Thượng Đức, những điểm nhìn - Bài cuối: Núi đồi đồng vọng
Chiến thắng Thượng Đức đã thuộc về lịch sử. Người dân vùng “đất chết” đã tìm thấy cuộc sống yên bình bên mảnh vườn ngày cũ. Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức khánh thành ngay trong ngày kỷ niệm (7.8), không chỉ là nén tâm nhang tôn vinh những người đã nằm lại đất Mẹ, mà còn là lời nhắn gửi đến thế hệ mai sau về cái giá phải trả cho cuộc trường chinh, thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Tượng đài trong lòng dân
Tượng đài Chiến thắng sừng sững uy nghi dựng trên đồi Thượng Đức, cạnh những chứng tích chiến tranh còn sót lại 40 năm qua, hướng mặt về dòng Vu Gia dùng dằng về xuôi. Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), một trong những người vận động Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tài trợ kinh phí xây dựng công trình chia sẻ, tượng đài như nén tâm nhang của những người sống sót trên chiến trường Thượng Đức thắp cho những người nằm lại. Nhưng sự tôn vinh, ghi nhớ công trạng ấy vẫn chưa đủ. Cái giá phải trả cho trận chiến này, cho cả cuộc trường chinh, thống nhất hai miền Nam - Bắc khá đắt. Đến nay chỉ có khoảng 600 (trong số 1.000) chiến sĩ hy sinh được tìm thấy hài cốt. Số còn lại đang nằm đâu đó trên đồi Thượng Đức hay ở những điểm cao giao tranh dữ dội ngày ấy vẫn chưa thể về với đồng đội, hay nhiều ngôi mộ vẫn mang dòng chữ “vô danh” đang day dứt, buộc những cựu binh phải tiếp tục mở thêm nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm, đến từng gia đình người tham chiến để có thêm hình thức tôn vinh. Đại tá Nguyễn Huy Toàn - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 hy vọng rằng Bộ Quốc phòng sẽ cử công binh về rà phá bom mìn, tìm hài cốt của hơn 300 chiến sĩ còn nằm đâu đó trên mặt trận Thượng Đức. “Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức khánh thành. Xây dựng đã khó, nhưng nuôi dưỡng tác dụng, để các thế hệ mai sau hiểu hơn về cái giá của độc lập, xây dựng một tượng đài trong lòng dân còn khó hơn” - Đại tá Nguyễn Huy Toàn nói.
Qua chợ Hà Tân. Ảnh: NHẬT PHONG |
Nỗi day dứt ấy không chỉ của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Đại tá Nguyễn Huy Toàn, hay của cựu chiến binh Sư đoàn 304, mà đó cũng là nỗi buồn dai dẳng của nhiều người thời hậu chiến. Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc) - Ngô Xuân Yến nói, chính quyền đã phối hợp tổ chức những đợt tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên đồi Thượng Đức nhưng vẫn chưa tìm thấy được gì. Giờ đây, người ta thường nói về hòa giải để hòa hợp thì câu chuyện ấy đã từng được thể hiện trên mảnh đất Thượng Đức. Chiến sự nổ ra, hơn một vạn người từ chi khu được di tản và 1.600 tù binh địch đã được nhân dân vùng giải phóng đón nhận. Họ đã được những người cách mạng dành những bịch gạo, lon sữa qua những ngày bệnh tật, để rồi sau đó được trả về đoàn tụ gia đình. Bốn mươi năm, thời gian đủ dài để người ta quên đi những đau thương mất mát trong chiến tranh. Chiến công, mất mát lẫn dư vị đắng chát thời chiến tranh, thường chỉ được nhắc tới trong các ngày giỗ chạp, ngày kỷ niệm hoặc một sự kiện nào đó diễn ra trên quê hương. Hàng nghìn bộ đội, du kích địa phương hy sinh trên mặt trận và cũng ngần ấy thương binh là những con số thực, có thể đo đếm được, nhưng nỗi đau thương mất mát, trầm uất còn sót lại trong mỗi người thì không thể nào định lượng. Nhưng họ nhắc lại chuyện cũ không phải để sống trong hoài niệm, không phải nói về nỗi đau mất mát, càng không phải để nuôi lòng thù hận mà để hướng về tương lai.
Truyền kỳ của đất
Nhiều người dân Hà Tân kể, ngày trở về không thấy nhà, không thấy làng. Chỉ có một vùng đồi loang lổ, lơ thơ cây cỏ và những chú chim lạc loài giật mình thảng thốt vỗ cánh bay lên từ đáy những hố bom ken dày mặt đất. Thi thoảng vẫn có thêm những tiếng nổ từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong những cuộc làm đồng, khai hoang phục hóa. Vậy mà chẳng mấy ai dứt áo ra đi. Họ vẫn sống và hy vọng. Cho tới giờ, không ít người vẫn còn tự hỏi, không hiểu vì sao họ có thể sống qua được những ngày tháng đói nghèo thời hậu chiến mà vẫn yêu nhau, sinh con, đẻ cái, cho chúng học thành tài, trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo nhiều như hôm nay. Có lẽ người ta bắt đầu quên đi cái nghèo khổ, kể từ khi cả làng hăm hở lao vào chiến dịch tấn công đồng cỏ, ra quân làm thủy lợi, quy hoạch mồ mả, biến những cánh đồng hoang hóa ken kín bom mìn thành những cánh đồng lúa tốt tươi, rau trên đất và màu xanh trên biền bãi suốt mấy chục năm qua.
Người Đại Lộc vẫn thường ví von Đại Lãnh có 3 thứ đặc sản là chiến trường lịch sử, rẻo đất nhỏ neo ven bờ sông Cái, sông Côn quanh năm đón nắng gió mát và cái nghèo. Nhưng, họ không bao giờ thôi khát vọng. Chợ Hà Tân vẫn tấp nập bán buôn. Khách thương hồ từ thượng nguồn xuống, bến Hiên qua, neo thuyền, tải hàng hóa lên những chuyến xe đò Hà Tân - Đà Nẵng và ngược lại mỗi ngày. Dân địa phương nói vui, Đà Nẵng có gì, chợ Hà Tân có nấy. Chính quyền địa phương vẫn phải thừa nhận dù tốc độ giá trị ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá ổn định, nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực này thấp, thiếu giải pháp kinh doanh, liên kết, phát triển ngành nghề mới và nông nghiệp bấp bênh… Nghĩa là cái nghèo vẫn đeo đẳng đất này suốt bốn mươi năm qua. Điều ấy rất dễ để hình dung khi vượt qua thị tứ Tân An, một con đường xuôi cầu Hà Tân đầy bụi đất qua những ngôi nhà thấp nép mình giữa trung tâm xã, thiếu tiếng ồn ã của những công xưởng, nhà máy hay cơ sở xí nghiệp, và thiếu cả những quán cà phê dọc đường. Dân địa phương cũng đã nghĩ đến chuyện làm du lịch hoài niệm chiến trường như ý kiến của nhiều cựu binh hay cơ quan quản lý, nhưng giờ họ không có tham vọng ấy, dù biết chắc, du lịch phát triển sẽ có thêm nguồn kinh phí để tái thiết, nhưng không dễ để đầu tư và doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền ra để tạo lập điểm đến, mở tour lên vùng đất khá xa xôi này. Với họ đó là chuyện của ngày mai. Nhưng họ cũng tin rằng, ở nghìn trùng xa nào đó, các liệt sĩ đang dõi mắt, cổ vũ dân Thượng Đức biết quý từng tấc đất, nuôi dưỡng khát vọng cường thịnh, để sự hy sinh cho độc lập tự do không trở thành vô nghĩa.
Con đường trở lại xuôi đã gần hơn. Cánh đồng lúa xanh mướt có những bờ xe nước tưởng chỉ còn hiện hữu trong ca dao, và rẻo đất nhỏ ven sông, suối đồi có trâu đầm, trẻ em nô đùa trên cánh đồng mơ tưởng ấy… trôi ngược phía sau.
Thượng Đức ác liệt đạn bom đã trở thành lịch sử!
NHẬT PHONG