Góp sức xây dựng quê hương
Những năm qua, nông dân huyện Duy Xuyên phát triển kinh tế nhằm nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, đồng thời góp công sức và tiền của xây dựng nông thôn mới (NTM).
Không chỉ đóng góp công sức, những năm qua hội viên nông dân ở Duy Xuyên còn tự nguyện hiến đất để mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông.Ảnh: H.N |
Chú trọng phát triển kinh tế
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất chổi đót của ông Nguyễn Nhất Tuấn ở thôn Chiêm Sơn (Duy Trinh). Ông cho hay, từ sản phẩm đầu tiên là chổi bện mây, sản xuất với quy mô nhỏ, đến nay cơ sở của ông đã mở rộng và tạo ra rất nhiều sản phẩm như chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi… Theo ông Tuấn, bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất gần 500 cây chổi các loại, sau khi trừ các khoản chi phí, ông lãi ròng 15 triệu đồng. “Để tạo dựng cơ sở lớn như bây giờ, bản thân tôi đã đi tham quan, học hỏi tại nhiều làng nghề quấn chổi với mục đích có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, rồi tích cực đăng ký tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh nhằm tiếp cận thị trường tiêu thụ” - ông Tuấn cho biết. Được biết, hiện nay cơ sở của ông Tuấn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Đoàn Thị Thiện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Trinh, những năm qua nông dân sản xuất kinh doanh đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn dưới 2%.
Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên cho biết, 5 năm gần đây, các cấp hội nông dân trên địa bàn tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng những vùng chuyên canh tập trung. Đồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại và nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Cùng với đó, phát triển mạnh kinh tế rừng, xây dựng các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân huyện cũng đã đứng ra tín chấp cho 6.000 lượt hội viên vay hơn 100 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Quyết định số 33 của UBND tỉnh về hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp, những năm qua có 199 hộ nông dân được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng để đầu tư mua sắm mới 93 máy gặt đập liên hợp, 105 máy cày loại lớn, 1 máy sấy nông sản nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội vận động nhiều cá nhân, đơn vị hỗ trợ cho 351 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn 103 con bò giống, 185 con heo giống, 2.000 con gà giống và một số phương tiện với tổng giá trị 1,7 tỷ đồng. Ông Công nói thêm: “Đến nay, mỗi năm Duy Xuyên có 7.705 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 1.357 hộ so với giai đoạn 2007 - 2012. Có thể khẳng định, phong trào này có sức lan tỏa lớn, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,48% vào cuối năm 2017”.
Chung tay xây dựng NTM
Những năm qua, Hội nông dân xã Duy Hòa tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hiến đất để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn, đổ bê tông đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Ngoài ra, hội viên cũng thực hiện tốt việc chỉnh trang vườn nhà, tường rào, cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi ra phía sau nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp. Ông Lê Văn Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hòa cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, hội tiến hành đúc 200 hố bi chứa chai lọ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đặt trên các cánh đồng.
Trong 5 năm qua, hội viên đã thu gom hơn 1,2 tấn rác thải ngoài đồng ruộng và thành lập 4 tổ thu gom rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, đảm bảo môi trường nông thôn sạch sẽ. Ông Hoa cho biết thêm: “Duy Hòa chọn thôn Vĩnh Trinh xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo đó, Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực vận động nông dân hiến đất, di dời tường rào cổng ngõ để mở rộng hơn 7km hành lang giao thông, trồng cây bóng mát dọc các tuyến đường trong thôn, nâng cấp và sửa chữa 5km điện chiếu sáng làng quê, đắp mới 3km đường giao thông nội đồng… góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo quy định”.
Những năm qua, nông dân ở các địa phương khác của huyện Duy Xuyên cũng luôn phát huy vai trò chủ thể, đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Ông Nguyễn Chí Công cho biết, dấu ấn lớn nhất trong tiến trình xây dựng NTM là thời gian qua hội viên nông dân trên địa bàn đã đóng góp hơn 8 tỷ đồng, hàng chục nghìn công lao động và hiến 48.000m2 đất ở để làm đường giao thông, điện chiếu sáng, xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn cùng các công trình dân sinh khác. Cạnh đó, các cấp hội vận động 6.000 hộ dân thực hiện chỉnh trang vườn nhà theo hướng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng mô hình kinh tế vườn. Đồng thời lắp đặt hơn 1.000 hố chứa chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên các cánh đồng, thu gom được 20 tấn rác thải giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam xử lý… Ông Công nói: “Đến gần giữa tháng 6.2018, tất cả 5 xã đã về đích NTM giai đoạn 2015-2017 là Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước, Duy Thành đều giữ vững và nâng tầm các tiêu chí đạt được. Đồng thời thực hiện hiệu quả mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đến năm 2020 Duy Xuyên trở thành huyện NTM”.
HOÀI NHI