Điện Phương vững vàng về đích

NGUYỄN SỰ 24/10/2016 08:45

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân gắn với huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên những năm qua diện mạo nông thôn của xã Điện Phương (Điện Bàn) ngày càng khởi sắc...

Kinh tế phát triển mạnh

Điện Phương có 238ha đất sản xuất lúa. Nhờ chủ động nước tưới, bố trí cơ cấu giống phù hợp, áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật nên 5 năm gần đây nông dân rất phấn khởi vì liên tục được mùa. Nếu năm 2010 năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 55 tạ/ha thì nay tăng lên 65 tạ/ha. Thực hiện cơ chế 33 của UBND tỉnh, thời gian qua chính quyền địa phương đã hỗ trợ 450 triệu đồng cho một số hộ dân có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã có 18 máy cày loại lớn, 12 máy gặt đập liên hợp, nhờ vậy tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%. Ngoài số diện tích lúa vừa nêu, Điện Phương còn có 110ha đất màu. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xã đã chi gần 2,6 tỷ đồng kéo 2,8km đường dây điện, lắp đặt công tơ, hệ thống đường ống dẫn để đảm bảo cung ứng nước tưới cho các bãi bồi. Từ đó, nhà nông mạnh dạn luân canh, xen canh, gối vụ những loại cây trồng cạn chủ lực như ớt, đậu cô ve, bắp lai, rau xanh... Bình quân mỗi năm, 1ha đất cho mức thu nhập 85 - 100 triệu đồng.

Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công cầu dân sinh tại thôn Triêm Nam. Ảnh: VĂN SỰ
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công cầu dân sinh tại thôn Triêm Nam. Ảnh: VĂN SỰ

Tuy nông nghiệp khởi sắc nhưng những năm qua Điện Phương tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã cho biết, Điện Phương hiện có 246 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Cùng với 2 ngành này, du lịch cũng có bước đột phá lớn. Theo đó, địa phương đã phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân Triêm Tây và tổ chức tọa đàm về tour thử nghiệm du lịch cộng đồng làng. Nhờ vậy, năm 2015 khu du lịch nhà vườn Triêm Tây đón hơn 3 nghìn lượt khách đến tham quan, góp phần đưa giá trị của ngành thương mại - dịch vụ - du lịch đạt 299 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2014. Đối với lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mặc dù một số làng nghề phải đối diện với không ít khó khăn nhưng vẫn duy trì hoạt động tốt và ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, phải kể đến làng nghề đúc đồng Phước Kiều, chiếu Triêm Tây, bánh tráng Phú Chiêm hay những cơ sở của các nghệ nhân như chạm khảm gỗ Nguyễn Văn Tiếp, gốm đỏ Lê Đức Hạ…

Theo dự tính, năm 2016 này giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Điện Phương sẽ đạt 184 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Ông Thu nói: “Chủ trương của Điện Phương là trong thời gian đến tiếp tục khuyến khích các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm. Kết nối các tour du lịch để kéo chân du khách về với vùng đất Triêm Tây. Mặt khác, xây dựng một số sản phẩm có tính chủ lực, tăng sức cạnh tranh, nhất là sản phẩm gỗ dân dụng. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp trên công nhận một số làng nghề nhằm quảng bá thương hiệu đến với đông đảo người dân”.

Chú trọng đầu tư hạ tầng

Theo lộ trình đặt ra lúc ban đầu, Điện Phương sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2018. Song, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía nên đến nay xã đã cơ bản hoàn tất 19 tiêu chí và đang làm hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn vào cuối năm nay. Tổng kinh phí địa phương đã huy động đầu tư cho chương trình này trong những năm qua là hơn 65,5 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,27%, giảm 3,07% so với năm 2011 và thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 33 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với cách đây 5 năm.

Những ngày qua, nhiều gia đình ở thôn Triêm Đông 1 hết sức vui mừng khi tuyến giao thông nông thôn đoạn từ nhà ông Lê Viết Giãn đến nhà ông Lương Khả đưa vào sử dụng. Tuyến đường này có chiều dài 330m, rộng 4m với tổng kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 55%, còn lại 45% do nhân dân đóng góp. Thời gian qua nhờ linh hoạt vận dụng nhiều cơ chế nên đến nay Điện Phương đã bê tông hóa hơn 47,4km đường liên xã – liên thôn – liên xóm, đạt tỷ lệ 88,7%. Ông Lê Đức Thu chia sẻ: “Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên người dân địa phương ý thức được lợi ích từ phong trào làm đường giao thông nông thôn. Trong quá trình thi công, có ít nhất 300 hộ dân tự nguyện hiến 10 nghìn mét vuông đất ở, đất vườn, đất ruộng với tổng trị giá tương đương 1 tỷ đồng”. Được biết, hiện nay chính quyền xã cũng đang tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình xây dựng cầu dân sinh ở thôn Triêm Nam với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30.4.2017.

Trong khi đó, chiều 19.10 vừa qua xã Điện Phương đã tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng chợ Cầu Mống. Công trình này được khởi công vào giữa tháng 7 năm nay với tổng kinh phí 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Chợ Cầu Mống được nâng cấp, sửa chữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 164 hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán và góp phần giải quyết bài toán về an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Những năm qua, bằng nhiều kênh vốn huy động, Điện Phương cũng thi công hoàn thành nhà văn hóa xã và khu thể dục – thể thao. Cạnh đó, 11 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới đảm bảo phục vụ việc hội họp, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân. Ngoài ra, trạm y tế xã, các trường học trên địa bàn đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp và đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