Quê tôi ngày giải phóng
Quê tôi ở xã Điện Thái (nay là Điện Thọ, Điện Bàn), vùng quê trù mật ven sông Thu Bồn. Đây là vùng trắng dân, vùng tự do oanh tạc của giặc thời chống Mỹ, chỉ đến tháng 1.1973 Hiệp định Paris được ký kết, thì những người dân có cảm tình với cách mạng ly tán khắp nơi mới có dịp trở về quê hương xứ sở canh tác trên ruộng vườn của mình. Thời kỳ này cuộc chiến tranh cũng không kém phần ác liệt trong thế trận “lấn đất giành dân”. Vào đầu tháng 3.1975, khi ấy, tôi đang học giữa chừng học kì II của lớp Ba. Thời điểm này quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Buôn Mê Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên toàn miền Nam. Ở Quảng Nam quân dân ta đã giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Tiên Phước. Lúc bấy giờ, vùng địch trở nên hỗn loạn, địch co cụm cố thủ về thành phố, trường thì bãi khóa, tôi nghỉ học về quê và được chứng kiến ngày giải phóng quê hương. Lúc ấy, hai chị em tôi bị kẹt lại quê hơn một tuần và may mắn được làm chứng nhân trong ngày Điện Thái và Điện Thọ sạch bóng quân thù vào ngày 27.3.1975. Ngày ấy chị tôi là giao liên của xã đội Điện Thái do anh Nguyễn Đức Tơ làm xã đội trưởng. Sáng hôm đó là ngày đặc biệt của chiến tranh, chỉ có những tiếng súng nổ chỉ thiên lác đác, nhưng bộ đội chủ lực và cán bộ du kích từ trong Bến Hục chạy ra rất đông và khác thường. Ai cũng hớn hở hân hoan, tay cầm cờ mặt trận. Còn địch đóng đồn ở ngã ba Cẩm Lý (Điện Văn) và dốc đường sắt Nông Sơn (Điện Phước) thì bỏ chạy như ong vỡ tổ. Nhiều tên buông súng đầu hàng. Số khác thì cởi áo nai nịt chạy bộ trên đường 100 về hướng Vĩnh Điện với khuôn mặt phờ phạc, hầu như mất hết nhuệ khí của những ngày trước đó...
Tôi chạy theo đoàn quân chiến thắng của ta. Tôi còn nhớ mấy anh cán bộ, bộ đội, du kích nai nịt đường hoàng, nhiều anh đĩnh đạc bên hông chiếc radio nhỏ nhắn vang vọng tiếng nói của phát thanh viên đài giải phóng. Những bước chân mang dép cao su sáu quai rầm rập trên đường đất mịt mù, có những chị du kích chạy nhanh quá bị tuột dép, ngay lập tức trong túi đã có cái kẹp tre mòn nhẵn (chuyên dùng để rút dép nếu bị tuột quai) với thao tác nhanh như chớp. Những gót chân son của các chị đã điểm tô thêm bức tranh sinh động hào hùng của ngày chiến thắng. Với không khí khẩn trương của “một ngày bằng hai mươi năm”, sau ngày giải phóng quê tôi, đoàn quân ấy cũng hòa nhịp với khí thế hừng hực chiến công giải phóng toàn huyện Điện Bàn vào ngày 28.3.1975 và TP.Đà Nẵng ngày 29.3. Để làm nên khúc khải hoàn ca của ngày chiến thắng, mảnh đất Điện Thọ đã thấm đẫm máu xương của hàng ngàn liệt sĩ, thương binh và người dân trụ bám. Và Điện Thọ quê hương tôi đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.
Một chiều tháng Ba, tôi đến nghĩa trang liệt sĩ của xã. Thoảng trong gió hương trầm của niềm tri ân thành kính từ đồng chí đồng đội và người thân, lòng tôi lại trĩu nặng nhớ các chú các anh Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Đức Tơ, Phan Quang Hành, Phan Minh Tân, Phan Phụng Thôi… Những cán bộ chủ chốt của xã Điện Thái ngày xưa, người hy sinh trong cuộc chiến, người lần lượt về đất mẹ bởi di chứng chất độc da cam/dioxin và bao cơn bạo bệnh khác. Từ những ngôi mộ, cây đã lên xanh, hoa nở đỏ rực một góc trời…
PHAN QUANG MƯỜI