Những năm tháng long lanh tỏa sáng (Tiếp theo kỳ trước)

DUY HIỂN 26/04/2017 09:12

  • Những năm tháng long lanh tỏa sáng

Bà Lan vẫn như con thoi đi lại giữa vùng đông và căn cứ phía tây của Huyện ủy Tam Kỳ tại Kỳ Bích, Kỳ Trà. Điểm hẹn liên lạc thứ nhất nằm dưới chân đèo Dài thuộc Trường An; điểm thứ hai tại một ngôi mộ xây bằng vôi phía trên đèo Dài thuộc Trường Cửu (nay đã chìm trong lòng hồ Phú Ninh). Bà Lan và ông Mười quy ước hôm nào cần gặp, bà bỏ nhánh lá tại mộ, khi quay lại nếu  nhánh lá bị lấy đi thì gần tối ông Mười sẽ cho người ra đón bà đưa về phía sau để bàn bạc, giao nhiệm vụ. “Nhưng cũng nhiều lần do trục trặc gì đó, các anh ấy hẹn gặp mà không đến, tôi đành đặt đôi bầu tại ngôi mộ, ngồi co ro ở giữa, trùm áo mưa lại. Rừng đêm tối đen, thỉnh thoảng bầy heo rừng đi ăn đêm, táp “oạp, oạp…” nghe rất sợ. Vùng đèo Dài hồi đó cũng có nhiều cọp. Buổi chiều tối thường không ai dám qua lại. May sao tôi chưa đụng ổng hồi nào”. Những cuộc hẹn không thành như vậy hôm sau bà phải quảy gánh lên lại Trường Cửu, giả đi bán mắm để vào nhà cơ sở nhắn tin lại cho ông Mười biết nối lại cuộc gặp sau. Bà Lan kể: “Anh Mười thương tôi lắm và rất chú ý giữ an toàn cho tôi. Anh bảo không ai được giao cho tôi những công việc lặt vặt hay phải mua những thứ hàng hóa, nhu yếu phẩm mà trên cứ rất cần”. Trong cái  nhìn của ông Mười Chấp, bà Lan là giao liên tầm “chiến lược” nên bà thường chỉ thực hiện những  nhiệm vụ quan trọng do ông Mười trực tiếp giao.

Cơ sở cách mạng của Huyện ủy Tam Kỳ  ở vùng đông được nhen nhóm thêm nhiều. Trung kiên có ông Lũa, ông Niệm, bà Cảnh… ở xóm Cồn, Tam Phú; ở Tam Thanh có ông Cừ, ông Nhị, bà Sính, bà Mậu… Tuy nhiên họ đều hoạt động đơn tuyến và chỉ bà Lan mới biết được danh sách. Lợi dụng nghề mua bán cá mắm, bà gặp họ khá thuận lợi. Mỗi người mỗi cách đóng góp vật lực giúp đỡ cách mạng. Người góp tiền, người góp cá mắm. Mỗi lần ghe biển về, bà đi mua tôm cá, họ vừa bán vừa cho: “Cô không làm biển, đưa bát đây tui đong cho thêm mấy bát nè”. Miệng nói, tay họ xúc cá nhưng làm như không thân thiết gì. Có người góp nguyên bầu mắm, bà Lan đi bán, lấy tiền mua thuốc tây gửi lên cứ, nhưng thường thì đưa tiền, các anh tùy dùng.

Nhưng dần dà địch cũng sinh nghi. Đầu năm 1958 chúng bắt bà Lan đưa vào nhốt khu Nam ở trong Cây Trâm. Sau 3 tháng không khai thác được gì chúng thả về. Nhưng con mắt bọn mật thám vẫn không rời bà Lan. Một ngày đầu năm 1959, bà vừa đi bán mắm về thì cơ sở nội tuyến đến cấp báo địch chuẩn bị bắt bà, tìm cách đối phó gấp. Lúc sau thì bọn chúng ập đến vây nhà, lục soát phên vách, xét soát đồ đạc để tìm tài liệu. Rất may lâu nay mỗi khi nhận tài liệu hay vật gì bà Lan luôn gói ny lon rồi giắt vào bẹ chuối sau vườn nên chúng không thể tìm thấy một thứ gì làm chứng. Chúng đưa bà lên nhà lao quận Tam Kỳ, bị bắt còn có anh Trương Cảnh, con của mẹ Cảnh ở xóm Cồn. Sau anh Cảnh bị chúng đem ra sông thủ tiêu. Chẳng biết vong hồn anh linh thiêng thế nào mà lại dẫn đúng đường cho thi thể trôi về tận xóm Cồn, người dân đi làm cá thấy vớt lên mới hay con bà Cảnh, chạy về báo. Nhìn con trai trở về trong cảnh tượng đau đớn, bà Cảnh chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Thời buổi luật pháp trên đầu ngọn súng, nào ai dám kiện tụng.

Về phần bà Lan, địch thay nhau tra tấn đủ ngón đòn như trói tréo cành gà treo lên xà nhà, đóng đinh đầu ngón tay… nhưng bà vẫn nhất quyết không khai. Bọn chúng chuyển sang thủ đoạn trói bà nằm xuống, dùng nước mắm pha ớt bột đổ vào mũi. Vị ớt cay xé lộng lên tận óc, bà cố lắc qua lắc lại để trớ được muỗng nào hay muỗng ấy. Khoang mũi bà sưng vù, đau đớn vô cùng. “Sau mỗi đợt đi cung, thân hình tôi giống như quả cà tím. Riêng mũi thì bây giờ trở trời vẫn còn đau” - bà Lan kể.

Một hôm địch đưa bà Lan lên xe chở vào vùng cát Cây Trâm, thuộc xã Tam Anh Nam bây giờ. Đào xong cái hố, chúng hỏi: “Cái con lì lợm này, mày hãy khai đi, hoặc sẽ bị chôn sống tại bãi cát hoang vu này, chết âm thầm không ai biết cả”. Cũng như mọi lần, bà trả lời: “Tôi suốt ngày đi bán mắm bán muối kiếm đồng tiền nuôi mẹ già, biết chi mà khai. Chúng liền đẩy bà xuống hố rồi lấp cát. Cát ngập tới đầu gối, rồi lên tới ngực, bà vẫn im lặng. Cát lấp lên tới cổ, bà Lan vốn nhỏ con, lại bị đòn roi nhừ tử nên càng yếu sức, chết ngất tại chỗ, chúng phải đào lên đưa về lại nhà lao Tam Kỳ.

Bà Lan bị biệt giam trong xà lim, căn phòng hẹp chỉ bằng khổ người, chỉ có đứng hoặc nằm. Bạn tù hai bên là ông Hường người Tam Hòa và ông Truyền người dân tộc Co phía tây Núi Thành bây giờ. Dùng chiếc kẹp tóc, ngày ngày bà Lan kiên nhẫn khoét vách tường xây bằng đá ong, khoét gần sát mặt đất, lấy chiếu nằm che chắn để giữ bí mật. Cái khe hẹp chỉ bằng 2 ngón tay nhưng giúp bà có thể liên lạc với hai tù nam bên cạnh. Mỗi bận nhà gửi bánh trái, thức ăn gì vào, bà lại luồn qua cho ông Hường, ông Truyền. Cùng bị bắt một lần với bà có ông Cừ, ông Nhị người cùng quê. Hai ông không bị biệt giam nên sinh hoạt dễ thở hơn. Đến kỳ kinh nguyệt, bà lại đưa quần áo cho họ giặt giùm. Bọn lính cho phép vì chúng cũng không muốn ngồi lâu để canh tù biệt giam giặt giũ. Giặt phơi xong, hai ông gói thêm thuốc trật đả hoàn, đường đen - thứ giúp làm tan máu bầm vào đó rồi đợi đến phiên gác của lính tốt bụng, gửi vào cho bà.

Tuy bị biệt giam nhưng bà Lan vẫn giữ được liên lạc với Huyện ủy Tam Kỳ, thỉnh thoảng vẫn nhận được thư ông Mười Chấp gửi vào. Ông động viên bà giữ vững tinh thần, nếu được thả hãy báo tin, ông sẽ cử người đón ngay lập tức. Để chuyển, bà Đỗ Thị Mậu, mẹ bà Lan luồn lá thư bé tí ấy vào lưng quần, kèm với thuốc men, thức ăn, đợi phiên gác của người lính tên là Trường, quê Điện Bàn để gửi vào. Đấy là anh lính tốt, thường nhắn tin cho mẹ bà Lan, hay giúp gửi mua thuốc trật đả hoàn. Mỗi khi bà Mậu đến thăm con, đứng ngoài rào nếu thấy anh Trường ngửa nón biết bà Lan đang trong lao; nếu nón úp thì bà Lan đã bị đưa xuống chi cảnh sát thẩm vấn. Sau bọn chỉ huy biết được, bắt phạt Trường bò quanh nhà lao mấy vòng rồi đổi đi nơi khác. Hôm trước khi đi, Trường còn cố quay lại trước cửa xà lim nói: “Em không còn đây nữa, chị cố giữ gìn sức khỏe nghe”. Rồi chiến tranh ngút ngàn, số phận người lính ấy đến giờ ra sao, bà Lan không biết được nhưng lòng tốt của anh bà Lan vẫn ghi tâm khắc cốt.

(Còn nữa)

DUY HIỂN

DUY HIỂN