Làng kháng chiến Ngọc Mỹ

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 01/04/2014 09:16

Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, làng Ngọc Mỹ (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) là chiếc nôi cách mạng. Vùng đất này không chỉ là căn cứ an toàn tuyệt mật bởi hàng trăm mét địa đạo, nhiều hầm hào được nhân dân bí mật đào sâu trong lòng đất, nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ, mà còn là nơi đưa tiễn hàng trăm người con ưu tú lên đường cầm súng giết giặc, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Các nhân chứng lịch sử xác định vị trí địa đạo năm xưa ở Ngọc Mỹ.  Ảnh: ĐIỆN NGỌC.
Các nhân chứng lịch sử xác định vị trí địa đạo năm xưa ở Ngọc Mỹ. Ảnh: ĐIỆN NGỌC.

Làng Ngọc Mỹ có 4 ấp gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, là địa phương có truyền thống cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn. Với truyền thống đó, từ trong những năm chống Pháp, ở đây đã có nhiều thanh niên không sợ hy sinh gian khổ tích cực tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại địa phương cũng như ở phủ đường Tam Kỳ, góp phần đưa cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn. Các tấm gương trung liệt đó luôn được thế hệ người làng Ngọc Mỹ nhắc đến bằng những dòng thơ: “Đỗ Phòng, Nguyễn Chánh, Trần Châu/ Nguyễn Mại, Đỗ Rạng dẫn đầu chỉ huy/ Kéo nhau lên phủ Tam Kỳ/ Đánh đuổi Pháp, Nhật cứu nguy sơn hà/ Làm cho cuộc sống dân ta/ Thoát vòng nô lệ thật là vinh quang/ Việt Nam độc lập hoàn toàn/ Bác Hồ lãnh đạo dân càng vững tin”.

Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, trong những năm chống Mỹ, cứu nước, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, nhiều người bị giết hại dã man và có không ít người bị địch bắt đưa vào khu dồn, nhưng với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời” nhân dân Ngọc Mỹ quyết tâm bám đất, giữ làng, đào địa đạo và hầm bí mật để nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Ông Trần Duy Tung - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tam Kỳ, nguyên Liên đội trưởng Thiếu niên giải phóng kiêm Liên đội trưởng Thiếu niên Tiền phong thôn Ngọc Mỹ cho biết, trong những năm chống Mỹ, các xã vùng đông Tam Kỳ nói chung, thôn Ngọc Mỹ nói riêng là địa bàn trọng yếu, nên bị địch chiếm đóng trong nhiều năm. Bọn chúng đã dùng mọi thủ đoạn để giết hại những người chúng cho là có liên quan với cách mạng. Trước sự dã man và thâm độc của kẻ thù, để ứng phó, bảo toàn lực lượng cách mạng, thôn Ngọc Mỹ vận động hơn 230 thanh thiếu niên tập trung đào địa đạo. Từ tháng 6.1965 đến 6.1966 toàn thôn đã đào được 3 đoạn địa đạo với tổng chiều dài hơn 300m. Thiếu niên là những người được phân công đào, thanh niên có trách nhiệm chuyển đất đi đổ ở nơi khác, người già, trẻ em là lo thức ăn, nước uống, đồng thời làm nhiệm vụ canh gác.

Địa đạo được đào dưới những bụi tre dọc theo con đường mòn dẫn vào làng để tránh sự phát hiện của địch và hạn chế sạt lở. Công việc rất khó khăn, nhưng với tinh thần yêu nước, hàng trăm con em địa phương không ngại gian khổ, ngày đêm hăng say đào địa đạo. “Do tầng đất dễ bị sụt lún nên nhiều đoạn phải dùng tre đan thành tấm dựng hai bên thành địa đạo và phải đào theo hình chữ Z để tạo sự vững chãi. Như thế cũng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ, hạn chế thương vong mỗi khi địch dùng lựu đạn ném xuống địa đạo” - bà Trần Thị Hoàng, người từng tham gia đào địa đạo cho biết.

Địa đạo đã được hình thành, tạo nên sức mạnh giúp nhân dân Ngọc Mỹ chiến đấu ngoan cường, đánh bại âm mưu xâm lược của địch, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch; thu giữ và phá hủy của địch hàng trăm vũ khí các loại. Riêng giai đoạn 1965 - 1966, lực lượng vũ trang xã Tam Phú phối hợp với du kích thôn Ngọc Mỹ đánh gần 10 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 125 tên địch, trong đó có một tên ác ôn khét tiếng. Trải qua chiến tranh, thôn Ngọc Mỹ có 43 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 323 liệt sĩ, hàng chục thương bệnh binh.

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng quê hương, Chi ủy, Ban nhân dân thôn Ngọc Mỹ tổ chức gặp mặt thân mật những người con quê hương cùng những người đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất này. Dịp này, thôn Ngọc Mỹ tổ chức buổi tọa đàm, không có nhà khoa học, không có chuyên gia chỉ có những người đã từng cầm xẻng xúc đất đào địa đạo, những người cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất nơi đây. Tất cả đều khẳng định, trong những năm chống Mỹ, cứu nước, tại làng Ngọc Mỹ có 3 đoạn địa đạo dài hơn 300m; chính nhờ địa đạo này đã giúp họ chiến đấu an toàn. Trải qua thời gian, hiện nay các đoạn địa đạo đã bị vùi lấp. Các nhân chứng lịch sử năm xưa mong muốn địa đạo sẽ được trùng tu, tôn tạo để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC