Tiếp sức cho nhà nông
Cuối tuần rồi lên huyện miền núi Tiên Phước, Tư Ruộng ghé thăm vợ chồng anh Ba Tiên Hiệp đúng lúc họ đang chăm sóc vườn thanh trà sắp đến kỳ thu hoạch. Vừa hỏi tới chuyện làm ăn, anh Ba khoe: “Cũng nhờ ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nên mấy năm gần đây gia đình tui có nguồn thu nhập khá từ vườn cây này chứ hồi trước hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp”.
Cách đây 10 năm, anh Ba Tiên Hiệp tìm mua 90 cây giống thanh trà bản địa về trồng trên khu đất vườn rộng hơn 1 nghìn mét vuông nằm phía sau nhà. Mặc dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp nhưng do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh nên vụ nào cũng mất mùa. Thất bại triền miên khiến anh nản lòng nhưng suy đi nghĩ lại thấy tiếc cái công mình gầy dựng nên đành chấp nhận duy trì vườn thanh trà. Năm 2013, nghe tin ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước phối hợp với các đơn vị liên quan ở tỉnh mở lớp đào tạo nghề nhân giống và phòng trừ dịch hại trên cây thanh trà, anh Ba lập tức đăng ký tham gia. Anh nói: “Nhờ áp dụng bài bản các kiến thức đã học vào quá trình chăm sóc nên 2 năm nay vườn thanh trà của tui phát triển rất tốt. Đặc biệt, không hề bị dịch bệnh tấn công, nhất là sâu đục cành và nấm Phythoptora gây chảy nhựa, hư vỏ. Nói chú mi mừng, mùa thanh trà năm ngoái, nhờ cây nào cũng ra nhiều trái nên từ đầu đến cuối vụ tui thu về không dưới 60 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với thời điểm chưa được chuyển giao kỹ thuật. Mùa này, vườn cây cũng rất sai trái, chừng 1 tháng nữa là tiến hành thu hoạch rộ”.
Trên đường về lại Tam Kỳ, Tư Ruộng tình cờ thấy vợ chồng chị Sáu Tiên Phong cùng mấy đứa con đang hối hả thu hoạch vườn tiêu. Chị Sáu cho hay, nhờ được tham gia khóa tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây tiêu nên từ năm 2012 đến nay vườn tiêu 200 choái của chị phát triển tương đối tốt và không bị bệnh chết nhanh như nhiều địa phương khác. Chị hồ hởi, lứa này có thể thu hoạch 300kg hạt tiêu khô, bán được hơn 110 triệu đồng. Theo tìm hiểu, hiện nay tại quê của chị Sáu Tiên Phong đã hình thành câu lạc bộ trồng tiêu với tổng cộng 37 thành viên nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc trồng, chăm sóc và kịp thời đối phó với các loại dịch bệnh gây hại trên cây hồ tiêu.
Trao đổi với Tư tôi, ông Huỳnh Đức Thương – Phó phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, 3 năm trở lại đây đơn vị đã mở 13 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhân giống cây tiêu và cây thanh trà với sự tham gia của hơn 400 hộ dân trên địa bàn huyện. Sau khi hoàn thành khóa học, đa số học viên đều vận dụng tốt các kiến thức đã tiếp thu vào quá trình sản xuất, góp phần cải tiến tập quán canh tác, phòng trừ hiệu quả nhiều loại dịch bệnh.
TƯ RUỘNG