Trồng cỏ nuôi bò trên đất lúa
Thứ Bảy vừa rồi, lên xã Phú Thọ (Quế Sơn) dự tiệc mừng tân gia của người bạn thời sinh viên ở Huế, Tư tôi tranh thủ tạt qua nhà vợ chồng anh Chín Tân Đông chơi. Hỏi đến 3 sào đất lúa nằm phía sau nhà thường bỏ hoang vào vụ hè thu, anh Chín chỉ tay về phía đồng cỏ đang xanh mướt mát và nói: “Lâu nay chú em không ghé nhà anh chơi nên không nắm được tình hình. Tháng 10 dương lịch năm ngoái anh đã chuyển số diện tích đất lúa ấy sang trồng cỏ nguyên liệu phục vụ cho mô hình nuôi bò thâm canh rồi. Mô hình này đang tạo nguồn thu chủ lực đó Tư”.
Mặc dù nằm gần hồ chứa Hương Mao nhưng vì hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư xây dựng bài bản khiến hàng chục năm nay 3 sào đất lúa của vợ chồng anh Chín Tân Đông luôn khó khăn về nguồn nước tưới. Vụ đông xuân, nhờ trời thường có mưa rải rác nên họ xuống giống được và nếu trúng mùa thì mỗi sào thu chừng 190kg lúa khô. Còn hè thu, do nắng nóng quá khốc liệt, không biết tìm đâu ra nước để đổ ải gieo sạ nên phải đành bỏ hoang toàn bộ diện tích. Được ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn cùng chính quyền địa phương hỗ trợ giống và vật tư phân bón, cách đây đúng một năm anh Chín chuyển 3 sào đất lúa sản xuất kém hiệu quả đó sang trồng cỏ voi nguyên liệu rồi bỏ ra 56 triệu đồng dành dụm bấy lâu để mua 7 con bò đực choai về thả nuôi thịt theo phương thức thâm canh. Anh Chín hồ hởi nói: “Thời gian qua, nhờ thức ăn dồi dào và chủ động tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng nên đàn bò thịt của tui phát triển rất tốt. Hồi giữa tuần này, kêu thương lái đến bán tất cả số bò ấy, tui kiếm được 98 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 12 tháng tui lãi ròng 42 triệu đồng từ mô hình vỗ béo bò. Hiện giờ, tui sửa lại 2 cái chuồng cũ và làm thêm 1 cái chuồng mới để đầu tháng 11 tới mua 10 con bò đực choai về nuôi. Sở dĩ tui quyết định tăng số lượng đàn là thấy hướng này cho mức thu nhập khá cao, hơn nữa lượng cỏ nguyên liệu cũng đáp ứng được nhu cầu”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Trường Sang – Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, mấy năm gần đây nông dân địa phương đã chuyển ít nhất 200 sào đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng. Theo ông Sang, tính đến cuối tháng 10.2016 trên địa bàn xã đã có hơn 100 mô hình chăn nuôi bò thâm canh, bình quân hàng năm mỗi mô hình lãi 40 - 90 triệu đồng. Trong khi đó, ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, ngoài Phú Thọ thì từ năm 2012 đến nay phong trào nuôi bò vỗ béo cũng phát triển rất mạnh tại nhiều nơi khác của huyện, nhất là ở các xã Quế Phong, Quế Minh, Quế Châu, Quế Thuận, Quế Cường, Quế Xuân 2… Ông Châu nói: “Những năm qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền 14 xã, thị trấn tích cực vận động nhà nông chuyển hàng loạt chân đất lúa thường bỏ hoang vì không có nước tưới sang trồng cỏ nguyên liệu nuôi bò nhằm nâng cao nguồn thu nhập. Theo số liệu thống kê mới nhất, thời gian qua toàn huyện đã trồng được 50ha cỏ voi, trong đó 75% diện tích chuyển từ đất sản xuất lúa sang. Hiện nay, tổng đàn bò của Quế Sơn ước khoảng 10 nghìn con và số mô hình thả nuôi 5 - 20 con là không dưới 350 gia trại. Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, trong vòng 5 năm tới Quế Sơn sẽ tiếp tục chuyển 180ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang trồng cỏ nuôi bò thâm canh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng đàn bò trên toàn huyện lên 20 nghìn con”.
TƯ RUỘNG