Người hùng Khương Vĩnh (tiếp theo)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 09/06/2016 08:40

  • Người hùng Khương Vĩnh

Sáu Thân biết tên Giáo đi đến vùng “mất an ninh” sẽ có bọn nghĩa quân tháp tùng bảo vệ, nhưng ông không sử dụng lực lượng đông, dễ bị lộ. Mục đích chủ yếu là bất ngờ diệt tên Đinh Công Giáo rồi rút lui ngay. Đi với ông chỉ có các anh Trung, Cảnh, Thọ.

Sau khi vào nhà Út Thỏa nắm tình hình, nhận 4 vắt cơm, cả tổ đến cống Ông Toàn, ém trong bìa rừng. Đúng 10 giờ trưa, thấy một đoàn xe đạp từ Hội đồng Kỳ Khương theo đường lộ đạp tới. Chúng lướt nhanh qua mặt, nhưng Sáu Thân cũng kịp phát hiện tên Giáo ngồi phía sau một xe đạp. Các ông nằm yên, đợi chúng ăn giỗ xong quay xuống. Chúng nhất định quay xuống đường này, vì từ đây đến nhà bà Liệp rất gần mà đi xe đạp thì phải qua cái cống độc nhất này. Đúng như dự tính, hơn 12 giờ trưa bọn chúng trở về đường này. Mấy chiếc xe đạp qua cống, bắt đầu lên dốc, bốn tay súng đồng loạt siết cò. Mấy tên ngã lăn kềnh. Tên Giáo chòm dậy bỏ chạy. Nhanh như chớp, Sáu Thân băng qua một bờ thổ, kê súng xả một loạt tiểu liên. Tên Giáo ngã gục. Ông hô toàn đội rút lui!

Trung đội nghĩa quân đi sau xáp tới bắn cấp tập. Trung bị thương. Cảnh trụ lại đánh chặn đường cho Sáu Thân và Thọ khiêng Trung chạy. Cảnh bám chắc bờ thổ bắn, dùng lựu đạn ném, địch không tiến lên được. Sáu Thân cùng Thọ khiêng Trung băng qua một đám thổ. Thọ trúng đạn ngã nhào, Sáu Thân ngã ụp theo, đòn cáng ập xuống đất. Cùng lúc tiếng súng chặn địch của Cảnh cũng im bặt. Mấy khẩu trung liên địch bắn sát đất. Trước mặt là một bờ thổ cao, không thể vượt qua. Phía sau địch ào tới. Sáu Thân vội trao 2 quả lựu đạn cho Trung. Trung biết ý, nhận ngay. Sáu Thân quay lại tỳ súng, nổ một loạt vào ngay ổ trung liên địch. Khẩu trung liên tắt lịm. Ông vọt về phía xóm Ông Sắm. Vừa chạy Sáu Thân vừa nghe địch hô: xung phong! xung phong! Lập tức, lựu đạn nổ ầm! ầm! Trung đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh đã hy sinh! Thời khắc cấp bách, không có chỗ cho sự yếu mềm, Sáu Thân bươn đồng, bươn rào chạy xuống phía đường xe lửa, vòng lên vùng giải phóng Khương Nhơn... Mặc dầu giết được Đinh Công Giáo cùng đồng bọn, nhưng lòng Sáu Thân vô cùng nặng trĩu, nước mắt rưng rưng mỗi khi nhắc đến giây phút cầm 2 quả lựu đạn đưa cho Trung - người bạn chiến đấu thân thiết của mình...

Nén đau thương, Sáu Thân cùng các đồng chí trong chi bộ tiếp tục xây dựng lực lượng, hợp sức với bộ đội huyện tăng cường đánh địch, giữ vững vùng giải phóng Khương Nhơn, luồn xuống Khương Đại, Khương Vĩnh, băng vào Khương Thọ, Khương Bình... móc nối cơ sở, chuẩn bị cho chiến dịch đồng khởi giải phóng các thôn phía bắc Kỳ Khương.

Giữa năm 1963, địch mở trận càn lớn vào vùng giải phóng Khương Nhơn. Chúng huy động nhiều trung đội nghĩa quân của các xã phối hợp với 2 đại đội bảo an tiến đánh Khương Nhơn. Địch quá đông, với cương vị Bí thư xã, Sáu Thân lệnh tất cả rút về phía núi để bảo toàn lực lượng. Còn ông cùng một số du kích cảm tử trụ lại trong làng, giăng bẫy gài mìn, đánh địch, hạn chế bước tiến quân của chúng. Trong một trận chiến ác liệt, quân ta quá ít, địch bao vây áp đảo bắt được Sáu Thân. Trên đường địch áp giải về Hội đồng Kỳ Khương, ông hô lớn: “Bà con yên tâm! Sáu Thân này dù có xương tan thịt nát cũng không phản bội cách mạng, phản bội nhân dân”.

