Ngày ấy ở Sa Khê (Tiếp theo kỳ trước)

ĐINH VĂN DŨNG 08/09/2015 09:06

  • Ngày ấy ở Sa Khê

Trong 2 năm 1946 - 1947, địch liên tục mở các cuộc truy lùng, càn quét vào những làng vùng ven biển như Hà My, Hà Quảng, Hà Lộc, Gia Lộc, Hà Bản của xã Điện Dương, Điện Bàn. Mỗi tháng, địch tổ chức càn lên các địa điểm này một lần, có khi 2 - 3 tháng một lần, gây biết bao tổn thất to lớn, đau thương tang tóc cho nhân dân trong xã.

Con đường bê tông dẫn về xóm Cồn (xóm Sa Khê) hôm nay.          Ảnh: Quốc Tuấn
Con đường bê tông dẫn về xóm Cồn (xóm Sa Khê) hôm nay. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhân dân Sa Khê bước vào cuộc chiến đấu mới, lấy lực lượng du kích làm nòng cốt cùng với nhân dân đào hầm trú ẩn trong từng nhà để chống phi pháo địch. Ngoài ra còn đào hầm bí mật trong các nhà và trong xóm; đào hào, đắp lũy ngăn vùng cảnh giới giữa Cẩm Hà và Hà My tại cồn Chất. Hầm bí mật được đào với quy định bất di bất dịch là phần ai đào người ấy biết, hoặc chỉ có người thân mới được biết hầm nằm ở đâu mà thôi.

Kỳ tích đào hầm

Ở xóm Sa Khê lúc này nhân dân còn đào một căn hầm bí mật công cộng quy mô khá lớn. Đây được xem là kỳ tích trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Sa Khê. Hầm bí mật công cộng của xóm Sa Khê do Tiểu đội du kích của xóm đề xướng và đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Hầm nằm trong lòng một bờ đất, bắt đầu từ cuối vườn nhà bà Lợi đến trước nhà ông Thủ Tưởng. Bờ đất này dài khoảng 750m, rộng gần 5m, cao 3,5m. Trên bờ đất có đủ loại cây, nào tre, mù u, gai chùm đàn, gai tu hú và nhiều loại cây khác đan dày đặc, đến nỗi những con thú nhỏ cũng khó chui vào được. Bên cạnh bờ đất này có con đường để dân đi lại, cũng là đường chính giữa xóm. Bờ đất này còn có một cống thoát nước từ khu đất thổ cư của ông Thủ Tưởng thông qua đám ruộng bà Khương, ở phía góc ruộng còn có cây dừa. Lòng cống khoảng 0,5m, cạnh đầu cống có khu đất khá rộng cao bằng bờ nằm trong vườn nhà bà Dự, ông Mại dùng để làm bộng ép dầu. Từ những đặc điểm trên, du kích đã chọn bờ đất này đào hầm bí mật, miệng hầm thông qua lỗ cống. Hầm đào giữa bờ đất, rộng khoảng 0,8m, cao 1m, chạy theo bờ đất dài 200m, khoảng 5m có một lỗ thông lên bụi tre. Chỉ trong 10 ngày của tháng 3.1946 hầm đã được đào xong. Vào tháng 8.1947, địch ở Hội An kéo lên càn vào Sa Khê. Lực lượng du kích của xóm lúc này chỉ có mã tấu, gậy gộc nên phải rúc xuống hầm trú ẩn cùng với nhân dân trong xóm. Địch đi càn ngang qua đường hầm rồi kéo quân qua làng Hà Lộc, Gia Lộc, thế là dân quân Sa Khê không hề hấn gì.

