Hái "lộc" đầu năm
Tết nhứt bận bịu bao việc nên trưa mùng 9 tháng Giêng vợ chồng Tư Ruộng mới ghé thăm gia đình anh Hai Mông Nghệ ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Uống mấy ly rượu mừng xuân xong, anh Hai dẫn Tư tôi ra xem giàn bí đao trĩu trái trên khu đất vườn rộng chừng 600 mét vuông. Nhìn những quả bí đung đưa theo gió, anh Hai Mông Nghệ cho biết, sau khi ươm bầu và mua tre về làm giàn, cách đây hơn 2 tháng gia đình anh đồng loạt xuống giống số diện tích bí đao này.
Những ngày sau tết, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập khá nhờ khổ qua trúng mùa, được giá. Ảnh: TƯ RUỘNG |
Nhờ mảnh vườn thuộc dạng đất cát pha, nằm ở vùng cao ráo nên cây bí không bị ngập úng, hư hại trong 2 đợt lũ xảy ra cuối năm 12.2016. Đặc biệt, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại nên thời gian qua giàn bí sinh trưởng rất tốt và tỷ lệ đậu quả khá cao. “Nói chú Tư mừng, sáng nay tui hái mở hàng 100 trái bí lớn, cân được tổng cộng 300kg. Bán ngay tại nhà cho thương lái với mức giá bình quân 10.000 đồng/kg, tui thu về 3 triệu đồng. Cái “lộc” đầu năm như vậy là phấn khởi quá rồi. Từ nay đến cuối vụ, nếu giá cả thị trường không biến động theo chiều hướng giảm thì nhiều khả năng gia đình tôi sẽ bỏ túi thêm 12 - 15 triệu đồng” - anh Hai Mông Nghệ chia sẻ.
Chiều cùng ngày, ra xã Duy Thành (Duy Xuyên) thăm vợ chồng người bạn thân thời sinh viên ở Huế, Tư tôi tình cờ thấy chị Tám Vân Quật và đứa con gái lớn đang thu hoạch trên ruộng khổ qua. Nghe hỏi về tình hình sản xuất, chị Tám cho biết cuối tháng 11.2016 gia đình chị tiến hành làm đất rồi triển khai xuống giống 2 sào khổ qua với hy vọng từ 16 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết tháng Giêng năm Đinh Dậu có trái bán thường xuyên. Nào ngờ, khi dây khổ qua mới bò lên được nửa mét thì giữa tháng 12 dương lịch mưa to và lũ lớn bất ngờ xuất hiện khiến cây bị thối gốc, lũn thân, chết héo hàng loạt. Không nản lòng trước thất bại, ngay sau khi nước lũ rút ra khỏi ruộng, chị Tám liền nhổ phá dây và tranh thủ trời nắng ráo cuốc xới đất rồi chạy đi khắp nơi tìm mua cả trăm bầu khổ qua khác về trồng lại, những mong có trái bán vào dịp đầu năm mới. Nhìn chiếc bao tải chứa đầy ắp khổ qua, chị Tám Vân Quật không giấu được niềm vui: “Chú Tư biết không, trong một tháng rưỡi trở lại đây nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, nước tưới không thiếu, chúng tôi tập trung chăm sóc nên ruộng khổ qua phát triển mạnh và ra trái rất nhiều. Từ hôm mùng 4 Tết đến nay, bình quân mỗi ngày tôi hái khoảng 40kg khổ qua chở lên chợ Nam Phước bán sỉ cho những người buôn lớn với mức giá dao động 30 - 35 nghìn đồng/kg. Bây giờ, ruộng khổ qua vẫn còn sum sê trái, hy vọng sẽ tiếp tục cho khoản thu kha khá”.
Nỗ lực khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra hồi đầu và giữa tháng 12 dương lịch năm trước, giờ đây đồng đất xứ Quảng đã ngút ngàn màu xanh của nhiều loại cây trái. Và, ngay trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu này, không ít gia đình đã hái “lộc” từ những giàn bí đao, khổ qua, ruộng đậu tây, vườn cà tím, vạt rau ăn lá… Nhà nông đang tràn trề niềm tin rằng bước sang năm mới mọi chuyện đều hanh thông.
TƯ RUỘNG