bờ biển, tức lắm, súng đạn nhiều chúng đâu chịu để yên. Máy bay HU1A, trinh thám L.19 bay sát bờ biển, chúng chọc tức nhưng du kích đâu dám bắn, đụng đến là nát làng, là máu trộn cát. Ca nô địch chạy sát chớn sóng bổ, du kích cũng đâu dám động thủ, hắn gọi pháo hạm đội tấp vào chết hết dân. Bọn chúng lấy dân làm con tin, đụng đến là cứ dân mà giết, cứ làng xóm mà oanh tạc. Rứa mới thiệt khó cho bộ đội, du kích. Khi chúng càn tới, du kích coi bộ đánh được thì choảng một trận, không xong thì chui hầm. Quê mình còn đào địa đạo sâu trong lòng đất, du kích B của bọn em cũng tham gia đào. Địa đạo luồn lách dưới lòng đất, tạo thế vừa ẩn náu vừa có thể triển khai đánh địch. Trong một hệ thống địa đạo liên hoàn, địch ở đầu này ta trồi lên đầu khác lựa thế tiến công... Nhưng địa đạo bí mật lắm, em chỉ biết một vài chỗ phân công mình phụ trách cảnh giới, không thể biết nhiều được. Mấy năm nay địa đạo chưa bao giờ bị lộ, thế mới là kỳ diệu. Như rứa ta mới trụ vững được tại vùng đông.
Đánh không trốc được Việt cộng ra khỏi vùng đông, trong đó có cái thôn biển Tỉnh Thủy nhỏ xíu, địch tức lắm. Trong hai năm 1966, 1967 Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến trút bom xuống làng mình. Vào một ngày của tháng 6.1966, từ sáng mãi đến tối hết loạt máy bay này đến loạt máy bay khác, chúng quần đảo, chúi xuống ngóc lên hàng trăm lần, trút bom hủy diệt. Chúng thả càn quét đến mức bà ngoại mình nằm dưới hầm khấn vái cho hai cái nhà ngói của bà, của mẹ sập trớt. Bởi máy bay trinh thám thấy còn một mái nhà là xi nhanh phản lực thả bom hủy cho bằng được. Thà mất nhà còn hơn trúng hầm chết hết. Vừa ngớt tiếng máy bay, lợi dụng khoảnh khắc yên bình, đàn bà, con nít, già trẻ bồng bế, kéo nhau chạy tản ra hai phía đầu làng, bươi cát nằm chỗ trống. Nằm rứa rủi mảnh văng trúng ai đành chịu, chớ chui hầm giữa làng bom trúng là chết hết. Tối mịt, hết bom, bà con lại kéo về. Hôm đó quê mình sập hầm chết nhiều lắm. Nhà bà Cao chết cả nhà, mấy người hàng xóm đến nấp chung hầm cũng chết luôn, hết thảy là 11 người. Hầm càng kiên cố, trúng bom chết càng nhiều. Bom tạ, hầm mô chịu nổi.
Làng mình tang thương, người còn sống khô hết nước mắt. Nhà bà Thi, mấy mẹ con đang ngồi ăn cơm tối giữa sân, một quả canh nông từ Núi Cấm cân tới trúng ngay mâm, chết hết. May còn mấy đứa con trai đi chơi đâu đó chưa về, không thì “chụm” hết cả nhà. Quê mình mấy năm nay thê lương quá anh ơi! Lớp của anh, chị Ba thoát ly từ năm 1964, 1965 vào các đơn vị bộ đội cũng hy sinh nhiều, có nhà trong bốn năm nhận hai, ba giấy báo tử. Nhiều bà mẹ chết hết con, đi người nào, được thời gian là có giấy báo tử người ấy. Đi chết, ở nhà cũng chết. Cả vùng đông - Kỳ Anh, Kỳ Phú đều như rứa.
Em với thằng Y con ông Song bằng tuổi, đi đâu cũng có nhau, chơi cùng chơi, trốn hầm cùng trốn, chạy càn cùng chạy, đi câu đục, đánh lưới bén thường xuyên bên nhau. Hôm bữa hai đứa ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau ngay miệng hầm nhà nó thì bà ngoại kêu về, em nấn ná nhưng bà kêu rát quá em vọt chạy. Vừa về tới nhà, nghe pháo Núi Cấm đề ba một tiếng gọn lỏn, rồi một cái ầm rung cả đất. Ngó trúng nhà ông Song, em chưa kịp hỏi ngoại cần cái chi, bỏ chạy ra lại thấy thằng Y nằm vắt người chỗ miệng hầm. Thật đau xót! Thằng Y chết ở tuổi mười ba. Cái chết đến như trở bàn tay rứa anh.
Thế nhưng dân quê mình gan lỳ thật, không có người chạy theo địch hoặc tìm chỗ lánh thân. “Một tấc không đi, một ly không rời”, họ kiên cường bám trụ, cùng du kích thôn xã quyết bảo vệ vùng giải phóng, giúp đỡ cách mạng. Trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt đó gia đình mình vẫn an toàn, đạn tránh người chứ người tránh đạn được đâu anh Bốn. Mấy vụ thiệt kinh khủng, người nhà mình vẫn thoát được.
Cũng trong năm 1966, chị Ba về quê cõng mắm lên Bệnh xá Bắc Tam Kỳ, trúng y đợt máy bay oanh kích. Cả nhà mình chui hầm, một quả bom mấy chục cân rơi trúng nóc hầm nghe cái uỵch. Không nổ! Nổ thì cả nhà mình đi sạch rồi. Tối hôm đó ông ngoại cúng vái bốn phương tứ hướng tạ ơn trời đất, mừng tai qua nạn khỏi. Họ nói “đạn tránh người chứ người không tránh đạn”, lần này đạn trúng cả nhà mà không chết mới thiệt là may. Em không biết có ai phò hộ không mà mấy năm nay bom đạn dày đặc mà nhà mình không hề hấn gì...
Tội nghiệp cho mẹ. Gần một năm nay mẹ dẫn em ra Bình Hải tá túc, ở quê bọn biệt lập biết mặt mẹ, chúng càn lên mà gặp mẹ là bắn ngay. Cả nhà mình theo cách mạng mà. Mẹ ra ngoài đó cũng để lánh mặt bọn tề ngụy địa phương. Ở ngoài Bình Hải, Bình Sa bọn lính không biết mặt. Mẹ đi bán cước, lưỡi câu, bán các thứ lặt vặt kiếm tiền sống qua ngày. Lúc trước em còn ở nhà, chạy đâu, trốn đâu có mẹ có con, bây giờ mẹ phải sống gửi đất người trên bom dưới đạn một thân một mình. Ba chị em đã đi sạch, ở quê còn có ông bà ngoại cùng nhau nấn ná, giờ thì phải một mình, cô đơn trong mịt mù khói lửa...
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG