Chuyện cô Hiền Kỳ Thịnh
Tháng 7.1964, lực lượng cách mạng đã làm chủ hoàn toàn xã Kỳ Thịnh (nay thuộc xã Tam Vinh, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh). Vùng giải phóng mở rộng xuống tới Tây Yên, giáp mặt phía tây bắc tỉnh đường Quảng Tín; phía đông bắc Kỳ Thịnh thì hàng rào chiến đấu của du kích áp tới xóm Cây Tra, Cây Thị, tiếp giáp với đường xe lửa, cách chợ Kỳ Lý vài cây số. Trong cuộc đồng khởi đó, ở xóm Xuân An thuộc thôn 6 Kỳ Thịnh - quê hương của cô Hiền, mọi người dân đều đồng loạt đứng lên phá banh ấp chiến lược, tự cởi trói cho mình. Trong cái khí thế đó, Hiền mới tròn mười tuổi đã vác rựa chạy theo các anh các chị thanh thiếu niên chặt, phá, đốt hàng rào ấp chiến lược.
Năm 1967 Mỹ đã leo thang đến đỉnh cao của chiến tranh cục bộ, các thôn vùng thấp Kỳ Thịnh trở nên vô cùng ác liệt, bọn ngụy quân dựa hơi lính Mỹ mở nhiều cuộc càn quét đánh phá, cày ủi trọc các rẫy thơm, sau Tết Mậu Thân chúng lấn chiếm đóng đồn dày đặc ở các thôn 6, 7, 8 Kỳ Thịnh. Chính giữa xã, tại điểm cao Trà Gó chúng xây dựng một căn cứ cứng, tái chiếm và lập ấp chiến lược kiên cố ở thôn 4 Thạnh Đức, ngay dưới chân núi. Tình hình biến chuyển bất lợi cho lực lượng cách mạng tại địa phương. Lúc này Hiền cũng đã cứng cỏi hơn, được các anh các chú cài cắm làm cơ sở, có nhiệm vụ nắm tình hình ở vùng ven các đồn nằm liền kề nhau như đồn Chữ V, Chồi Sũng, Ổ Gà, đồn Tháp... Khi bất hợp pháp thì Hiền tham gia tiếp tế cho du kích, bộ đội; sinh hoạt trong Đội thiếu niên tiền phong của thôn, xã... Vào giữa năm 1967, Đội thiếu niên Tiền phong xã tụ họp tại thôn 5 Ao Lầy để sinh hoạt, thì bọn phản động từ thôn 4 Thạnh Đức lén xuống bỏ thuốc độc vào giếng nước làm cho Hiền và Đội thiếu niên hàng chục em trúng độc. Nhờ mấy cô chú y tá, cứu thương cấp cứu kịp thời nên không có ai tử vong. Sau vụ đó, Hiền càng hăng hái hơn, gia nhập Đội du kích B để vừa bí mật chủ động chiến đấu vừa hợp pháp nắm bắt tình hình địch.
Một sáng sớm tháng 6.1969, Hiền quảy đôi gióng sắt cùng với chiếc rựa ngoéo giả làm người đi lượm củi, đến quanh quẩn tại gò Vườn Vượn nằm giữa ba đồn Chữ V, đồn Tháp và Ổ Gà để quan sát hành tung của địch. Nếu có hiện tượng lính bỏ đồn, xuất quân đi càn quét thì chạy về báo với đội du kích để chuẩn bị bố trí chiến đấu. Bất ngờ, có chiếc xe Jeep từ dưới đồn Chồi Sũng chạy thẳng lên rồi dừng ngay chỗ Hiền đang đứng. Hai tên cảnh sát nhảy xuống kéo xốc Hiền lên xe, chạy thẳng về quận lỵ Tam Kỳ. Vào tạm giam tại quận lỵ, Hiền nhận định: “Bọn này bắt mình là tình nghi mà thôi. Dẫu có chỉ điểm mật báo, chúng biết được chuyện chi đó thì mình cũng kiên quyết không nhận. Mà không nhận cũng có lý, vì mình còn nhỏ, mới có mười lăm tuổi đầu mà”. Cô chuẩn bị tư tưởng để đối phó với bọn cảnh sát quận, sau 3 ngày chưa xét hỏi chi, bọn chúng đột ngột di lý qua khu thẩm vấn thuộc Chi khu Quảng Tín nằm sát phía tây bắc tỉnh đường.
Trong tù Hiền ở chung phòng với dì Năm Tờn, thím Tuệ và các bạn, các chị lớn hơn vài tuổi bị bắt vào đây trước. Mỗi lần bọn cảnh sát gọi Hiền thẩm cung, các dì các chị đều động viên Hiền ráng chịu đau, đừng có khai làm chi cả. Khi bọn chúng đánh đập, cô gồng mình cố chịu, quyết không khai báo điều gì. Bạn Cúc cùng phòng giam còn cho Hiền một hạt xà cừ, khi bị tra tấn thì ngậm trong miệng để không rên la mất sức. Mỗi lần thẩm cung, trở về phòng thì dì Năm Tờn, thím Tuệ xin đường về đổ cho Hiền hồi sức, tỉnh lại.
Sau đó chúng bắt Hiền đi học cải huấn, cô cùng nhiều chị em đồng tâm phản đối. Bọn chúng lại xoay kiểu hành hạ khác, đưa các chị đi hành dịch. Một hôm đi lao dịch, Hiền cùng một người bạn tù khiêng thùng phân đi đổ. Khi ra khỏi hàng rào thì họ tính kế thoát ngục. Hai chị vạch kế hoạch khiêng thùng phân đi về hướng tây, lên phía đường rầy xe lửa nằm sát chân núi Trà Cai rồi bỏ thùng phân chạy về phía Đông Yên, lần qua Tây Yên, về quê thôn 6 Kỳ Thịnh. Nhún vai định bỏ thùng phân chạy, nhưng nhìn lên phía đường ray có cả một trung đội lính án ngữ; ngó lại đàng sau lại có một toán cảnh sát đang ngóng chừng tù nhân lao dịch, hai cô từ bỏ ý định.
Sau hơn 3 tháng thẩm cung, bọn cai ngục bắt Hiền phải ký cung rồi đưa lên Hội đồng tái xét. Trên đường lên gặp Hội đồng tái xét, Hiền gặp chú Bảy Lại - một người tù rất từng trải, ông nhắc nhỏ: “Con cố lên nghe”. Hiền dạ rất khẽ. Đến nơi, bước vào phòng, bọn cảnh sát hướng dẫn Hiền phải dựa lưng vào tường lần bước đi tới. Trước mặt cô là một người ngồi chễm chệ trên chiếc ghế đặt chính giữa hai hàng thuộc hạ. Hiền dán mắt nhìn kỹ bảng tên mới biết đó là Đại tá Đào Mộng Xuân. Ông Xuân huơ tay, giọng khét ngặt chất vấn. Hiền bình tĩnh chối cung. Bọn chúng liền gọi người lên đối chứng, Hiền cũng kiên quyết chối cung, không nhận quen biết với ai cả. Không buộc được tội, bọn chúng đưa cô sang giam ở trung tâm cải huấn hơn một năm. Tháng 7.1971, Hiền ra tù. Ra khỏi cổng tù, Hiền giả dạng một cô gái đi chợ mua bán chi đó, lách vào các làng xóm, lần đường về Kỳ Thịnh. Bởi, có nhiều người ra tù lập tức bị bọn ác ôn ở xã, thôn cùng quê đang sống lưu vong ở Tam Kỳ đón đường bắt thủ tiêu.
Về lại thôn 6 Kỳ Thịnh, tình hình lúc này căng hơn cả hồi chị chưa bị địch bắt. Nhiều đồng chí du kích lớp trước chị mấy năm hy sinh; nhiều bạn bè cùng lứa cũng đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này. Làng xóm vắng và xơ xác quá, nhưng bà nội và ông bác ruột vẫn gan lỳ bám vườn cũ. Biết Hiền vẫn giữ được lòng trung trong mấy năm tù, các đồng chí cán bộ liền đến nhà giao Hiền nhiệm vụ làm cơ sở hợp pháp cho Ban Binh vận tỉnh. Từ 1971 đến 1974, Hiền đã vượt qua vô vàn hiểm nguy, luồn sâu vào vùng nội ô Tam Kỳ để đưa giấy tờ, công văn mật cho các cơ sở, rải truyền đơn kêu gọi binh lính, dẫn đường nhiều đồng chí cán bộ tiềm nhập nội thành, cùng cam cộng khổ với đồng chí đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Giữa năm 1974, ông Tư Lựu - Chính trị viên Huyện đội có ý kiến điều Hiền về làm giao liên cho Huyện đội Bắc Tam Kỳ. Với công việc mới, Hiền lại tiếp tục xông pha trên khắp mọi nẻo đường. Giữa chiến trường đang vô cùng ác liệt, mỗi chặng đường đi qua của nữ chiến sĩ giao liên Hiền là một lần vượt qua cái chết. Và cứ như vậy, cô Hiền ở cái thời mười tám đôi mươi ấy luôn hồn nhiên, âm thầm “ra trận” mãi cho tới ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Bây giờ, cái cô Hiền ở tù lúc mười lăm tuổi đầu, cái cô Hiền mồ côi, ít học kia đã trở thành người mẹ của hai đứa con có bằng thạc sĩ. Tâm sự với tôi, chị vẫn với dáng vẻ hồn nhiên, sôi nổi như cô Hiền của cái thời xưa ấy:
“Sau ngày hòa bình, tôi lập gia đình rồi lăn xả kiếm kế sinh nhai, nuôi con ăn học. Bây giờ đã tròn tuổi sáu mươi, mấy đứa con đều có công ăn việc làm và bước đầu thành đạt, thì như một lẽ tự nhiên nào đó mà tất cả những ký ức bi tráng của cái thời xa xưa ấy lại trỗi dậy, hiển hiện rõ mồn một trong tôi. Đồng đội cùng ở tù, cùng chiến đấu với tôi sau cuộc chiến chẳng còn mấy người. Nằm đêm nghĩ đến họ, tưởng đến họ, nước mắt tôi lại rưng rưng. Và, tôi luôn nhắc các con của tôi phải sống như thế nào để khỏi phụ xương máu, phụ công lao của bao thế hệ cha ông, trong đó có mẹ, có ông bà... của các con năm xưa”.
PHẠM THÔNG