Chuyện một gia đình cách mạng (Tiếp theo và hết)
Hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt buộc Yến Nhi phải khôn, rắn rỏi trước tuổi. Bản năng sinh tồn trỗi dậy trong một cơ thể bé bỏng, Yến Nhi phải lao động để tự nuôi mình và có chút ít để tiếp tế cho cha mẹ. Hằng ngày, Yến Nhi đầu trần chân đất ra rừng, xuống suối hái rau, bắt ốc, mót củi; mua đậu xanh, đội cát về ủ giá. Tất cả những thứ kiếm được, làm được, Yến Nhi loắt choắt gánh, vác ra chợ ngồi bán. Mỗi lần bé đến chợ, vừa ngồi xuống là bà con xúm lại mua sạch trong chốc lát. Có người nhân cơ hội còn cho thêm tiền. Ngó thì rất cô đơn, sống cù bơ cù bất, nhưng thực ra Yến Nhi vẫn luôn được những đôi mắt nhân ái dõi theo và những bàn tay “vô hình” của những người cùng lý tưởng với ông Châu tìm cách chăm sóc từ xa.
|
Nỗi khổ, nỗi đau đã ám vào tâm hồn non tơ của Yến Nhi. Mỗi lần Yến Nhi đi bộ lên nhà tù quận Hiệp Đức thăm cha mẹ là mỗi lần chứng kiến sự hành hạ của kẻ thù qua những vết sưng tấy, bầm đen trên mặt, trên thân thể họ. Có một hôm Yến Nhi mang chiếc áo của cha về nhà giặt. Áo dày mo, nặng trịch, cứng ngắt bởi máu, mủ và những miếng da mỏng từ các vết thương bong ra bết chặt trên vải. Tay yếu, không giặc sạch được, Yến Nhi phải đem ra sông lấy đá chận ngâm hai ba ngày máu thịt mới rã ra. Yến Nhi giặt áo cho cha mà khóc nức nở. Tưởng chừng như tiếng khóc thiết tha của cô bé sẽ thấm vào từng thớ đá của núi non kia, sẽ hòa vào dòng chảy sông Thu để hóa thân thành sóng biển Đông, sẽ vang vọng mãi tới trời xanh hóa thân thành những cơn sấm dữ. Đấy là tiếng khóc của trẻ thơ trong thời buổi đất nước phân ly, tiếng khóc của một thời tao loạn...
Ngày tháng tăm tối nhất của Yến Nhi rồi cũng dần qua, nỗi cô đơn cùng cực cũng vơi bớt khi mẹ bé mãn hạn tù trở về. Nhưng cha thì vẫn còn phải thăm thẳm những tháng ngày tù ngục. Hết bị giam ở quận Hiệp Đức, địch đưa ông Châu xuống Hội An rồi di lý vào nhà tù tỉnh, ở Tam Kỳ.
Tháng 12 năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tướng Minh lên cầm quyền, ông Châu được phóng thích. Ra tù về nhà, ngay trong đêm có mấy người nói tiếng dân tộc trong Đội công tác huyện Hiệp Đức đến đưa hết cả nhà ông lên phía Bà Huỳnh, Bà Xá, bởi nếu không kịp thời đưa đi, bọn phản động tại địa phương sẽ thủ tiêu ông ngay. Được ở vùng giải phóng, bà Vân lo cuốc đất tăng gia sản xuất, cô bé Yến Nhi bắt đầu được học chữ. Còn ông Châu lại nhận lệnh trở về Sơn Bình tổ chức các trận đánh tiêu diệt địch, phát động nhân dân nổi dậy giải phóng quê hương.
Năm 1969, thành lập huyện Quế Tiên, đây cũng là thời điểm cuộc chiến vô cùng ác liệt. Sơn Bình bị địch đánh trắng nhưng bà Vân quyết trụ bám tại quê nhà, ông Châu thì được huyện điều lên làm cán bộ giao vận, Yến Nhi bây giờ đã 16 tuổi, làm y tá xã Sơn Bình.
Vào một buổi sáng sớm năm 1969, Yến Nhi bị đánh thức bởi tiếng súng đì đoàng phía Bình An, đúng nơi cha cô thường ngủ qua đêm. Linh cảm có thể địch đã tập kích vào nhà bà Tịnh - cơ sở cách mạng của ta, cha đang gặp nguy hiểm, Yến Nhi vọt lên khỏi hầm chạy về phía có tiếng súng. Cô nghĩ, nếu linh cảm đúng, có thể cha mình đang bị thương, cần băng bó, cần sự cấp cứu của cô. Yến Nhi tự giục: “Phải chạy, chạy cho nhanh”.
Đến nơi, trước mắt Yến Nhi là ngọn lửa bừng bừng trên nóc hầm nhà bà Tịnh. Địch đã đi xa. Bà Tịnh ré to: “Cha của con đã chết rồi, ở ngay miệng hầm đó, chúng nó chất tranh đốt xác. Tội nghiệp quá!”.
Yến Nhi xông thẳng vào dập lửa, nhảy xuống miệng hầm, phủi lửa còn cháy sém trên cơ thể cha. Người ông Châu mỏng tanh, nhẹ tơn nên Yến Nhi bồng xốc đưa ra khỏi miệng hầm, đặt nằm trên đất rồi ba chân bốn cẳng chạy về kêu mẹ.
Bà Vân cùng dì ruột Yến Nhi nghe tin sét đánh ngang tai, hai người cuống chân nhưng cố hết sức chạy về phía Bình An. Bà Vân khóc lăn lộn bên thi thể chồng. Nhưng rồi bà phải bình tĩnh. Hoàn cảnh buộc bà phải vậy. Bà gạt nước mắt, nhờ bà con mỗi người một tay khiêng thi thể ông Châu về nhà. Địch thường xuyên càn quét đánh phá Sơn Bình, ban ngày đàn ông phải dạt hết lên núi, chỉ còn bà già, phụ nữ, trẻ con ở nhà. Bà Vân tự tay gói ghém thi thể chồng, cùng những người phụ nữ hàng xóm khiêng ông Châu ra núi chôn cất.
Cha mất, nỗi đau tột cùng phủ lên đầu cô gái mới lớn. Nhưng thời gian và công việc gấp gáp thời chiến không cho phép con người chìm đắm trong nỗi đau. Yến Nhi đã cứng cỏi hơn, cô xin mẹ thoát ly lên huyện nối gót cha làm cách mạng.
Chưa tròn mười tám tuổi, Yến Nhi đã được kết nạp vào Đảng. Sau ngày giải phóng - 1975, Yến Nhi luôn tâm niệm lời dặn của cha: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ và dân tộc”. Yến Nhi đã phấn đấu hết mình để làm được điều đó.
Bây giờ bà Vân đã theo ông Châu trở thành người thiên cổ, Yến Nhi bé bỏng năm xưa cũng đã ngoài sáu mươi. Đến giờ phút này có thể nói rằng, Yến Nhi - con của liệt sĩ Phan Thanh Châu và bà mẹ trụ bám Trần Thị Vân đã suốt đời phục vụ cách mạng. Sau 43 năm công tác, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Phan Thị Yến Nhi về hưu, sống lặng lẽ một mình trong một căn nhà nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, TP.Tam Kỳ. Bù vào đó là sự kính trọng của mọi người. Cô vẫn hăng say, đầy trách nhiệm trong vai trò Bí thư Chi bộ khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh. Cô lấy tình đồng chí, tình bạn, tình nghĩa láng giềng và sự bình yên của khối phố để làm vơi bớt nỗi trống trải của mình. Nhưng dù cuộc sống có đổi thay đến đâu, Yến Nhi vẫn không bao giờ quên cái thuở đầu đời đầy đau thương ở phía thượng nguồn sông Thu kia. Bởi, đó là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi có máu, nước mắt của gia đình, của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống trong các cuộc kháng chiến vệ quốc trường kỳ.
Truyện ký của PHẠM THÔNG