Xây dựng nông thôn mới: Quế An cần tiếp sức

NGUYỄN SỰ 27/08/2018 05:05

Thời gian qua, xã Quế An (huyện Quế Sơn) đã nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên chặng đường về đích của địa phương này đang gặp không ít khó khăn, cần sự tiếp sức từ nhiều phía.

Mô hình ươm cây giống lâm nghiệp giúp nhiều hộ dân ở xã Quế An có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình ươm cây giống lâm nghiệp giúp nhiều hộ dân ở xã Quế An có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VĂN SỰ

Tạo chuyển biến

Những ngày cuối tháng 8.2018, dọc tuyến đường ĐT611B đoạn qua xã Quế An chúng tôi thấy nhiều người chăm sóc vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Ông Lê Trung Hoài ở thôn Thắng Đông 1 cho biết, cách đây 3 năm, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cây giống lâm nghiệp trên thị trường khá mạnh, ông đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và tham gia các khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật của địa phương rồi đầu tư cải tạo khu đất vườn rộng lớn để xây dựng mô hình ươm cây keo giống. “Từ năm 2015 đến nay bình quân mỗi năm tôi xuất bán ra thị trường khoảng 90 nghìn cây keo giống. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, thu về mức lãi ròng không dưới 20 triệu đồng” - ông Hoài chia sẻ. Tương tự, nhiều hộ dân khác ở Quế An cũng rất thành công với mô hình ươm cây giống lâm nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lương Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Quế An cho biết, hiện nay tại địa phương có ít nhất 30 mô hình ươm cây keo giống, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động nông nhàn. Bình quân hàng năm các cơ sở này đưa ra thị trường tiêu thụ 7 - 8 triệu cây giống, chủ yếu là keo tai tượng và keo lai giâm hom, mang về tổng doanh thu khoảng 3,7 - 4 tỷ đồng. Cùng với đó, thời gian qua xã Quế An tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng, xem đây là hướng mở để nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay 400ha đất lâm nghiệp trên địa bàn 8 thôn của xã đã được phủ xanh bởi những rừng keo nguyên liệu; mỗi năm người dân địa phương khai thác 100ha, thu về hơn 3,5 tỷ đồng.

Những năm gần đây xã Quế An còn chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Qua thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có 20 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ và 12 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là các ngành nghề cơ khí, mộc dân dụng, cưa xẻ gỗ. Năm 2017 tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng của Quế An đạt 94 tỷ đồng, tăng 82 tỷ đồng so với năm 2013; thương mại - dịch vụ đạt 82 tỷ đồng, tăng 71 tỷ đồng so với cách đây 5 năm.

Cần tiếp sức

Tính đến cuối tháng 8.2018, xã Quế An chỉ mới hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới gồm: quy hoạch, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, GD-ĐT, y tế, quốc phòng - an ninh. Từ nay đến cuối năm, địa phương này phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí là giao thông, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 13%; thu nhập bình quân đầu người ước năm 2018 đạt 30 triệu đồng.

Những ngày này, nhiều hộ dân ở thôn Thắng Trà của xã Quế An hết sức phấn khởi khi tuyến đường giao thông nông thôn đoạn từ nhà bà Nguyễn Thị Nghĩa đến ngõ ông Nguyễn Tấn Liễn được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuyến đường có chiều dài 210m, rộng 3m với tổng kinh phí đầu tư 154 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Lương Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Quế An cho biết, địa phương hiện có tổng cộng 66,7km đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm. Thời gian qua đã tiến hành bê tông hóa 44,5km với tổng nguồn vốn xấp xỉ 33 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ý thức được lợi ích của phong trào làm đường giao thông, từ đó tự nguyện dỡ bỏ tường rào cổng ngõ, hiến đất ở, đất vườn và đất ruộng mở rộng hành lang giao thông theo chuẩn nông thôn mới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong 5 năm qua, bằng nhiều kênh vốn huy động, xã Quế An cũng đã tiến hành thi công một số công trình hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng, như xây dựng mới trạm y tế xã với quy mô 2 tầng, nhà đa năng của trường tiểu học, phòng học và các hạng mục phụ trợ của trường mẫu giáo. Cạnh đó, đầu tư xây dựng cầu Đập Ông và cầu Dương Trúc. Đặc biệt, địa phương vừa xây dựng hoàn thành đình làng Châu Sơn - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là nơi dân làng cúng tế, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian truyền thống… “Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa bền vững, hạ tầng nông thôn vẫn còn tạm bợ. Vì vậy, chặng đường xây dựng thành công mô hình nông thôn mới ở Quế An đối diện với không ít thách thức. Trên địa bàn xã hiện không có doanh nghiệp nào hoạt động, trong khi đó đời sống người dân cũng gặp nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh là rất khó. Muốn hoàn thành bộ 19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định, từ nay đến năm 2022 Quế An cần hơn 110 tỷ đồng để thực hiện nhiều phần việc. Trong đó, ưu tiên đầu tư nâng cấp trạm bơm điện Cầu Liêu, xây dựng đập Châu Sơn, kiên cố hóa 17km kênh mương, bê tông 24km đường giao thông nông thôn. Cạnh đó, nâng cấp 3 trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và xây dựng mới 4 nhà sinh hoạt văn hóa thôn, trung tâm văn hóa xã. Đặc biệt, tiến hành xây dựng lại nghĩa trang liệt sĩ xã vì hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng cùng một số nghĩa trang nhân dân…” - ông Lương Văn Phước chia sẻ.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