Chủ động đối phó với hạn
Cách đây vài hôm, lên huyện miền núi Hiệp Đức tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp, Tư tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Tám An Sơn ở xã Quế Thọ đang lom khom phát dọn cỏ trên 3 sào ruộng còn trơ gốc rạ. Thấy lạ, tôi thắc mắc: “Tại nhiều nơi bây giờ những cánh đồng lúa non đã bắt đầu bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, sao đến thời điểm này ông anh vẫn chưa triển khai xuống giống?”. Anh Tám nói: “Do hệ thống hồ chứa, đập dâng, kênh mương ở vùng này chưa được thi công đồng bộ nên hàng chục năm qua 3 sào đất lúa của tui chỉ sản xuất được vụ đông xuân, còn hè thu thì hoặc phải bỏ ruộng hoang hoặc canh tác không đạt hiệu quả. Đầu vụ hè thu năm ngoái, được ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở tích cực hỗ trợ nhiều khâu nên tui chuyển toàn bộ diện tích sang gieo trồng giống bắp lai VN10 có sức chịu hạn tốt. Nhờ năng suất bắp đạt khá, giá bán sản phẩm tương đối cao nên vụ đó tui thu về gần 6 triệu đồng. Hiện nay, tui đang tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải, chuẩn bị đủ lượng hạt giống cần thiết để ngày 5.7 dương lịch bắt tay vào việc gieo tỉa bắp lai trên 3 sào đất lúa này và hy vọng sẽ thắng lợi như mùa trước”.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, trên địa bàn 12 xã, thị trấn của Hiệp Đức có 1.350ha đất lúa. Tuy nhiên, hè thu 2017 này ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương khuyến cáo nông dân chỉ đưa vào gieo sạ 1.000ha, còn lại 350ha không thể canh tác lúa được vì hạ tầng thủy lợi không đảm bảo phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Tấn Phát – Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, nhằm giúp nhà nông có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, từ đầu vụ đến nay các đơn vị liên quan của huyện đã tập trung vận động, tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật và đặc biệt là hỗ trợ một số khâu quan trọng khác cho cả nghìn hộ dân để họ có điều kiện chuyển đổi 70ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt như đậu phụng, bắp lai, mè…
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, ngoài 6 hồ chứa gồm Việt An, Bà Sơn, An Tây, Bình Hòa, An Vang, Tam Bảo thì toàn huyện Hiệp Đức có tổng cộng 55 đập dâng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Phát, thời gian qua trên địa bàn huyện thường có mưa dông vào buổi chiều nên tại thời điểm này mực nước của toàn bộ số hồ chứa và đập dâng vừa nêu đều cao hơn mức trung bình các năm trước khoảng 1,5 - 2m. Do đó, từ nay đến giữa vụ hè thu 2017, chuyện thiếu nước tưới cho 1.000ha lúa không phải là vấn đề đáng lo. Tuy nhiên, nếu trong tháng 7 và đầu tháng 8 dương lịch, nắng nóng xuất hiện kéo dài trên diện rộng thì rất nhiều khả năng Hiệp Đức sẽ có ít nhất 300ha lúa ở những khu vực cuối kênh bị khô hạn cục bộ vào giai đoạn gần cuối vụ. Ông Phát nói: “Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra, ngay từ đầu vụ hè thu năm nay lãnh đạo huyện đã yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền 12 xã, thị trấn triển khai xây dựng bài bản các phương án phòng chống nhằm chủ động đối phó. Hiện nay, các địa phương đã tiến hành khảo sát địa điểm và chuẩn bị sẵn sàng 22 máy bơm dầu dã chiến loại D5-D7, khi tình huống xấu xảy ra sẽ khẩn trương lắp đặt để tận dụng nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối, đầm rạch giải cứu lúa. Để tiếp sức cho chính quyền cơ sở và nhà nông, UBND huyện Hiệp Đức sẽ chi 1,3 tỷ đồng mua nhiên liệu hỗ trợ việc vận hành các máy bơm dã chiến. Đồng thời, mua nhiều rọ sắt cấp phát cho những đơn vị liên quan tổ chức ngăn dòng chảy các con suối, đập thời vụ nhằm tạo nguồn nước bơm tưới cho cây trồng”.
TƯ RUỘNG