Tên Được - Quận trưởng Lý Tín biết, nếu khai thác được Sáu Thân là có thể đánh nát lực lượng ngầm của Việt cộng ở nội ô Lý Tín. Quận trưởng Được lệnh áp giải Sáu Thân về ngay nhà giam quận lỵ, phải giữ cho sống để khai thác. Mấy ngày liền địch hết dụ dỗ, lại tra tấn, dọa nạt cũng không thể khuất phục được người cộng sản kiên trung này. Kể cả khi đám thuộc hạ tên Được đưa máy quay điện chuẩn bị gí vào người, Sáu Thân bảo: “Đưa hai mối điện tau ngậm, tụi bay quay điện thử coi”. Một tên tức quá, rút súng ngắn, ông cười gằn, há họng ngậm đầu súng. Sự gan dạ của ông khiến bọn địch cũng phải nể phục. Không khai thác được gì, tên Được quyết định chuyển Sáu Thân lên tỉnh.

Trên đường địch áp giải Sáu Thân ra Tam Kỳ, đơn vị 14 lực lượng vũ trang huyện lên kế hoạch giải thoát nhưng không thực hiện thành công. Đến trại giam Quảng Tín, Sáu Thân bị cấm cố ngặt. Ông Mười Chấp chỉ đạo bố trí cho Sáu Thân thoát ngục cũng không thành. Sau mấy tháng Sáu Thân kiên cường chịu đựng, không kết được án, địch phải chuyển giam Sáu Thân cùng phòng với những người tù khác. Sáu Thân tìm kế vượt ngục. Ông hăng hái đi làm tạp dịch, tham gia đánh bóng chuyền gây lòng tin đối cai ngục; đồng thời quan sát địa hình địa vật,  móc nối cơ sở trong và ngoài nhà giam, tìm manh mối để mưu sự.

Một sáng tháng 8 năm 1963, Sáu Thân được bọn cai ngục dẫn đi bộ 2 cây số vào phía USOM đóng gần ga xe lửa, cách đường Trần Cao Vân trên 100 mét. Ngay lúc sáng, tại nhà lao tỉnh, Thân đã bấm nhỏ Sơn - một bạn tù: “Hôm nay tụi mình tìm cơ hội vượt ngục”. Sau khi lao dịch độ vài tiếng, bọn cai ngục tổ chức đánh bóng chuyền. Sáu Thân được chúng chọn đầu tiên vì đánh bóng rất khá. Kết thúc hiệp 1, vào hiệp 2 trong một pha bóng Sáu Thân nhảy lên đập, cái quần đùi rách toạc. Mọi người đứng xem cười ồ. Sáu Thân ngồi cụp xuống, túm đáy quần khom khom bước ra khỏi sân, khúm núm xin phép cai ngục để được ra phố may lại cái quần. Tên cai ngục hỏi: “Ông bị tù năm nào”. Sáu Thân trả lời ngay: “Năm 1958”. Cai ngục tin. Hắn lầm bầm: “Mấy tên tù già, chịu đựng quen rồi, không bao giờ thoát ngục...”. Hắn khoát tay cho đi, cả Sơn cũng được cùng đi.

Vừa khuất ngả rẽ, Sáu Thân và Sơn tạt ngay vào một tiệm may ở phía đường Trần Cao Vân nhờ khâu giúp. Tiệm may đó chính là nhà một cơ sở do các đồng chí tù chính trị đã móc nối từ trước. Sáu Thân ra mật khẩu, bà chủ tiệm may đưa cho mỗi người bộ đồ lính có giày, mũ, lon nghiêm túc. Hai ông lập tức lột bỏ đồ tù, trở thành một sĩ quan và một lính thám báo đi ngược lên phía ngã ba Trường Xuân. Sơn là người Kỳ Trà rành đường này, nhắm thẳng sân bay Thạch Bích đi tới. Mới đi mấy bước chạm đường tàu lửa. Tại đây có bốt canh, thường xuyên cắm hai lính cảnh sát kiểm soát người xe qua lại. Sáu Thân sắp đặt trong đầu: “Nếu hai tên này hỏi giấy tờ thì phải già hàm dọa dẫm. Cùng lắm, cướp súng diệt luôn rồi chạy băng vào phía bến Bình Hòa, lội sông Tam Kỳ qua Kỳ Bích”. Sáu Thân còn nhớ rất rõ địa hình vùng này. Nhưng may, hai tên cảnh sát chẳng đả động gì đến, các ông nhanh chóng đạp đường tàu, đi thẳng về phía sân bay Ngọc Bích. Gần đến sân bay, gặp bốn tên nghĩa quân Kỳ Hương. Những tên này thấy sĩ quan lính chính quy thì né mặt ngay. Hai ông bình tĩnh qua mặt chúng, tạt về phía tây nam theo đường làng đến thẳng bờ sông Tam Kỳ, quan sát động tĩnh rồi nhanh chóng vượt sông qua mé trên đầu cùng xã Kỳ Bích, chui vào núi. Chỉ một ngày sau Sáu Thân đã về tới Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Nghỉ ngơi vài ngày, Sáu Thân lại về vị trí công tác cũ - Đội trưởng Đội công tác Kỳ Khương.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG