Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 ở Duy Xuyên: Nhiều xã chậm vào cuộc
Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến trước năm 2020), huyện Duy Xuyên chọn 4 xã Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh xây dựng trở thành xã nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương vẫn chậm vào cuộc, nhất là xuất hiện tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.
Cuối năm 2015, huyện Duy Xuyên có 4 xã điểm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Phước được UBND tỉnh công nhận đạt xã nông thôn mới. Đây là thành công bước đầu trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện để tiến đến năm 2020 Duy Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đồng thời qua xây dựng 4 xã nông thôn mới, Duy Xuyên rút ra kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng cho 7 xã còn lại. Giai đoạn 2, từ năm 2016 đến trước năm 2020, huyện Duy Xuyên quyết định chọn 4 xã: Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh xây dựng trở thành xã nông thôn mới. Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Phó ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Duy Xuyên nhận xét: “Sau khi 4 xã đạt nông thôn mới, tư tưởng “nghỉ xả hơi” xuất hiện. Bảy xã còn lại, trong đó có 4 xã Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt. Năm 2016 đã bước sang tháng thứ 7, vậy mà kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong năm của các xã này chưa được xây dựng”. Không những thế, tiêu chí số 1 về quy hoạch của các xã thì còn ngổn ngang. Lãnh đạo các xã không thể hình dung được công việc cụ thể phải làm trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới.
Nhân dân là chủ thể quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: người dân xã Duy Sơn xây dựng giao thông nội đồng. Ảnh: V.Sự |
Mới đây, tham dự một cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2016 của huyện Duy Xuyên, chúng tôi chỉ nghe lãnh đạo các xã nêu hết khó khăn này đến khó khăn nọ về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vẫn là “bài ca” đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ xác định, nhân dân là chủ thể quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở 4 xã điểm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Phước xây dựng thành công xã nông thôn mới là nhờ biết huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó đáng ghi nhận là phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Ngoài ra, theo ông Văn Bá Năm, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương hết sức lơ là. Mặc dù kế hoạch đã được xây dựng, nhưng chưa thấy động tĩnh gì để triển khai thực hiện; cán bộ chuyên trách ở một số xã còn hạn chế, thiếu tâm huyết, làm việc theo kiểu được chăng hay chớ… Thật vậy, những tiêu chí về văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự không cần kinh phí, nhưng các xã cũng chưa xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Năm 2016, huyện Duy Xuyên có kế hoạch đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở 8 xã. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn, tuyên truyền; bảo vệ môi trường và phổ cập mầm non. Tỉnh đầu tư từ nguồn ngân sách khoảng 4,3 tỷ đồng để kiên cố hóa kênh mương; làm đường giao thông và trang bị các thiết chế văn hóa của trung tâm VH-TT các xã. |
Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Duy Xuyên phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020, muốn vậy đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã phải vào cuộc một cách quyết liệt và một cách chuyên nghiệp; quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn với tầm nhìn lâu dài, gắn kết các công trình lại với nhau dưới cái nhìn tổng thể. Và phải xác định người dân là chủ thể quan trọng và là nội lực chính. Vì vậy, mọi việc phải được đưa ra dân bàn, chính quyền tổ chức cho dân làm và chính người dân là người được hưởng lợi, có như vậy xây dựng xã nông thôn mới mới bền vững”. Duy Xuyên xác định, xây dựng nông thôn mới không phải làm bất cứ mọi giá, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại và nóng vội, nghĩa là không phải địa phương chỉ cần xây dựng đề án, kế hoạch trình cấp trên hỗ trợ kinh phí là có thể thực hiện được các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, mà phải huy động mọi nguồn lực: ngân sách nhà nước, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư và cả doanh nghiệp.
Theo mục tiêu phấn đấu của huyện Duy Xuyên, các xã Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh đến năm 2018 hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, bình quân mỗi xã năm 2016 đạt 3 - 4 tiêu chí. Duy Xuyên vừa tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư cho 4 xã Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh, vừa chú ý củng cố, bổ sung, hoàn thiện, giữ vững các tiêu chí đã đạt được của 4 xã nông thôn mới Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Phước. Đồng thời các xã Duy Thu, Duy Tân và Duy Phú cũng bắt đầu khởi động tiến trình xây dựng xã nông thôn mới.
HOÀNG THƠ