Sau trận càn nói trên của địch, du kích Sa Khê nhận ra một điều: Hơn 200m hầm bí mật vừa đào xong, thật ra “bí” mà không “mật”, bởi lẽ dân cả xóm đều biết, rồi cả du kích và nhân dân khoảng 30 người đều trú ẩn ở hầm này. Giả dụ, địch phát hiện ra căn hầm thì chắc chắn du kích và nhân dân, từ già đến trẻ sẽ bị chúng bắn chết hoặc bị bắt, tổn thất không lường hết được. Vì vậy, du kích tiến hành đào hầm bí mật cho từng người và từng nhóm nhỏ 3 người ở rải rác khắp địa bàn xóm, lấy các điểm như rừng Hà My, lăng Bà; trong từng nhà chiến sĩ du kích có 1 - 2 hầm bí mật. Rừng Hà My là nơi có nhiều hầm bí mật nhất, gồm 50 cái. Như vậy, có thể nói rằng, trong 2 năm 1946 - 1947, xóm Sa Khê có một hệ thống hầm bí mật từ rừng Hà My đến các địa điểm khác trong xóm, bảo vệ an toàn cho du kích, nhân dân Sa Khê và cán bộ, bộ đội của Điện Bàn khi địch càn quét qua đây.

Nuôi giấu cán bộ

Ngày ấy, chỉ có bộ đội về đóng quân ở Sa Khê là có tiêu chuẩn, còn cán bộ chính trị chỉ có một túi xách, không gạo, không tiền nên đều phải dựa vào dân để sống. Dân Sa Khê vốn đã khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhưng vì một lòng một dạ thủy chung, son sắt với cách mạng nên cùng gánh vác, không thể để cán bộ chịu đói. Dân Sa Khê đã phải dành từng củ khoai, hạt gạo nuôi cán bộ. Nhà cửa tuy rách nát, tăm tối, đói khổ nhưng người dân một lòng đùm bọc, cưu mang cán bộ về ăn ở, đâu phải chỉ một vài ngày mà tháng nọ sang tháng kia, năm nọ qua năm kia. Có thể kể những gia đình có công chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng như bà Nho, bà Kỹ, bà Ba, bà Chơi...

Trong những gia đình kể trên, có thể nói, tiêu biểu là gia đình bà Kỹ. Bà Kỹ có 3 con trai, gồm Phạm Dương, Phạm Liễu và Phạm Bá. Ông Phạm Dương là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Điện Dương lúc bấy giờ. Gia đình bà Kỹ tuy cũng khó khăn nhưng vẫn là nhà khá giả hơn cả trong xóm nên thường là nơi tá túc của cán bộ cấp trên mỗi khi về Điện Dương công tác. Gia đình bà Nho và bà Kỹ là quan hệ thím cháu, nhà lại ở cạnh nhau nên thường xuyên “chia nhau” nuôi giấu cán bộ. Bà Nho nhờ có quán mỳ Quảng cũng đỡ lo một phần cơm nước. Bà Kỹ già yếu nhưng những lúc thiếu lương thực vẫn ra khe Sa Khê nhổ cây khoai môn dại về nấu cháo cho cán bộ ăn qua ngày. Nhiều lúc khó khăn đến mức, ông Lê Hồng Thị phải mượn tiền đảng phí của xã, rồi 2 ngày một chuyến đi với người cháu là Lê Hồng Tiến vào chợ Được mua chè, mua cau về Điện Dương bán lấy tiền lãi mua gạo, bắp để nuôi cán bộ. Ông Lê Hồng Thị đi buôn được 5 chuyến, số tiền lãi tuy không nhiều nhưng cũng có thêm gạo, bắp tươi ngon, giải quyết bớt phần khó khăn, thiếu thốn lương thực nuôi giấu cán bộ. Hay như gia đình ông Lê Nho đã nuôi giấu ông An - Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Điện Bàn hơn một năm. Trong thời gian này, vợ chồng ông Lê Nho đã từng phải bòn từng dãi khoai, xúc từng con tép ngoài ruộng, ngoài khe Sa Khê để nuôi cán bộ.

(Còn nữa)

ĐINH VĂN DŨNG

ĐINH VĂN DŨNG