Chuyện của ngày hôm qua

Truyện ký của PHẠM THÔNG 21/12/2016 09:08

Năm 1955. Tháng 10 âm lịch, trời mưa rả rích cả đêm. Tờ mờ sáng nước ngoài đồng đã tràn vào xóm Khuôn, leo lên mấp mé vườn nhà bà Nụ. Cả đêm sợ nước lớn không ngủ được, bà Nụ trở mình dậy sớm nấu cơm. Sáng ni nhà có thêm một miệng ăn. Ông Võ Để mới lần vào nhà hồi tối gặp anh Vĩnh con bà. Bà Nụ xách nồi ra ảng nước vo gạo. Bất ngờ bà nhìn thấy nhiều bóng đen từ ngoài mấy đám ruộng băng về phía nhà mình. Hoảng hồn, bà trở vào bếp, lên nhà trên gọi ông Để cùng với con trai đang nằm trên phản:

- Dậy nhanh, tau ngó thấy bọn lính đang kéo tới nhà mình. Dậy mà liệu kế đi bay ơi. Hầm lút nước hết rồi. Làm răng đây. Chú Để xuống đây với tui, thằng Can cứ ngồi đó xem như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Để theo xuống nhà bếp, chui vào hầm nổi bí mật ở phía trong giường nằm của bà Nụ. Cái hầm này do anh Vĩnh thiết kế. Anh đan phên trát đất sét, ghép lại như cái hộp, đặt thấp hơn mặt giường vừa đủ một người chui vào nằm. Bà Nụ lấy cơm nguội hòa nước đổ dưới gầm giường như vừa nôn mửa xong rồi nằm quằn quại kêu la đau bụng. Bọn lính ập vào nhà vừa lúc anh Vĩnh vờ cầm chai dầu chạy xuống đưa cho mẹ.

Một tên lính bảo an giương súng chĩa vào ngực:

- Mày là Đỗ Thế Vĩnh phải không?

Vừa hỏi hắn vừa khoát khoát ra dấu, mấy thằng khác xông vào chụp còng tay Vĩnh. Bà Nụ đang rên la vùng dậy kêu gào:

- Mới mờ sáng các ông bắt con tui đi đâu? Hắn có làm chi, có tội tình chi mà các ông bắt hắn? Con tui chưa có miếng cơm trong bụng mà các ông bắt nó đi đâu? Trời ơi!

Bà Nụ quơ vội bộ đồ bà ba đưa cho con trai. Tay anh Vĩnh đã bị còng, một thằng lính giật cầm giúp. Bắt được Đỗ Thế Vĩnh rất gọn, tên chỉ huy liếc mắt quanh cái nhà trống hoác, ra lệnh rút lui.

Tụi lính không dẫn Vĩnh lên phía đường cái mà băng ngang cánh đồng đi về hướng sông Trường Giang. Vĩnh nghĩ không ra, không biết tụi này dẫn mình đi đâu. Bỗng anh nghe phía xóm nhà của Bùi Tịnh có tiếng súng nổ, tiếng la hét: “Bắt cho được hắn! Bắt cho được hắn!...”. Vĩnh biết ngay, tổ công tác đã bị lộ. Có người khai báo rồi. Anh hy vọng Bùi Tịnh thoát được. Còn anh, phải cứu Võ Để mới để tụi nó bắt dễ dàng thế này. Ông Để là một trong những cán bộ bất hợp pháp, có vai trò quan trọng đối với phong trào cách mạng của huyện Tam Kỳ. Các ông ấy còn là phong trào còn. Nên Vĩnh phải hy sinh. Anh là cán bộ hoạt động hợp pháp, bề ngoài chỉ là một thường dân, bọn địch chưa có hồ sơ chứng cứ gì buộc tội được.

Bọn địch dẫn Vĩnh tới nhà ông Bùi Trấm, bác ruột của Bùi Tịnh. Ở đó cũng có một đám lính đang bao vây lục soát. Trước đó, Bùi Tịnh nghe động phía nhà Thế Vĩnh nên chủ động chạy ra phía bờ sông cách đó 300m, chui vào những bụi dứa rậm rạp ẩn nấp. Nước trắng đồng, sâu đến ngang bụng, bọn lính làm biếng không bươn đi lục sạo ở xa được. Vây ráp mấy tiếng đồng hồ, coi bộ không xong chúng rút, dẫn Vĩnh đến đình Tiền hiền làng Vĩnh An. Ở đó đã có cả mấy chục người chúng tình nghi bắt đến từ chiều hôm qua. Lính quốc gia mới vào tiếp thu vùng đất phía nam Quảng Nam nên chưa có cơ sở, bèn lấy đình Tiền hiền Vĩnh An làm chỗ nhốt tù nhân. Nói là nhốt, chứ thực ra chúng bắt dồn những người tình nghi, đảng viên, gia đình tập kết đến đây, không trói không xiềng, để nằm ngồi tràn trên sàn gạch; cơm nước là do người nhà đưa tới.

Suốt cả ngày hôm đó, bà Nụ không biết bọn lính quốc gia dẫn con bà đi đâu. Vĩnh phải nhịn đói. Anh đang lo tối nay bọn công an khai thác mình, nhịn đói cả ngày làm sao chịu nổi đòn tra tấn của chúng. May quá, 5 giờ chiều mẹ anh lần tới đưa cơm. Trong lúc ăn cơm, Vĩnh ngồi gần ông Mai Cầu mới biết Nguyễn Đức Hiền đã khai ra anh và Bùi Tịnh. Ông Cầu rỉ tai: “Thằng cha đó khai Vĩnh và Bùi Tịnh nằm trong Ban cán sự Vĩnh An. Hắn hiện giờ không có ở đây, ông Thưởng - Chủ tịch Hội đồng Hương chính Kỳ Hưng, đang giữ hắn tại nhà ổng. Nhờ ông Thưởng mà mình biết được thông tin. Ông Thưởng chứng kiến từ đầu đến cuối cái cuộc bọn phòng nhì khai thác lão Hiền. Cậu tính toán để đối phó với tụi nó...”.

Trời vừa sập tối, bọn lính còng tay đưa Thế Vĩnh đến một cái miếu hoang. Biết bọn công an bắt Vĩnh, ông Thưởng liền bám chặt vụ này. Bởi ông là Chủ tịch hội đồng xã, dân của ông, ông có quyền theo dõi. Dù là công an quận nhưng họ phải nể mặt ông. Trong đoàn người giải Vĩnh đi phải có mặt ông Thưởng. Không quan hệ sâu với Đức Hiền mà ông Thưởng còn cẩn thận đến mức đó, huống chi đối với Thế Vĩnh, đầu mối liên lạc rất chặt với ông. Chính Vĩnh theo chủ trương của các ông Mười Chấp, Võ Để vận động dân Kỳ Hưng cài ông Thưởng vào bộ máy chính quyền xã và cũng chỉ có 3 người biết ông làm nội tuyến. Vĩnh khai, ông Thưởng sẽ chết. Nên ông theo sát Vĩnh, tin thì tin nhưng phải phòng, có chi mới xở kịp.

Dở trò dụ dỗ không được, tụi công an xúm vào trói tay, kéo Vĩnh lên xà ngang giữa miếu. Vĩnh cao hơn mét bảy, thòng chân gần sát đất, thằng Hay đứng phía trước, thằng Liệu phía sau, bắt đầu cuộc tra khảo. Hai thằng thi nhau dùng gậy, dùng tay đánh đấm như tập võ. Đau quá, tức quá, Vĩnh liều mạng. Chờ hai thằng xáp vào đúng tầm, Thế Vĩnh đá ngược chân về phía sau trúng cằm thằng Liệu, tung chân về phía trước trúng ngực thằng Hay. Hai thằng ngã ngửa  lảo đảo. Quá bất ngờ, thằng Liệu chụp súng định bắn. Ông Thưởng xông vào đè súng: “Ông không được bắn. Hắn là dân xã tôi. Chưa lấy được lời khai, hắn có tội gì mà ông bắn?”. Thằng Liệu tức đến lộn gan nhưng thua lý ông Chủ tịch hội đồng đành hạ súng. Hắn rít qua cổ họng: “Không cho bắn thì đánh”. Cả đêm hôm đó chúng đánh ngất, tỉnh mấy lần nhưng không cạy răng được một lời khai ở Thế Vĩnh. Sáng sớm chúng khiêng Vĩnh đang mê man vất trở lại sàn nhà Tiền hiền Vĩnh An.

Thấy Thế Vĩnh không còn biết chi nữa, bọn công an giao lại cho hương dũng của làng, lủi về. Ông Thưởng thấy Vĩnh ngủ say cũng yên chí ra về. Ông bu giữ Vĩnh còn vì sợ bọn nó lén thủ tiêu người của mình trong đêm. Trong hoàn cảnh này, ở xã Kỳ Hưng chỉ ông mới có điều kiện đỡ cho anh em mình được. Thế Vĩnh đã bị tra tấn đến thừa chết thiếu sống mà không khai. Từ giờ phút này bọn công an quận không thèm đụng tới cái tên Đỗ Thế Vĩnh nữa. Thằng Hay, thằng Liệu rất cay cú, nhưng bọn chúng bảo nhau: “Vĩnh là tên phổi bò, chỉ có thằng khùng mới không sợ chết. Ai đời tù nhân mà đánh lại công an trong lúc đang tra khảo. Việt cộng không dại chi giao nhiệm vụ cho thằng liều này”. Tạm thời Thế Vĩnh lọt khỏi tầm mắt của chúng.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG