Đừng chuyển đổi theo phong trào

TƯ RUỘNG 12/08/2014 08:16

Vợ chồng chị Sáu Phong Phú ở xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn có 3 sào đất lúa. Do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng nên lâu nay việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thường bỏ hoang vào vụ hè thu. Bỏ hoang hoài thấy cũng buồn, vụ hè thu năm 2013 chị Sáu mua mè về gieo trên 3 sào đất lúa những mong có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Giai đoạn đầu, ruộng mè lên xanh mướt, nhưng đến thời điểm giữa vụ, khi cây mè bắt đầu ra hoa và tạo trái rộ thì nắng nóng hoành hành dữ dội. Loay hoay mãi vẫn không tìm ra phương án chống hạn, cuối cùng chị Sáu đành chấp nhận khoanh tay đứng nhìn ruộng mè non chết cháy. Không nản lòng, đầu vụ hè thu năm nay chị Sáu lại tiến hành cải tạo những ruộng lúa này rồi chọn mua giống bắp lai chất lượng cao về gieo tỉa. Mươi ngày sau, thấy hạt nẩy mầm, lên xanh, chị vô cùng phấn khởi và hy vọng sẽ có một mùa bội thu. Khổ thay, lần này, niềm vui cũng không trọn vẹn. Chỉ tay về phía những gốc bắp lô nhô vừa bị chặt phá, giọng chị Sáu buồn thiu: “Chú Tư biết không, hồi cuối tháng 6, khi 3 sào bắp ni đồng loạt phun râu, trổ cờ thì nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Trời không mưa, đất nứt toác, bắp chết héo dần. Chán chường, tui và chồng con vác rựa ra đồng chặt thân bắp gánh về ném cho trâu bò nhai. Vụ bắp này mất trắng khiến gần 2 triệu đồng vốn đầu tư tui bỏ ra tan tành theo mây khói”.

Chia tay chị Sáu, đi một đoạn, Tư tôi gặp anh Tám Phước Dương ngay trên ruộng sắn nằm sát mép đường. Nghe hỏi đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Tám lắc đầu: “Làm là làm vậy thôi chứ có hiệu quả chi đâu chú em”. Anh Tám cho biết, do không chủ động nước tưới nên hàng chục năm nay vụ hè thu nào anh cũng trồng sắn trên 2 sào đất lúa của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá trị kinh tế mà cây sắn mang lại chẳng đáng là bao, thậm chí lỗ công chăm sóc. Nhẩm tính một hồi, anh Tám nói: “Hè thu năm ngoái, bình quân 1 sào sắn tui nhổ được 600kg củ tươi, bán với giá 1.200 đồng/kg thì tổng số tiền thu về là 720 nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư đã tốn hết 617 nghìn đồng. Chờ đợi suốt 6 tháng trời, lãi ròng mỗi sào chỉ 103 nghìn đồng, hỏi sao không chán. Nhưng, nếu chán mà bỏ ruộng hoang thì càng chán hơn, Tư ơi”.

Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Nguyễn Văn Việt – Phó ban Nông nghiệp xã Quế Thuận cho biết, vì không có công trình thủy lợi nên vụ hè thu 2014 này địa phương phải bỏ hoang ít nhất 150ha đất lúa. Xót lòng, nông dân nơi đây chuyển 3ha sang trồng bắp lai và 18ha canh tác sắn. Tuy nhiên, do nắng nóng quá khốc liệt khiến nhiều ruộng bắp bị mất trắng, còn số diện tích sắn vừa nêu thì cũng không hứa hẹn cho nguồn thu nhập khá bởi sản lượng củ thường đạt thấp, giá thu mua lại quá bèo.

Chuyện ở xã Quế Thuận cũng đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương khác, vì thế rất đáng để các cơ quan có trách nhiệm suy ngẫm và sớm tìm ra những giải pháp mang tầm chiến lược trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa khó khăn nước tưới. Nếu cứ làm theo kiểu phong trào mà không tính toán kỹ lưỡng thì chắc chắn nhà nông sẽ… chán.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG