Xây dựng nông thôn mới ở Tam Ngọc và Tam Phú: Lo trả nợ và tìm vốn đối ứng
Tại TP.Tam Kỳ, xã Tam Ngọc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn số nợ xây dựng cơ bản lớn nên đang thực hiện khai thác đất lẻ để trả nợ. Trong khi đó, xã Tam Phú xây dựng NTM với nhiều dự án đầu tư, do vậy địa phương đang thực hiện phương án vốn đối ứng.
Từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Tam Ngọc đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình để hoàn thành các tiêu chí “cứng” về giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, thể dục thể thao... Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh và thành phố thì địa phương bắt buộc có một nguồn vốn đối ứng tương đối lớn. Do vậy, sau khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM, địa phương còn số nợ công xây dựng cơ bản là 4,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án, công trình còn số nợ khá cao.
Xã Tam Phú chủ động khai thác đất lẻ để tạo vốn đối ứng xây dựng NTM. Trong ảnh: Bê tông hóa kênh mương nội đồng và xây dựng ao thu gom nước nhỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Tam Phú. |
Như công trình bê tông hóa kênh N2 - 2B còn nợ so với phê duyệt quyết toán hơn 150 triệu đồng; công trình nối dài kênh N1-1 gần 500 triệu đồng; kiên cố hóa kênh N2B gần 360 triệu đồng; kiên cố hóa kênh mương loại 3 còn nợ 1,2 tỷ đồng; nhà văn hóa thôn Trà Lang hơn 200 triệu đồng... Do vậy, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo (2016 - 2020), bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, Tam Ngọc đang xây dựng và triển khai kế hoạch “trả nợ” trong vòng 4 năm tới. Ông Nguyễn Thanh Yên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc cho biết: “Đến năm 2020, khi xét duyệt công nhận lại là xã đạt chuẩn NTM thì theo quy định, xã đó phải không còn nợ công xây dựng cơ bản. Do vậy, địa phương đang tập trung các giải pháp để trả hết số nợ từ nay cho đến lúc đó. Và công tác khai thác quỹ đất lẻ trên địa bàn là một trong những giải pháp quan trọng để xã Tam Ngọc giải quyết vấn đề này”.
Trong khi đó, xã Tam Phú đang trong giai đoạn xây dựng NTM với mục tiêu đạt chuẩn vào năm 2018. Một kế hoạch đầu tư xây dựng cũng đã được triển khai thực hiện phân kỳ qua từng năm. Năm 2016 này, địa phương đã thực hiện nhiều dự án công trình trên địa bàn như: ao thu gom nước nhỉ, bê tông hóa kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng đường quê… Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh và thành phố, địa phương cũng đã tranh thủ từ nhiều nguồn để làm vốn đối ứng. Trong đó, đối với 2 ao thu gom nước nhỉ với tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng, địa phương đã vận động nhân dân hiến 500m2 đất; dự án bê tông hóa kênh mương tại thôn Ngọc Mỹ và Phú Bình với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nhân dân hiến 750m2 đất; làm đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng; xây dựng 20km điện chiếu sáng đường quê, nhân dân đóng góp gần 300 triệu đồng… Ngoài ra, đối với các phương án hỗ trợ sản xuất, người dân cũng đã tích cực đóng góp kinh phí hơn 160 triệu đồng để cùng địa phương hoàn thành một số tiêu chí NTM. Ông Nguyễn Quang Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết: “Theo sự chỉ đạo của UBND TP.Tam Kỳ, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để có nguồn vốn đối ứng trong xây dựng NTM. Cụ thể là khai thác quỹ đất lẻ trên địa bàn. Trong năm 2016 này, địa phương đã lập phương án khai thác 3 vị trí trên địa bàn với số tiền thu khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, để hạn chế nợ công xây dựng NTM sau khi đã đạt chuẩn, địa phương cũng sẽ lập phương án khai thác đất lẻ qua từng năm để có nguồn vốn xây dựng”.
Theo kết luận của lãnh đạo thành phố qua các cuộc họp xây dựng NTM, các địa phương đang xây dựng NTM trên địa bàn nếu thực hiện tốt công tác khai thác đất lẻ thì thành phố sẽ để lại 100% số tiền để địa phương đó làm nguồn vốn đối ứng xây dựng cơ bản. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các địa phương chủ động nguồn vốn đối ứng và tránh được nợ công xây dựng NTM sau khi đạt chuẩn.
XUÂN TRƯỜNG