Ký ức miền Thượng Lào
Bước sang tuổi 82, nhưng mỗi khi nhắc lại quãng thời gian ở chiến trường, trong bác Phạm Sĩ Bảng (thôn An Thành 1, xã Bình An, Thăng Bình) vẫn còn vẹn nguyên những câu chuyện, kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân Việt - Lào.
Bác Phạm Sĩ Bảng và Bằng khen của Đảng, Nhà nước Lào trao tặng vì đã có công lớn trong việc giúp đỡ công cuộc cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: BẢO TRÂN |
“Thư gửi em”
Hai mươi tuổi, bác Phạm Sĩ Bảng bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình với hành trang là chiếc ba lô, hai bộ quần áo và một tuổi xuân phơi phới nguyện cống hiến hết mình cho cách mạng. Tháng 10.1954, bác tập kết ra miền Bắc, công tác tại Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 108, Sư đoàn 305. Tháng 5.1959 bác được điều lên Tây Bắc, công tác tại Tiểu đoàn Bộ Tư lệnh Thông tin. Trong thời gian này, bác Bảng đem lòng yêu một cô gái miền Tây Bắc, tình yêu đẹp quá đỗi tưởng chừng sẽ đơm hoa kết trái… Nhưng đến tháng 8.1959, Bộ Tư lệnh Thông tin điều tiểu đoàn bác Bảng sang Lào làm nhiệm vụ. Ngày lên đường, bác gửi cho người yêu một bài thơ - tựa đề “Thư gửi em” với ngôn từ mộc mạc nhưng chứa đựng tình yêu chân thành và đầy mạnh mẽ: “Giờ tạm biệt xa rời Châu Thuận/ Đã để lại những gì bên anh chị mến thương/ Tuy rằng lòng có vấn vương/ Đành gác lại tình yêu trên biển cả/ Đường anh đi đang nở đầy hoa lá/ Đem tuổi xanh căng ngực đón xuân đời/ Để rồi Nam - Bắc hai nơi/ Việt - Lào lại chung xây hai Tổ quốc/ Nhiệm vụ nặng nề phải đâu trong phút chốc/ Phải hy sinh để xây dựng cuộc đời/ Lá thư anh từ rừng núi xa xôi/ Nơi biên giới còn thơm mùi thuốc súng/ Tuy gian lao mà lòng không nao núng/ Quyết giữ gìn từng ruộng lúa bờ tre/ Đón gió lộng ngát mùi hương lúa chín/ Đường anh đi đang còn nhiều nguy hiểm/ Vượt trăm sông, ngàn núi, vạn đèo/ Băng núi rừng qua dốc núi cheo leo/ Chính nơi ấy là nơi say mùi hương chân lý!”.
Tình yêu người lính giản dị và nhẹ nhàng, ít cao sang nhưng thừa đằm thắm... Sự lãng mạn, nhớ nhung dạt dào được gửi gắm qua những vần thơ.
15 năm trên mặt trận thông tin
Mười lăm năm chi viện cho chiến trường Thượng Lào là chừng ấy thời gian bác Bảng và đồng đội trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm. Mới gặp nhau đó, vài phút sau đã nằm lại chiến trường, sự sống - cái chết cận kề trong gang tấc.
Sáng sớm một ngày cuối tháng giêng năm 1961, nhận được tin của Bộ Tư lệnh tiến công giải phóng sân bay Hố Xiềng (Hủa Phăng), bác Bảng và toàn thể lực lượng nhanh chóng chuẩn bị tinh thần, trang thiết bị thông tin liên lạc. Lúc ấy bỗng dưng trên bầu trời xuất hiện hai chiếc máy bay, nửa tin nửa ngờ không biết là máy bay của ta hay của địch. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bùi Huy Mẫn, bác đã nhanh chóng kết nối tín hiệu về Hà Nội xin ý kiến xử lý. Được thông báo đó là máy bay địch, lúc này bác và Tiểu đoàn Thông tin đã bắn hạ hai chiếc máy bay, bắt sống một giặc lái Mỹ và hai lính ngụy.
Gian khổ là thế nhưng bác Bảng cùng đồng đội đã vượt lên hiểm nguy của bom đạn, trải qua bao khó khăn, thiếu thốn, cùng sự khắc nghiệt của núi rừng, vẫn kiên cường bám trụ, bám máy, bám dây bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng thông tin của các quân chủng, binh chủng, quân đoàn tạo nên mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến; nhất là từ sở chỉ huy đến các đơn vị tác chiến.
Nhằm cổ vũ tinh thần và những đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực hết mình vì sự nghiệp cách mạng, ngày 26.3.1962 tại bản Khăng Khay, bác Bảng được đơn vị tổ chức kết nạp vào Đảng.
Giải phóng Sầm Nưa xong cũng là lúc bộ đội ta quay sang giúp nước bạn Lào vận chuyển lương thực, thương binh; tổ chức cho cán bộ mở trường dạy học thông tin liên lạc; giúp sửa chữa, dọn dẹp đường sá, xây dựng các cơ sở tình nguyện như Lào Xum, Lào Lùm… Nói đến đây, bác Bảng chợt rơm rớm nước mắt: “Chúng ta giúp bạn được nhiều nhưng mất mát cũng nhiều lắm!”. Địch gài mìn khắp nơi, chúng phục kích bắn nỏ ở các chốt khuỷu (đường vòng). Thức ăn chủ yếu của quân ta lúc đó là nhái, rau rừng, hạt dẻ. Từ Sầm Nưa qua Xiêng Khoảng phải vượt đường rừng, núi cao dốc đá cheo leo, thiếu cơm ăn, nước uống, dân trong bản thấy bộ đội Việt Nam đi qua thì mang ra cho mỗi người nắm xôi ăn tạm, thế mà qua cơn nguy kịch.
Mong về lại chiến trường xưa
Năm 1973, khi công tác tiếp quản đã cơ bản xong, bác Bảng được cử về Hà Nội theo dõi lý lịch và làm hồ sơ kết nạp Đảng cho 20 đồng chí đang công tác tại Sầm Nưa và tiếp tục công tác tại Trường Sĩ quan lục quân. Chiến tranh khốc liệt cộng với những cơn sốt rét rừng hành hạ đã lấy đi nhiều sức khỏe, nhưng với bác Bảng, chừng đó chưa là gì vì biết bao đồng chí, đồng đội của bác vẫn còn nằm lại trên chiến trường nơi đất bạn. Kể đến đây, mắt bác ngấn nước, bởi trong số đồng chí, đồng đội hy sinh, nhiều người do chính tay bác khâm liệm và chôn cất. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ký ức về đồng đội, những người đã hy sinh mất mát vẫn luôn đọng lại trong tâm trí của bác như một giấc mơ dài chưa có hồi kết.
Mười lăm năm bám rừng, bám mặt trận cũng là mười lăm năm sống chung với bom đạn, sống chết vô thường. Những năm tháng đó so với cuộc đời con người không phải là quãng thời gian quá dài, nhưng thời đoạn đó đã đi theo bác Bảng trọn đời, bởi những kỷ niệm vui buồn, gian khó có nhau cùng đồng chí đồng đội. Đi qua bao tháng ngày gian khổ, mất mát, hy sinh của chiến tranh, đất nước đã hòa bình nhưng bác chưa bao giờ nguôi ngoai ước vọng về chiến trường xưa, tìm và đưa hài cốt đồng đội về với gia đình…
HOÀNG BẢO TRÂN