"Kháng chiến kiến quốc" ở Quảng Nam
Buộc địch phải co cụm
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, 8 giờ sáng ngày 20.12.1946 tiếng súng kháng Pháp nổ vang nội thành Đà Nẵng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt tại nhà sách Thái Thị Bôi, nhà Thông tin, Cổ viện Chàm, bót Đội Cung. Các chiến sĩ tự vệ, các phân đội bộ đội Vệ quốc bám trụ đánh địch, quyết giữ từng căn nhà, góc phố. Qua 3 ngày chiến đấu, quân và dân Đà Nẵng đã tiêu hao sinh lực địch, giam chân chúng, tạo điều kiện để phần lớn lực lượng của ta rút ra ngoài, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Chiều 22.12.1946, Ban Chỉ huy Mặt trận Đà Nẵng ra lệnh rút các đơn vị bộ đội ra khỏi trung tâm thành phố để tổ chức lực lượng chặn đánh địch ở vành đai. Hơn một tháng chiến đấu, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp.
Chuẩn bị cho công cuộc chống Pháp vào tháng 12.1946.Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III |
Sau khi chiếm được phía bắc sông Cẩm Lệ, địch ra sức tấn công vào phía nam. Với trang bị vũ khí tối tân hơn hẳn, địch đã phá vỡ tuyến phòng thủ của ta nằm phía nam sông Cẩm Lệ, Hội An, Điện Bàn, tiến lên chiếm Ái Nghĩa. Sau đó chúng tiếp tục vượt sông Thu Bồn, Vu Gia đánh chiếm Duy Xuyên và các xã phía tây Ái Nghĩa - Đại Lộc. Địch lập phòng tuyến từ Cửa Đại lên Đại Lộc: trên đất Duy Xuyên có 17 đồn bót; trên đất Đại Lộc có 7 đồn bót. Nhưng đến đây chúng không thể tiến thêm hơn nữa. Bộ đội ta chặn đánh địch ở Hương An, buộc chúng phải lui về Bà Rén; đánh tại Vĩnh Trinh buộc chúng co về Tân Phong; đánh Tân Phong buộc chúng co về Thu Bồn. Chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp trong các vùng bị chiếm ở Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc. Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 10.1948, lực lượng ta đã đánh 427 trận, diệt 870 tên, làm bị thương 355 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Từ năm 1949 đến 1954, ta mở nhiều chiến dịch đánh địch bằng đủ các thứ quân, gồm: lực lượng chủ lực của Liên khu 5 như Trung đoàn 108, Trung đoàn 803; các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh và các đại đội tập trung của các huyện Hòa Vang, Duy Xuyên, Điện Bàn; du kích địa phương tấn công địch trong TP.Đà Nẵng, thị xã Hội An, thị trấn Vĩnh Điện, Ái Nghĩa... khiến cho kẻ địch ngày càng hoang mang, co cụm cố thủ trong những căn cứ.
“Kiến quốc” để kháng chiến
Từ cuối năm 1947, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã hình thành 2 vùng tự do và bị chiếm. Vùng tự do gồm các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Bến Giằng, Bến Hiên, Trà My, Phước Sơn gắn liền với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Vùng tự do Quảng Nam - Đà Nẵng là địa bàn chiến lược quan trọng, là tuyến đầu phía bắc của vùng tự do khu 5, làm cầu nối với Bình Trị Thiên và căn cứ kháng chiến Lào, Đông Bắc Miên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh, quân và dân Quảng Nam ra sức xây dựng hậu phương vững chắc để phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời sẵn sàng đánh địch càn quét lấn chiếm, bảo vệ thành quả cách mạng.
Về kinh tế, thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người dân hăng hái tăng gia sản xuất. Hưởng ứng sự vận động của chính quyền, Mặt trận Việt Minh, địa chủ phú nông hiến điền cho nông dân không có ruộng; chia công điền, giảm tô; hình thành các hình thức tương trợ, giúp nhau trong sản xuất nông nghiệp như vòng công, đổi công...; nghề biển, nghề làm muối, tiểu thủ công nghiệp, trồng bông kéo sợi dệt vải phát triển nhanh. Vùng tự do còn nghèo, lượng hàng mua được từ vùng địch tạm chiếm hạn chế, phương tiện lưu thông chưa phát triển..., song chủ trương phát triển thương nghiệp cũng đã giúp nông dân, thợ tiểu thủ công, tiểu thương trao đổi, tiêu thụ hàng hóa tự làm ra phục vụ nhân dân và cung cấp cho bộ đội.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ 6.3.1945 và thỏa ước 19.4.1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11.1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Ngày 18 và 19.12.1946, hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19.12.1946, tiếng súng giết giặc của thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân và dân cả nước cũng đã vùng lên kháng chiến và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc. |
Về văn hóa - xã hội, cả hệ thống chính trị các cấp đều ra sức tổ chức “chống giặc dốt”. Tất cả những nơi công cộng như điếm canh, xích hậu, đình làng hay nhà tư rộng rãi đều trở thành trường lớp. Nhân dân còn góp tranh tre để dựng trường học. Các lớp sơ học, bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ được hình thành khắp các làng xã. Thực hiện thi đua về nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, bãi bỏ những tập tục lạc hậu, các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sinh động, phong phú, sôi nổi.
Về chính trị, an ninh quốc phòng, mọi người dân đều tự do, bình đẳng trong quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế; sinh hoạt hăng hái và thân thiện trong các đoàn thể quần chúng... Hầu hết thanh niên trai tráng tự nguyện gia nhập vào các đội tự vệ tập trung, dân quân du kích, lực lượng an ninh địa phương. Hàng nghìn thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ. Mỗi năm có hàng nghìn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Nhiều người mang vác, đi bộ hàng tháng trời qua Ba Tơ, Giá Vụt (Quảng Ngãi) lên Kon Plông, Đắk Tô tiếp tế cho chiến trường Bắc Tây Nguyên; qua Đèo Le, Trung Phước, Đá Nhảy, Trung Man đến Đồng Xanh, Đồng Nghệ phục vụ chiến trường Hòa Vang - Đà Nẵng.
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Trong gian khó, loạn ly mới thấy hết tình dân tộc nghĩa đồng bào. Phong trào “Hướng về vùng bị chiếm” đã xuất hiện nhiều tấm lòng chí tình chí nghĩa. Nhiều gia đình ở Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn... nhận con em vùng bị chiếm về làm con nuôi, cho ăn học. Bà con vùng bị chiếm tản cư được nhân dân địa phương đùm bọc, giúp chỗ ở, nhường bớt ruộng đất, lưới chài..., tạo điều kiện làm ăn. Phong trào “Ủng hộ bộ đội”, “Nhận thương binh về làng” được các mẹ, chị hưởng ứng, nhận nuôi hàng nghìn thương binh, bộ đội suốt trong nhiều năm. Hội mẹ, chị chiến sĩ và các đoàn thể quần chúng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà “ủy lạo” bộ đội... Từ đó gắn bó tình cảm giữa bộ đội với nhân dân như cá với nước. Những cụm từ danh xưng: “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của mình” được bà con nhắc đến với tấm lòng trìu mến.
Từ năm 1951, quân Pháp ở Đà Nẵng tăng cường đổ bộ đánh phá các làng xã ven biển Thăng Bình, Tam Kỳ. Nhất là từ tháng 8.1951, sau khi chiếm đóng Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi), từ Đà Nẵng vào - từ Lý Sơn ra, tàu chiến của chúng thường xuyên vây ráp, bắt bớ ngư dân. Nhưng các chiến sĩ tự vệ, dân quân, du kích các xã, thôn, bộ đội địa phương Thăng Bình, Tam Kỳ đã chiến đấu ngoan cường, hạn chế bước tiến và sự tàn phá hung bạo của địch. Trong 9 năm kháng chiến, địch không ngừng bao vây phong tỏa, đánh phá hòng làm suy yếu hậu phương, thực hiện âm mưu lấn chiếm vùng tự do nhưng đều bị quân và dân Quảng Nam kiên quyết đánh trả, giữ vững trận địa, làm tròn nghĩa vụ hậu phương.
Cuộc kháng chiến của dân tộc ta kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm đã phản bội hiệp định, những bà mẹ Quảng Nam lại đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội; con em họ lại xung trận để thực hiện cho bằng được lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hạnh phúc tự do cho nhân dân.
* *
*
Những phong trào cách mạng đã được Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, tổ chức thực hiện trong chín năm “kháng chiến kiến quốc” ở vùng địch chiếm các huyện cánh bắc và trong vùng tự do các huyện cánh nam của Quảng Nam - Đà Nẵng luôn hàm chứa sâu sắc lòng yêu nước, yêu quê hương, tình thương giai cấp, tính nhân văn truyền thống nên rất gần gũi và thiết thực. Tất cả đã hun đúc, cô đặc thành ý chí sắt thép, thành mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, giữa đồng bào với đồng chí, giữa người ở lại với người đi tập kết miền Bắc. Ý chí và tình cảm đó được nuôi dưỡng qua những tháng năm đen tối nhất của phong trào cách mạng miền Nam. Và đó cũng là hành trang để người Quảng Nam sắt son, chung thủy với con đường đã chọn, để trong công cuộc chống Mỹ, từ đất Quảng Nam “trung dũng, kiên cường” bật dậy những chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước giành lại độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà trong cuộc Tổng tấn công vào mùa xuân năm 1975.
PHẠM THÔNG